Hội trà đá 8

Cover image for Đánh giá toàn diện “Chiến tranh phức hợp” tại Ukraine – Phần cuối
Polka-dot man
Polka-dot man

Posted on • Originally published at nghiencuuchienluoc.org

Đánh giá toàn diện “Chiến tranh phức hợp” tại Ukraine – Phần cuối

Đối mặt với tình hình an ninh quốc tế ngày càng phức tạp, các nước cần duy trì tư duy về giới hạn và nhận thức về nguy cơ, đánh giá đầy đủ và tập trung vào phòng ngừa những thách thức có thể đối mặt trong “chiến tranh phức hợp”, tăng cường khả năng tổng hợp để đối phó với “chiến tranh phức hợp”.

Đánh giá sự phát triển của lý thuyết “chiến tranh phức hợp”

Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, lý thuyết “chiến tranh phức hợp” giữa Mỹ và Nga đã được kiểm chứng trực tiếp trong thực tiễn, cả hai đều được và mất. Mỹ cơ bản đã đạt được mục tiêu chiến lược với chi phí thấp là mở rộng liên minh, củng cố quan hệ bạn bè và làm suy yếu Nga, sử dụng khủng hoảng Ukraine để kéo Nga vào cuộc chiến tiêu tốn kéo dài. Nga đã mở thông đường dẫn chiến lược từ khu vực đông Ukraine đến Crimea, kiểm soát năm tỉnh phía đông Ukraine, ổn định kinh tế của chính mình. Đồng thời, cuộc khủng hoảng này cũng đồng nghĩa với việc lợi ích hòa bình sau 30 năm kể từ cuộc Chiến tranh Lạnh đã hoàn toàn cạn kiệt. Châu Âu một lần nữa bị chia cắt, trật tự thế giới đang dần dần tan rã. Hòa bình và phát triển toàn cầu đang đối mặt với những thách thức lớn hơn. Trong bối cảnh này, “chiến tranh phức hợp” đã thể hiện những xu hướng phát triển mới.

“Chiến tranh phức hợp” mang đậm tính thời đại công nghệ

Chiến tranh và xung đột là những biểu hiện tập trung của công nghệ tiên tiến. Việc sử dụng các công nghệ mới nổi như công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông thông minh được tích hợp chặt chẽ với quá trình chiến tranh đã đẩy mạnh sự thay đổi của hình thức chiến tranh hiện đại và phát triển của “chiến tranh phức hợp”, khiến nó có những đặc điểm mang tính thời đại công nghệ điển hình. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine này, chiến tranh thông tin và chiến tranh mạng được tích hợp chặt chẽ với các hoạt động quân sự truyền thống, tham gia vào việc triển khai quân sự và chi phối xu hướng xung đột, trở thành một phần quan trọng trong cơ chế chiến thắng của “chiến tranh phức hợp” hiện đại. Trong đó, các phương tiện truyền thông xã hội và mã mạng được vũ trang mạnh mẽ, phát triển thành lĩnh vực trung tâm trong cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Nga để kiểm soát tường thuật diễn biến chiến tranh,định hình nhận thức của dư luận. Trong khi đó, phương tiện truyền thông xã hội cung cấp nguồn lực để thực hiện cuộc tấn công mạng quy mô lớn, tấn công và đánh cắp thông tin cơ mật của kẻ địch.

