Hội trà đá 8

Cover image for 12.000 năm trước đã định hình con người như thế nào? - Tạp chí Tia sáng
Polka-dot man
Polka-dot man

Posted on • Originally published at tiasang.com.vn

12.000 năm trước đã định hình con người như thế nào? - Tạp chí Tia sáng

Trong khi con người tiến hóa qua hàng triệu năm, thời điểm 12.000 trước thực sự tạo tác động vô cùng lớn đến cách chúng ta sống ngày nay, theo một nhà nhân học với công bố trở thành bài chính trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Tất cả những gì trong thế giới hiện đại của chúng ta đều được bắt đầu với sự tiên tiến của nông nghiệp, Clark Spencer Larsen, giáo sư nhân học tại ĐH bang Ohio, nhận xét.

“Sự dịch chuyển từ săn bắt sang trồng trọt đã làm thay đổi tất thảy”, Larsen nói.

Cùng với các cây lương thực, con người cũng ươm trồng các loại hạt giống của những vấn đề rắc rối của xã hội hiện đại.

“Dẫu những thay đổi này mang đến một nền nông nghiệp với lương thực nhưng nó cũng làm gia tăng xung đột và bạo lực, gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm, giảm thiểu các hoạt động thể chất, thêm các chế độ ăn với nhiều giới hạn thành phần và nhiều cạnh tranh về tài nguyên hơn”, ông nói.

Larsen là người khởi xướng và biên tập một ấn phẩm đặc biệt cho tạp chí này. Ồng cũng là tác giả của bài giới thiệu với tiêu đề “Quá khứ hành vi, thích ứng, dân số và tiến hóa của 12.000 năm trước định hình chúng ta ngày nay”.

Ấn phẩm đặc biệt này gồm tám bài báo chủ yếu về khảo cổ sinh học (bioarchaeology) – nghiên cứu về xương người và những gì chúng có thể nói với các nhà khoa học về những thay đổi trong chế độ ăn, hành vi, lối sống khắp 10 thiên niên kỷ trước và hơn thế nữa. Larsen hiện là đồng tác giả của hai trong số tám bài báo.

Một thông điệp kết nối tất cả các bài báo là những vấn đề lớn của xã hội ngày nay đều có gốc rễ từ cổ đại, ông nói.

“Chúng ta không thể đến điểm mà chúng ta ở ngày nay bằng sự tình cờ. Các vấn đề chúng ta có ngày nay với chiến tranh, bất bình đẳng, dịch bệnh và đói nghèo, tất cả đều là kết quả từ những thay đổi xuất hiện khi trồng trọt bắt đầu”, Larsen nói.

Sự dịch chuyển từ săn bắt hái lượm đến trồng trọt dẫn con người, vốn có một cuộc sống di cư nay đây mai đó, đến chỗ tạo dựng các khu định cư và sống tĩnh tại nhiều hơn.

“Điều này có những gợi ý sâu sắc về khía mọi khía cạnh hữu hình của đời sống chúng ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai”, ông nói.

Sự tăng trưởng của lương thực cho phép dân số thế giới tăng lên con số 10 triệu người trong thời kỳ Pleistocene muộn đến hơn 8 tỷ người ngày nay.

Nhưng điều này cũng phải trả giá. Chế độ ăn nhiều thay đổi của những người săn bắt đã thay thế bằng chế độ ăn nhiều giới hạn của cây trồng, vật nuôi đã được thuần hóa, vốn thường bị giảm bớt dưỡng chất. Hiện tại, nhiều vùng trong thế giới vẫn còn phụ thuộc vào ba loại ngũ cốc – gạo, lúa mì, ngô – đặc biệt trong những vùng ít có nguồn cung cấp protein động vật, Larsen nói.

Thay đổi quan trọng khác trong chế độ ăn của người là việc có thêm sữa bò. Trong một bài báo trong ấn phẩm đặc biệt này, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra răng được tìm thấy trong các bộ xương và tìm thấy những bằng chứng sớm nhất về mốc thời gian sử dụng sữa khoảng 5.000 năm trước ở Bắc Âu.

