Hội trà đá 8

Thái Thứ Tư
Thái Thứ Tư

Posted on

Mùa hè năm 1994, vì một vài lý do dở hơi tuổi mới lớn, tôi bỏ nhà đi bụi đời. Tôi lang thang quanh hồ Hoàn Kiếm cùng một nhóm hơn 20 đứa trẻ người ngoại tỉnh kiếm sống bằng nghề bán báo, thiệp lưu niệm, sách Lonely Planet cho khách du lịch nước ngoài.
Đám trẻ nói tiếng Anh khá tốt, nếu có một vị khách Tây ba lô sẵn lòng ngồi xuống bên lề đường lắng nghe tâm sự. Chúng sẽ miêu tả được phần nào hoàn cảnh gia đình đủ khiến họ mủi lòng rút ra cho vài đô lẻ hoặc thậm chí 20 đô an ủi số phận đứa trẻ đường phố xa lạ.
Những câu chuyện hay nhất không bao giờ là chân thực hoàn toàn hoặc bịa đặt hoàn toàn. Đa số các bạn đều có gia cảnh ở quê vất vả hơn khả năng biểu đạt.
Nếu nhận được những đồng tiền đó, nó không hiển nhiên nằm an lành trong túi để đợi qui đổi ra được một vài điều kiện sống ngắn hạn ổn hơn, bọn trẻ sẽ phải đối phó, đánh nhau, bỏ chạy hoặc "văn vở" mới giữ được phần nào hoặc mất tất cả cho đám đầu gấu "bảo kê" đi lượn quanh hồ.
Có đứa bị đánh, mặt lỳ ra chịu đòn, nó giấu tiền ở đâu, hốc cây, hòn đá, cái lọ buộc dây thả dưới hồ...không một ai biết.
Có vẻ như những cú đá, đạp vào ngực, vào mặt không làm nó đau ngay, mà phải đến đêm trước khi nằm xuống ngủ trong nhà trọ tập thể dành cho dân lao động nó mới đau thực sự. Cái đau mà nó cảm thấy trong lúc hứng đòn là một kiểu đau khác.
Sau này lớn lên, làm bố. Tôi luôn nhớ về những người bạn trên hè phố năm ấy, thật khó để những người làm cha làm mẹ chấp nhận rằng họ không thể bảo vệ được con mình trước mọi thứ. Sự nghèo khó che mắt để chúng lớn hoang dã, sinh tồn, va chạm với cuộc đời theo cách họ không bao giờ hình dung được .
Với một đứa trẻ để chấp nhận chuyện đó có lẽ cũng rất khó khăn.
Năm 2006, trong chuyến đi xuyên Việt cùng KTS Đoàn Kỳ Thanh. Mấy anh em dừng nghỉ ven đường rừng gần dãy Trường Sơn, địa phận tỉnh Quảng Trị, nơi cư trú của phần lớn đồng bào người Vân Kiều. Từ trong lùm cây rậm rạp bước ra 2 đứa trẻ đen nhẻm, khoảng hơn 10 tuổi, gầy, quần áo rách nát, bé trai vác bộ máy dò kim loại nhằng nhịt dây điện, bé gái còn lại gánh trên vai 1 quả đạn to bằng cái phích, phần đuôi cánh như tên lửa thủng lỗ chỗ đã hoen gỉ sậm nâu. Thành quả của một ngày lao động. Thấy người lạ, cô bé ném bịch quả đạn xuống đường nhựa rồi đứng nhìn trân trối, mấy anh em theo phản xạ nhảy vọt ra xa.
Ước tính từ khi chiến tranh chấm dứt (1975) đến năm 2000, Việt Nam vẫn còn khoảng 43 nghìn người chết, trên 62 nghìn người bị thương tật do bom mìn, trong đó 30% là trẻ em.
Vô danh.
Tai nạn của cậu bé Hạo Nam khiến người lớn phải suy ngẫm, buồn, xót xa. Chưa có ai nhận lỗi về việc này.
Con người luôn nói rằng, khi một chuyện khủng khiếp xảy ra, nỗi buồn, sự mất mát và nỗi đau đớn trong tim sẽ “vơi dần theo thời gian”, nhưng sự thật không phải như vậy.
Nỗi buồn và sự mất mát không thay đổi, nhưng nếu tất cả chúng ta phải mang chúng trong suốt phần đời còn lại, có lẽ chúng ta sẽ không thể chịu nổi. Nỗi buồn sẽ làm chúng ta tê liệt.
Thế nên cứ lâu lâu người ta lại cất chúng vào túi và tìm đến nơi nào đó để gửi lại. (Trích Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi).
Và mỗi buổi sáng, trong thế giới sống ổn của chúng ta, có những đứa trẻ bắt đầu rời khỏi nhà với "chiếc bao tải" trên vai.

Top comments (0)