Trước hết, tính chính trị của các phương tiện truyền thông xã hội đã tăng lên đột ngột, đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp chính trị mạnh mẽ, xây dựng nhận thức và tổ chức liên lạc. (15) Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, các nền tảng truyền thông xã hội toàn cầu đã trở thành “chiến trường trực tuyến” để Mỹ và Nga tranh giành quyền lên tiếng. Việc truyền thông thông tin và việc tường thuật chiến tranh đã thể hiện các đặc điểm chiến lược, cấu trúc và hệ thống hóa, phục vụ cho các mục tiêu chiến lược và mục tiêu chính trị của mỗi bên. Nó tạo ra sự “cộng hưởng tần số” giữa chiến trường trên mặt đất và chiến trường thông tin mạng. Thứ nhất, dựa trên quyền bá chủ truyền thông của mình, Mỹ đã sửa đổi thuật toán của các nền tảng truyền thông xã hội, sử dụng các phương tiện để tập hợp dư luận, điều hướng sự phân cực của dư luận quốc tế, tác động đến việc xây dựng nhận thức của mọi người, khiến dư luận và thông tin có “tính tấn công” và “lực sát thương” chưa từng có. Thứ hai, các phương tiện và cách thể hiện tường thuật chiến tranh ngày càng được quân sự hóa, thông tin sai lệch đã trở thành vũ khí đắc lực để vu khống đối phương trên chiến trường mạng. Thông qua các kênh truyền thông thông tin đa dạng, nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu, vượt qua các vùng lãnh thổ của xung đột quân sự cục bộ lan truyền thành “cuộc chiến dư luận thế giới”.

Thứ hai, chiến tranh mạng dựa trên vũ khí mã hóa đã trở thành phương tiện chiến đấu cốt lõi và ưu tiên trong “chiến tranh phức hợp” giữa Mỹ và Nga. Chiến tranh mạng chủ yếu phát huy các hiệu ứng sau: Một là tấn công trang web chính quyền các cấp và cơ sở hạ tầng then chốt như mạng lưới điện, đường sắt của địch, làm suy yếu khả năng phối hợp, huy động và hành động của kẻ thù; hai là đánh cắp hoặc phá hủy tài liệu cơ mật, công khai tin tức tình báo quan trọng, làm rối loạn các kế hoạch chiến lược hiện tại của quân đội đối thủ; Ba là, tấn công hệ thống vệ tinh và hệ thống tác chiến chỉ huy của địch, gây nhiễu năng lực chỉ huy, kiểm soát, giám sát và trinh sát của quân đội tiền tuyến, tăng chi phí chiến tranh của họ. So với việc đối đầu quân sự trực tiếp, chiến tranh mạng có thể đạt được hiệu quả tấn công tương đương với chi phí thấp hơn. Đồng thời, vì các cuộc tấn công mạng có tính nặc danh, khó xác định người tấn công nên trong quá trình thực hiện chiến tranh mạng, việc xác định nguồn gốc của người tấn công trở nên khó khăn, tạo ra không gian biện hộ rất linh hoạt cho hành vi tấn công. Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ chính thức, cả Mỹ và Nga đều ưu tiên sử dụng các phương tiện chiến tranh mạng để giảm năng lực tác chiến của đối phương, đánh dấu tỷ trọng và tầm quan trọng của chiến tranh mạng trong các phương tiện “chiến tranh phức hợp”.

Vai trò then chốt của chiến tranh thông tin và chiến tranh mạng trong cuộc khủng hoảng Ukraine lần này có liên quan mật thiết đến tiến bộ khoa học công nghệ và cập nhật phương tiện thông tin liên lạc. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của phương tiện truyền thông đại chúng và công nghệ kỹ thuật số, “chiến tranh phức hợp” đã kết hợp chặt chẽ công nghệ thông tin với các phương tiện cốt lõi ngày càng phong phú theo sự tiến bộ của công nghệ. “Chiến tranh phức hợp” do đó đã thể hiện các xu hướng phát triển như sau:

Thứ nhất, các phương tiện cao cấp như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng đã được tích hợp chặt chẽ với các phương tiện quân sự, gần như có cùng mức độ quyết liệt và tính thời gian thực. Từ việc thay đổi thuật toán trên các nền tảng truyền thông xã hội toàn cầu đến việc gỡ bỏ ứng dụng hàng loạt. Từ cuộc chiến “video ngắn trực tiếp” đến cuộc chiến “tin tức giả, tin tình báo giả”, hai mặt trận thực và ảo đồng thời giao tranh. “chiến tranh phức hợp” từ một cuộc xung đột gián tiếp, cường độ thấp đã biến thành một cuộc đối đầu cường độ cao, đặc biệt là trên chiến trường mạng. Điều này có nghĩa là vị thế lãnh đạo của các hoạt động quân sự truyền thống trong chiến tranh hiện đại đang bị suy yếu. Các hoạt động thông tin được thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông, mạng lưới đại chúng và các kênh khác sẽ hoàn toàn đi đầu trong các cuộc chiến tranh và xung đột.

