Cuộc sống rất đa dạng và chúng ta phải tôn trọng tính đa dạng của nó thì mới phát triển được. Vì vậy, khi xây dựng một chính sách hay qui định, dù là chung hay riêng, phải thấy rõ tính đa dạng để có những điều khoản phù hợp. Khi đó, đặc thù sẽ trở thành điều bình thường và nếu không cụ thể thì sự đa dạng sẽ trở thành “đặc thù, đặc biệt”.
Ảnh minh họa: DĐDN.
Cùng với sự phát triển của xã hội, pháp luật ngày càng được tôn vinh. Đương nhiên khi đó, bình đẳng, qui chuẩn là tối cần thiết. Nhưng hiểu thế nào là bình đẳng, chuẩn mực lại không hề đơn giản, thậm chí vô cùng phức tạp. Tầm thường hóa các khái niệm này dễ dẫn đến những qui định máy móc để rồi vượt qua chúng sẽ không khác gì leo lên đỉnh núi Fansipan hay thậm chí Himalaya. Dưới đây, tôi mạn đàm đến mấy ví dụ.
Như chúng ta đã biết, sau một thời gian phong học hàm/chức danh phó giáo sư, giáo sư, các bộ tiêu chuẩn đã được xây dựng, và ngày càng hoàn thiện. Mục đích của các bộ tiêu chuẩn rõ ràng rất tốt, nhằm đảm bảo chất lượng của đội ngũ giáo sư/ phó giáo sư. Chỉ có điều, dù đã sửa đổi nhiều lần nhưng ý tưởng chủ đạo là bộ tiêu chuẩn phải áp dụng cho tất cả các ngành, lĩnh vực khoa học thì không thay đổi! Vì phải có chuẩn như nhau này nên khi xây dựng văn bản, ai cũng đề xuất và mong cái “đặc thù” của ngành mình được chấp thuận như chuẩn mực chung. Kết quả cuối cùng ai cũng thấy: mỗi ngành chỉ được thông qua vài “đặc thù” thôi, và do vậy ai cũng thấy mình thiệt.
Vấn đề chính ở đây là chúng ta đã tầm thường hóa chuẩn mực, chỉ nói đến đặc thù mà quên mất tính đa dạng. Cũng như cuộc sống, khoa học rất đa dạng, và do đó mới phát triển. Đặc thù của từng ngành, thậm chí ngành khoa học chính là sự đa dạng của khoa học. Trong trường hợp này, hiểu bình đẳng chính là hiểu và chấp nhận tính đa dạng của từng ngành. Như vậy, chuẩn phải là chuẩn cho từng ngành mới đúng, mới sát.
Lý tưởng nhất là việc đánh giá các ứng viên dựa hoàn toàn vào chất lượng, nội dung khoa học của từng người như ở các nước phát triển, nơi không chỉ có nhiều chuyên gia giỏi mà còn sử dụng chuyên gia trên toàn thế giới, không phân biệt biên giới hay khác biệt chính trị, tôn giáo. Ở nơi đó, các chỉ số trích dẫn hay SCI, SCI-E, … ít có giá trị, thậm chí bị cấm nói đến. Ở nước ta dĩ nhiên không thể máy móc theo gương các nước phát triển, chỉ dựa hoàn toàn vào các hội đồng, chuyên gia. Không nói cũng dễ thấy, chấp nhận điều đó sẽ dẫn đến lạm phát giáo sư, phó giáo sư. Cho nên, vẫn phải có chuẩn; nhưng phải là chuẩn cho từng ngành.
Chúng ta đã tầm thường hóa chuẩn mực, chỉ nói đến đặc thù mà quên mất tính đa dạng.
Ví dụ tiếp theo là chuẩn luận án tiến sĩ. Theo mô hình Liên Xô cũ, mỗi luận án cứ phải có tối thiểu hai bài báo. Theo thời gian, qui định về tạp chí của từng ngành, từng cơ sở đào tạo ngày càng khắt khe. Tôi cứ tưởng những qui định như vậy là hiển nhiên. Mãi đến khi trưởng thành hơn, trao đổi với các đồng nghiệp trên thế giới, ở các ngành khác nhau, tôi mới biết: ở hầu hết các nước khoa học phát triển, người ta chỉ chấm nội dung luận án, không quan tâm đã được đăng báo hay sẽ đăng báo hay không. Thành viên hội đồng, đặc biệt là giáo sư hướng dẫn, chịu trách nhiệm chính về nội dung luận án. Vậy lấy gì đảm bảo cho chất lượng? Chính uy tín của người hướng dẫn. Ai cho ra lò tiến sĩ kém chất lượng thì sẽ mất uy tín. Mà mất uy tín thì rồi chẳng ai theo học nữa vì theo để rồi sau khi có tấm bằng, không nơi nào tuyển dụng. Vậy có bằng tiến sĩ để làm gì (ngoại trừ cho oai thì không bàn)? Tất nhiên, khi giáo sư kém chưa lộ diện cũng có vài người bị mắc lưới. Nhưng trên đời làm sao mà tránh hết những éo le như vậy.
Như vậy, cách tiếp cận ở đây không chỉ đề cao đặc thù từng chuyên ngành mà còn đề cao từng cá thể – một mức độ đặc thù hay tôn trọng đa dạng cao hơn nhiều. Trong cái sự đề cao tính đa dạng này, rất thú vị là sự bình đẳng lại đạt được ở mức độ gần như tuyệt đối: “ai giỏi sẽ được tạo cơ hội, được trọng dụng”!
Tất nhiên ở nước ta, cũng như chuyện phong giáo sư, phó giáo sư, không có chuẩn sẽ thêm nhiều tiến sĩ giấy. Nhưng cũng nên nghĩ đến chuyện chấp nhận tính “đặc thù”, hay đúng hơn là chấp thuận tính đa dạng.
