Chính báo chí Mỹ cũng phản ánh giá cả dịch vụ y tế ở nước này quá cao, ví dụ một ca gãy chân nằm viện chi phí có thể tới 7.500 USD/ngày. Trong đại dịch Covid-19, nhiều người Mỹ sau khi điều trị đã mắc nợ với khoản tiền khổng lồ lên tới vài trăm nghìn USD, do chi phí thở máy và chăm sóc tại phòng ICU rất đắt đỏ.
Chi phí y tế cao khiến nhiều người dân Mỹ tìm cách ra nước ngoài điều trị khi có bệnh. Ví dụ một ca phẫu thuật cắt bỏ tử cung tốn khoảng 20.000 USD ở New Jersey, Mỹ nhưng tại Mexico chỉ phải trả 4.000 USD. Một ca bọc răng sứ ở Mỹ là 25.000 USD, trong khi ở Mexico là 7.000 USD. Nhân tiện nói luôn, những phẫu thuật như vậy ở Việt Nam còn rẻ hơn nữa, chỉ vài trăm USD.
Tại sao giá cả dịch vụ y tế của Mỹ cao như vậy? Đó là vì chi phí cho các yếu tố làm nên dịch vụ y tế của Mỹ đều ở mức cao. Đầu tiên thuốc và trang thiết bị y tế của Mỹ đều là những thứ tốt nhất, có bản quyền. Ví dụ một loại thuốc kháng sinh phổ thông là ofloxacin có giá 600 USD cho một vỉ 30 viên hàm lượng 300 mg, tức là vào khoảng 20 USD một viên. Trong khi đó ở Việt Nam một viên thuốc ofloxacin có giá 1.300 đồng, tức là khoảng 0,05 USD. Tương tự một lọ thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên có giá ở Mỹ là 65 USD, còn Việt Nam là 60.000 đồng.
Sở dĩ có giá chênh lệch cao như vậy do thuốc ở Mỹ là thuốc có bản quyền, tiền thuốc cao chủ yếu là tiền trả bản quyền. Còn thuốc ở Việt Nam và các nước đang phát triển là thuốc dạng generic (bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự), dành cho các nước nghèo, không mất phí bản quyền. Tình hình cũng tương tự như vậy đối với các máy móc y tế. Các hãng dược phẩm và hãng chế tạo thiết bị y khoa của Mỹ thu lời rất cao trên các sản phẩm họ bán ra, mang lại lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên chính từ nguồn lợi nhuận cao đó đã giúp cho các hãng có nguồn lực để nghiên cứu phát minh ra các thế hệ thuốc và máy móc y khoa mới.
Top comments (0)