Thứ hai, các bên xung đột (đặc biệt là bên yếu hơn về sức mạnh quân sự) thường tránh xa các cuộc đối đầu quân sự trực tiếp và ưu tiên các biện pháp phi quân sự để ràng buộc đối thủ. Trong giai đoạn trước cuộc khủng hoảng Ukraine lần này, khi Nga có ưu thế quân sự áp đảo, các quốc gia phương Tây như Mỹ và Ukraine đã tập trung hơn vào việc làm nghẹt thở đối thủ trên mặt trận thông tin và truyền thông, thậm chí đã có lúc trên các nền tảng truyền thông xã hội xuất hiện tình trạng “một chiều” chỉ trích Nga, làm hại nghiêm trọng hình ảnh quốc tế của Nga. Điều này cho thấy, trước xu hướng phát triển của các hệ thống quân sự và xã hội có tính liên kết cao, các đặc điểm trí tuệ, thông tin hóa và bất đối xứng của “chiến tranh phức hợp” khiến công nghệ thông tin giống như sức mạnh cứng của quân đội, ngày càng trở thành yếu tố cốt lõi kiểm soát tình hình chiến tranh.

“Chiến tranh phức hợp” có tính mơ hồ về hệ thống

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa, mối liên kết giữa các quốc gia trở nên toàn diện, đa tầng và đa chiều. “Chiến tranh phức hợp” là một hình thức mới của cuộc chiến tranh trong thời đại thông tin, bao gồm nhiều lĩnh vực như quân sự, kinh tế, ngoại giao, thông tin, v.v. Các phương tiện được sử dụng với sự linh hoạt cực độ. Và cùng với việc cập nhật công nghệ liên tục, nội dung của “chiến tranh phức hợp” ngày càng phong phú, phạm vi của chiến tranh và xung đột ngày càng mở rộng, đặc điểm có tính mơ hồ của nó ngày càng trở nên rõ ràng.

Dưới tác động của các phương tiện công nghệ cao như chiến tranh thông tin và chiến tranh mạng, các đặc điểm điển hình của không gian mạng được chiếu xuống trận địa, khiến các xung đột quân sự cục bộ vượt xa các khái niệm truyền thống về “chiến trường”, “thời chiến”, “người tham gia tác chiến” mở rộng về mặt thời gian, không gian và các chủ thể tham gia. Chiến tranh thông thường từ đó chuyển biến thành một dạng tác chiến phối hợp trên nhiều lĩnh vực như chiến tranh chính trị, kinh tế, thông tin, trở thành chiến tranh toàn diện không có ranh giới về thời gian, không gian, biên giới và dân số.

Thứ nhất, chiến tranh từ vấn đề song phương phát triển thành vấn đề mang tính toàn cầu mà các chính phủ, truyền thông, người dân và các tổ chức quốc tế cùng quan tâm và thảo luận. Khu vực đối kháng cũng mở rộng đến các không gian mới nổi như không gian mạng, thông tin, vũ trụ. Ảnh hưởng của nó lan rộng nhanh chóng, với quy mô và phạm vi ngày càng mở rộng.

Thứ hai, đối đầu phi quân sự kéo dài suốt thời gian diễn ra xung đột, bao gồm nhưng không giới hạn trong việc tấn công mạng trước trận chiến, tạo thế dư luận, vận động chiến tranh, giao tranh dư luận liên quan đến tiến trình chiến tranh, trạng thái chiến trường và thành quả chiến công, mở rộng đến việc kể chuyện “thắng lợi” sau chiến tranh và các biện pháp trừng phạt trên mọi lĩnh vực.(17)

Thứ ba, chính phủ và quân đội không còn là các chủ thể duy nhất thực hiện “chiến tranh phức hợp” mà trọng tâm của chiến tranh đã chuyển từ cuộc đối đầu quân sự thuần túy sang cấu trúc đa dạng của việc tích hợp hệ thống quân sự và hệ thống xã hội.