Chuyện tiếp theo là phải trả học phí để được học, dù là cấp nào. Vào thời bao cấp làm gì có học phí, thậm chí ai có điều kiện đi học ở nước ngoài (tại các nước xã hội chủ nghĩa) còn có thể tiết kiệm được học bổng (dù rất ít ỏi) để về hỗ trợ gia đình. Cho nên, đến khi kinh tế thị trường thâm nhập, phải vô cùng vất vả thì việc thu học phí mới trở thành thường lệ, bắt đầu từ các trường tư sang trường công. Trớ trêu thay, đến lúc này thì chuyện cấp học bổng trở thành vấn đề nan giải. Để thu hút sinh viên, học viên giỏi, một số nơi cấp học bổng – nhưng thực ra chỉ là giảm bớt học phí! – và chuyện cấp học bổng, kể cả cho cao học hay nghiên cứu sinh, cũng khiến người ta thấy vô lý, bất công. Ở nước ta, đặc thù như vậy không thể được chấp nhận. Vì vậy, Trung tâm UNESCO về Toán đặt tại Viện Toán học không có cách nào tuyển cao học, nghiên cứu sinh từ các nước trong khu vực như đã cam kết với UNESCO. Bởi có ai biết đâu, tại các nước khoa học phát triển, những nơi học phí rất cao, người ta lại cấp nhiều học bổng rất hấp dẫn đủ sống và không thu học phí để thu hút tài năng từ khắp nơi, trong đó có cả Việt Nam! Họ đâu có dại. Từ số những nghiên cứu sinh, học viên cao học đó, sẽ có một số vô cùng xuất sắc, sau này bổ sung cho đội ngũ chuyên gia xuất sắc của họ. Mặt khác, ngay cả khi làm nghiên cứu sinh hay học cao học, những học viên đó đã được tham gia các dự án khoa học và có thể đem lại nhiều thành quả. Hóa ra, chính sách đặc biệt cấp học bổng cho những cá thể tiềm năng như vậy, trên thực tế lại là cách sử dụng nhân lực khoa học một cách hiệu quả, không mấy tốn kém, không chỉ lợi lâu dài mà cả trước mắt.
Ở nước ta, cũng như chuyện phong giáo sư, phó giáo sư, không có chuẩn sẽ thêm nhiều tiến sĩ giấy. Tuy nhiên cũng nên nghĩ đến chuyện chấp nhận tính “đặc thù”, hay đúng hơn là chấp thuận tính đa dạng.
Dù có thể kể ra nhiều ví dụ khác nhưng tôi chỉ muốn bổ sung thêm hai ví dụ thuộc về quản lí. Nhiệm vụ chính của nghiên cứu viên, dù là chính hay cao cấp, thì vẫn là nghiên cứu khoa học ở trình độ càng cao càng tốt. Không hiểu căn cứ vào cơ sở khoa học nào, mà năm 2016 Bộ KH&CN ban hành và yêu cầu những người muốn được nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp phải có “Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghiên cứu khoa học”. Dĩ nhiên trong các chương trình đó, mục tiêu chung và cụ thể được nêu rất rõ ràng nhưng tôi rất hoài nghi tính thiết thực và hiện thực của nó. Chẳng hạn, tôi không thể tin người nghiên cứu Toán có thể viết bài tốt hơn, sau khi học Chương trình bồi dưỡng chung đó với mục tiêu ghi rất rõ: “c) Phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học; kỹ năng tổng hợp, phân tích thông tin, điều tra, khảo sát, phục vụ nghiên cứu khoa học. Nâng cao kỹ năng tổ chức hoạt động KH&CN; phát triển kỹ năng viết các bài báo khoa học và các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản khác”. Một người làm Toán không thể góp ý (chứ đừng nói dạy) cho người làm Vật lý bất kì một thứ gì để thực hiện một trong các mục tiêu vừa nêu và ngược lại. Làm sao lại có thể nghĩ ra một cái chung chung như vậy?
Một ví dụ khác là qui định chuẩn cho các tổng biên tập, phó tổng biên tập tạp chí khoa học, thậm chí tạp chí khoa học quốc tế – nơi mà trình độ chuyên môn là tiêu chuẩn số một, với mục đích tổ chức đánh giá được chất lượng của bài báo gửi đăng để có chấp nhận đăng hay không. Tiêu chuẩn tiếp theo chính là khả năng mời được hội đồng biên tập có uy tín cao, để từ đó có thể mời các nhà nghiên cứu giỏi gửi bài đăng. Gọi là tiêu chuẩn, chứ thực ra đó là hai tiêu chí, và việc lựa chọn hoàn toàn dựa trên tư vấn của các nhà khoa học đầu ngành, chứ không thể có một tiêu chuẩn tường minh nào cả. Và có lẽ đó là những tiêu chí duy nhất. Thế thì không thể hiểu nổi tại sao lại áp dụng các tiêu chuẩn rất khắt khe về tổng biên tập đối với một tờ báo hay tạp chí có tính chính trị rất cao với tạp chí thuần khoa học, không có nguy cơ lộ bí mật quốc gia hay sai phạm pháp lí?
Các nhà lãnh đạo đã nhiều lần nói, đại ý: qui định do con người xây dựng lên, nên khi thấy bất cập thì cần kiên quyết điều chỉnh, sửa đổi. Tại sao lại lấy những qui định như vậy để tự bó tay, bó chân chúng ta?
Chỉ đạo như vậy, nhưng trên thực tế, sửa đổi một cái gì đã có khó gấp trăm lần so với xây dựng cái mới.□
Latest comments (0)