Nhìn chung, trong thực tiễn “chiến tranh phức hợp” của Mỹ và Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine lần này, cả hai bên đều có tính linh hoạt cao trong việc lựa chọn và kết hợp các công cụ chiến tranh. Sự tương tác giữa các phương tiện thông thường và phi thông thường, song song đã tạo ra sự mơ hồ trong hệ thống “chiến tranh phức hợp” chưa từng có trước đây.

Một là, việc huy động linh hoạt nguồn lực giữa Mỹ và Nga đã phá vỡ ranh giới giữa chiến tranh tổng lực và chiến tranh hạn chế. Xung đột quân sự có ranh giới nhưng đối đầu phi quân sự vượt ra khỏi giới hạn về thời gian, không gian và lĩnh vực, làm mờ đi ranh giới giữa “hữu hạn” và “vô hạn”.

Hai là, sự phân biệt giữa mục tiêu quân sự và mục tiêu chính trị trong chiến tranh ngày càng mơ hồ. Tương ứng, việc xác định “thắng” và “thua” trong xung đột trở nên khó khăn hơn, chiến thắng trên trường chiến quân sự không tương đương với việc đạt được mục tiêu chiến lược. Tình hình “thắng trận nhưng thua cuộc chiến” xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt là cùng với việc chiến tranh thông tin và chiến tranh dư luận phát huy vai trò hết sức quan trọng trong “chiến tranh hỗn hợp”. Chiến thắng trong chiến tranh trở thành vấn đề chính của việc tranh giành quyền tường thuật và ưu thế nhận thức của cộng đồng quốc tế. Hiện thực khách quan dần dần biến thành một trò chơi nhận thức.

Ba là, chiến lược, chiến dịch, chiến thuật của chiến tranh ba cấp độ tác chiến gần như có xu hướng dung hợp. Trong quá khứ, các đơn vị chiến đấu dưới sự chỉ đạo chiến lược,thực hiện các hành động chiến thuật, chiến trường, chiến dịch và chiến lược rõ ràng. Khi các nguồn lực của quân đội và xã hội được tích hợp và liên kết trong xung đột quân sự, hành động chiến thuật dần chuyển từ “phân tán – tích lũy” sang “liên hợp toàn diện”, các cuộc tấn công đa dạng tại một trận địa có thể đạt được mục tiêu chiến lược rất lớn. Chỉ huy chiến lược cũng có thể can thiệp vào cấp độ chiến thuật bất cứ lúc nào, ranh giới giữa ba cấp độ này ngày càng mơ hồ. (18)

Bốn là, quân sự và các lực lượng phi quân sự đan xen với nhau. Các công cụ chiến tranh không còn giới hạn trong vũ khí mà thực hiện sự phối hợp giữa các lực lượng quân sự và các phương tiện phi quân sự như chính trị, kinh tế, ngoại giao, thông tin tại cấp độ chiến thuật. Sự phân biệt giữa quân đội và dân chúng, người tham chiến và không tham chiến, khu vực giao tranh và phi xung đột đều trở nên mơ hồ.

Tính mơ hồ của “chiến tranh phức hợp” đã làm mờ đi ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, thủ đoạn và tài nguyên mà hai bên xung đột có thể sử dụng linh hoạt hơn. Việc phân biệt giữa chiến tranh thông thường và không thông thường theo cách truyền thống của chiến tranh hiện đại về bản chất đã trở nên khó hơn. Điều này cũng có nghĩa là “chiến tranh phức hợp” đang gia tăng tốc độ phá vỡ các nguyên tắc và quy tắc chiến tranh hiện có và nguyên tắc pháp luật quốc tế. Ranh giới rõ ràng giữa hợp pháp và bất hợp pháp trong chiến tranh truyền thống trở nên mơ hồ. Điều này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm sự hỗn loạn của trật tự quốc tế.

“Chiến tranh phức hợp” có tính phá vỡ quy tắc mạnh mẽ

Hiện tại, tình hình quốc tế rất nghiêm trọng và phức tạp. Trật tự quốc tế đang phải trải qua quá trình tái cấu trúc, “chiến tranh phức hợp” chắc chắn sẽ trở thành sự lựa chọn quan trọng để các nước ứng phó với xung đột. Sự phổ biến của “chiến tranh phức hợp” đánh dấu sự biến đổi về phương tiện và hình thức của chiến tranh, sẽ phá vỡ ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình. Nó làm suy yếu một cách có hệ thống hoặc thậm chí phá vỡ các khuôn mẫu ứng xử và quy tắc pháp luật quốc tế hiện có, cũng như đẩy nhanh quá trình tan rã của hệ thống quy tắc quốc tế và sự sụp đổ của trật tự quốc tế.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã chứng kiến sự phát triển đáng kể về hình thức chiến tranh hiện đại, tỷ lệ các yếu tố chiến tranh đã trải qua một quá trình tái cấu trúc đảo ngược, trong đó các phần khó xác định rõ ràng của quy tắc chiến tranh hiện có đã tăng đáng kể, làm trầm trọng thêm tính phá vỡ của quy tắc “chiến tranh phức hợp”. Về phương thức tác chiến, tỷ trọng tác chiến phi quân sự và chiến tranh mạng tăng lên, tỷ lệ thương vong dân thường, tổn thất tài sản và rủi ro tiết lộ thông tin đã tăng mạnh. “Chiến tranh phức hợp” có xu hướng làm mờ danh tính chiến đấu của các chiến binh, các lực lượng đặc biệt, quân đội không chính quy và lính đánh thuê thường tổ chức các cuộc đột kích được ngụy trang hoặc che giấu danh tính, lạm dụng một cách có hệ thống các nguyên tắc phân biệt trong luật chiến tranh. Ngoài ra, do ranh giới chủ quyền mạng của các quốc gia còn mơ hồ, cộng đồng quốc tế hiện vẫn chưa định rõ được những cuộc tấn công mạng nào có thể xem là vi phạm chủ quyền và hành vi chiến tranh. Do đó hai bên xung đột có thể không kiêng nể gì xâm phạm chủ quyền mạng của đối phương, đánh cắp thông tin tình báo bí mật và thông tin cá nhân của công dân. Trong các mục tiêu tấn công, các cơ sở phi quân sự như năng lượng, vận tải, lương thực trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu nhằm hạn chế khả năng phản ứng nhanh và hỗ trợ hậu cần của quân địch, làm suy yếu nguyên tắc phân biệt giữa các cơ sở quân sự và dân sự trong chiến tranh trước đây. Trong chiến lược và chiến thuật, các bên chiến đấu thường áp dụng nguyên tắc “chiến lược rõ ràng, chiến thuật mơ hồ”, tổ chức sử dụng tất cả các nguồn lực quân sự và xã hội có sẵn dưới sự chỉ đạo của chiến lược lớn, làm cho hành vi tác chiến có tính không chắc chắn và không thể đoán trước rất lớn, cuộc đua giữa hai bên về vũ trang và quân sự leo thang, mức độ xung đột liên tục tăng cao. Về các phương tiện đối đầu, các phương tiện quân sự kết hợp với các phương tiện phi quân sự như thông tin, truyền thông và mạng, các lĩnh vực này đang ngày càng hội nhập. Vũ khí hủy diệt hàng loạt như vũ khí sinh học, vũ khí hạt nhân…cũng trở thành phương tiện răn đe chiến lược có thể sử dụng cho “chiến tranh phức hợp”. Ranh giới giữa các chiến lược hợp pháp và các hành vi bất hợp pháp dễ dàng bị vượt qua.

Thông qua phân tích thực tiễn “chiến tranh phức hợp” của Mỹ và Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine lần này, đặc biệt là trường hợp của Mỹ, chúng ta có thể thấy họ có xu hướng sử dụng một cách có mục đích các “vùng xám” trong luật chiến tranh hiện hành. Từ bỏ một số quy tắc chiến tranh, luật pháp quốc tế, luật nhân đạo nhằm đạt được tối đa các mục tiêu chiến lược của mình. Đằng sau hiện tượng này là thực tế khách quan rằng các quy tắc chiến tranh đang mất dần sức mạnh ràng buộc, thế giới đang tiếp tục chứng kiến sự sụp đổ của trật tự quốc tế. Trong bối cảnh “chiến tranh phức hợp” đang ngày càng trở nên phổ biến, các chiến lược chiến tranh truyền thống không còn phù hợp với cơ chế chiến thắng hiện tại, luật chiến tranh đang đối mặt với một quá trình tái cấu trúc toàn diện, hình thức chiến tranh đang trải qua sự biến đổi lớn, sự đối đầu giữa các quốc gia đang tiếp tục phát triển ở mức độ toàn diện và cấp độ cao, môi trường an ninh toàn cầu đang chao đảo không ổn định. Đồng thời, với tư cách là một chiều hướng chiến tranh mới trong cuộc đối đầu giữa các siêu cường, “chiến tranh phức hợp” và đằng sau “sự răn đe tổng hợp” đang trở thành biện pháp quan trọng nhất của Mỹ và các nước phương Tây kiềm chế sự trỗi dậy của các quốc gia mới nổi. Ví dụ, trong những năm gần đây, chiến lược bao vây và ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ từng bước leo thang, thúc đẩy chiến lược cạnh tranh Trung Quốc “toàn chính phủ – toàn xã hội – toàn lĩnh vực”, huy động mọi nguồn lực sẵn có để triển khai cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Trong bối cảnh này, mối đe dọa an ninh mà các quốc gia mới nổi phải đối mặt trở nên phức tạp hơn. Triển vọng tương lai của hòa bình và phát triển thế giới trở nên mịt mờ và không chắc chắn.

Kết luận

“Chiến tranh phức hợp” là sản phẩm của sự phát triển khoa học công nghệ và tiến bộ của thời đại, đại diện cho xu hướng khách quan và phương hướng chính của sự thay đổi hình thái chiến tranh, là phản ánh quan trọng của sự thay đổi cục diện hàng trăm năm trong lĩnh vực chiến tranh. Điều này cũng cho thấy rằng sự phổ biến của “chiến tranh phức hợp” không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà là kết quả của sự tác động chung của sự phát triển khoa học công nghệ cùng với biến đổi trong tình hình quốc tế. Tuy nhiên, “chiến tranh phức hợp” đã thay đổi định nghĩa của chiến tranh, các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thông tin đều có thuộc tính đối đầu quân sự, rủi ro của “an ninh toàn diện” ngày càng tăng. Đặc biệt là các quốc gia bá quyền như Mỹ đã sử dụng tính mơ hồ của “chiến tranh phức hợp” một cách không kiểm soát, lạm dụng các biện pháp chiến tranh, vi phạm các quy tắc chiến tranh, làm cho nội dung của “chiến tranh phức hợp” ngày càng lan rộng, các phương tiện mở rộng không giới hạn, tính hủy diệt ngày càng tăng lên. “Chiếc hộp Pandora” đã được mở ra, có thể dự đoán rằng trong tương lai, các quốc gia sẽ sử dụng “chiến tranh phức hợp” một cách rộng rãi hơn, sự mất trật tự và hỗn loạn của cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục gia tăng.

Đối mặt với tình hình an ninh quốc tế ngày càng phức tạp, các nước cần duy trì tư duy về giới hạn và nhận thức về nguy cơ, đánh giá đầy đủ và tập trung vào phòng ngừa những thách thức có thể đối mặt trong “chiến tranh phức hợp”, tăng cường khả năng tổng hợp để đối phó với “chiến tranh phức hợp”.

Thứ nhất, hiểu đúng về cơ chế logic của sự nổi lên của “chiến tranh phức hợp”, tăng cường nghiên cứu lý thuyết liên quan, theo dõi chặt chẽ và nắm bắt chính xác các đặc điểm mới và xu hướng mới của sự phát triển.

Thứ hai, kiên định giữ vững quan điểm tổng thể về an ninh quốc gia, tăng cường xây dựng năng lực về an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh quân sự, an ninh văn hóa, an ninh xã hội và an ninh thông tin.

Thứ ba, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước và hiện đại hóa năng lực quản lý, nâng cao sức mạnh tổng hợp ở nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thông tin, để nắm giữ quyền lợi chiến lược trong việc bảo vệ an ninh quốc gia ở mọi lĩnh vực. Thứ tư, dựa trên quan điểm về an ninh toàn cầu chung, tích hợp, hợp tác và bền vững, chống lại và ngăn chặn những hành động bạo lực do sự bá quyền mà không tuân theo quy tắc, kiên quyết đi theo con đường xây dựng hòa bình thế giới./.

Biên dịch: Nguyễn Phượng

Bài viết gốc được đăng tải trên tạp chí Hòa bình và Phát triển (Trung Quốc), trang mạng Aisixiang dẫn lại.

Tài liệu tham khảo:

(1) Frank Hoffman,Conflict in the 21st Century:The Rise of Hybrid Wars,Arlington:Potomac Institute for Policy Studies,2007,pp.25-29.

(2) U.S.Department of Defense,”Quadrennial Defense Review Report,” February 2010,p.8.

(3) U.S.Army,”Field Manual 3-0 Operations C-1,” February 2011,pp.1-5.

(4) Valery Gerasimov,”The ‘Gerasimov Doctrine’ and Russian Non-Linear War,” translated by Mark Galeotti,July 2014,pp.2-3,https://inmoscowsshadows.wordpress.com/2014/07/06/the-gerasimov-doctrine-and-russian-non-linear-war.

(5) Franklin D.Kramer,Hans Binnendijk and Dan Hamilton,”Defend the Arteries of Society:Countries need new strategies to protect critical networks and infrastructure,” U.S.News,June 9,2015,https://www.usnews.com/opinion/blogs/world-report/2015/06/09/russia-ukraine-and-the-rise-of-hybrid-warfare.

(6) [俄]瓦列里·格拉西莫夫:《科学的价值在于预见——新挑战下对作战行动的重新思考》,罗伯特·考尔森、知远译,载《国外坦克》2017年第2期,第20—24页。

(7) Калистратов А.Война и Современность——Современные войны:разберемся с классификацией.转引自马建光、李元斌:《”混合战争”及其特点:俄罗斯学者视角的解析》,载《俄罗斯东欧中亚研究》2020年第5期,第26页。

(8) Герасимов В.Векторы развития военной стратегии ‘Красная звезда’//URL:http://redstar.ru/vektoryrazvitiya-voennoj-strategii/.

(9) 郭金峰:《俄罗斯对”混合战争”理论的研究与实践》,载《俄罗斯学刊》2022年第6期,第79页。

(10) NATO,”Brussels Summit Communiqué,” June 14,2021,https://www.nato.int/cps/en/natohq/news\_185000.htm.

(11) U.S.Department of State,”U.S.-Ukraine Charter on Strategic Partnership,” November 10,2021,https://www.state.gov/u-s-ukraine-charter-on-strategic-partnership/.

(12)张建:《俄乌冲突背景下的俄美关系及其前景》,载《和平与发展》2022年第3期,第34页。

(13)陈翔:《”混合战争”与俄乌冲突》,载《外交评论》2023年第2期,第121—122页。

(14) Digital Security Unit,Microsoft,”Special report:Ukraine——An overview of Russia’s cyberattack activity in Ukraine,” April 27,2022,https://query.prod.cms.rt.microsoft.com/cms/api/am/binary/RE4Vwwd.

(15) 荆学民、宁志垚:《”俄乌冲突”映现的国际政治传播新特征和新趋势》,载《山西师大学报(社会科学版)》2023年第1期,第48页。

(16) 郎平:《从乌克兰危机看网络空间武器化倾向及其影响》,载《中国信息安全》2022年第6期,第67页。

(17) 侯东合、舒彤、李海军:《从乌克兰危机看舆论战新动向》,载《中国广播电视学刊》2022年第12期,第33—34页。

(18) 郑卫国、戴传植:《战争:向着”模糊化”迈进》,载《中国国防报》2006年10月12日。

(19) 区分原则指从法律上将军人与平民、战斗员与非战斗员、军用物体与民用物体等加以区分的战争原则。冲突双方负有义务对不同对象加以不同对待,在武装冲突中保护平民及民用目标。

Top comments (0)