“Đây là bằng chứng cho sự thích ứng di truyền của con người để có thể tiêu hóa được phô mai và sữa, và nó diễn ra ở thời điểm rất gần với tiến hóa người”, ông nói. “No cho thấy cách con người đang thích ứng về mặt sinh học cho lối sống mới của chúng ta”.

Khi con người bắt đầu tạo ra các cộng đồng làm nông, những thay đổi xã hội đã xuất hiện. Một bài báo mà Larsen là đồng tác giả đã phân tích các đồng vị strontium và oxy từ men răng của người thuộc các cộng đồng trồng trọt sớm từ hơn 7.000 năm trước để giúp xác định nơi nào họ đến. Kết quả cho thấy là Çatalhöyük (ảnh) ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, là nơi duy nhất trong số các cộng đồng được nghiên cứu có người ngoài địa phương sinh sống.“Điều này đặt nền tảng cho mối quan hệ họ hàng và tổ chức cộng đồng trong các xã hội sau đó của Tây Á”, ông nói.

Những cộng đồng sớm phải đối mặt với vấn đề mà nhiều người sống trong những khu vực chật hẹp, dẫn đến xung đột.

Trong một bài báo, các nhà nghiên cứu về các bộ xương thuộc về các cộng đồng nông nghiệp sớm ở khắp Tây và Trung Âu và tìm thấy khoảng 10% chết vì chấn thương nặng. “Phân tích của họ tiết lộ bạo lực của châu Âu thời kỳ Đồ đá mới là điều đặc hữu và có xu hướng mở rộng quy mô, kết quả rút ra từ những mẫu hình của chiến tranh dẫn đến sự gia tăng của số người chết”, Larsen viết trong phần giới thiệu.

Nghiên cứu được giới thiệu trong ấn phẩm PNAS này cũng tiết lộ cách những cộng đồng đầu tiên đó tạo ra các điều kiện lý tưởng nảy sinh vấn đề khác là đỉnh cao chú ý trong thế giới ngày nay: bệnh truyền nhiễm. Việc gia tăng gia súc vật nuôi dẫn đến các bệnh từ động vật có thể lan truyền từ động vật sang người, Larsen nói.

Dẫu khủng hoảng khí hậu ngày nay chưa từng xảy ra trong lịch sử loài người thì các xã hội trong quá khứ cũng từng phải đối mặt với những vấn đề khí hậu trong ngắn hạn, cụ thể là hạn hán kéo dài.

Trong một bài báo mà Larsen là đồng tác giả, các nhà nghiên cứu đã lưu ý là bất bình đẳng kinh tế, phân biệt chủng tộc và các dạng phân biệt khác đã là những nguyên nhân chính khiến các xã hội phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp khí hậu và hiện thì chúng vẫn đang đóng một vai trò lớn trong khủng hoảng hiện nay của chúng ta.

Những cộng đồng tồn tại bất bình đẳng ngày một lớn hơn dường như nếm trải bạo lực sau hệ quả của khủng hoảng thời tiết, Larsen nói.

Điều gây ngạc nhiên nhất về mọi thay đổi mà ấn phẩm đặc biệt này nhắc đến là sự xuất hiện một cách đột ngột của chúng, ông nói. “Khi anh nhìn vào sáu hay khoảng một triệu năm tiến hóa người, sự chuyển tiếp từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt và tất cả các tác động của nó đã giáng lên chúng tôi – tất cả diễn ra chỉ trong chớp mắt”, Larsen nhận xét.

“Với vòng đời của một con người thì điều này dường như là quá dài nhưng nó thực sự không dài đâu”.

Nghiên cứu có trong ấn phẩm đặc biệt cũng cho thấy năng lực đáng kinh ngạc của con người trong việc thích ứng với môi trường xung quanh.

“Chúng ta là những tạo vật có sức chịu đựng bền bỉ lạ thường, từ 12.000 năm trước đã cho thấy điều đó”, ông nói. “Nó đem lại cho tôi hi vọng vào tương lai. Chúng ta sẽ tiếp tục thích ứng để tìm ra những cách đối mặt với thách thức và tìm ra những con đường đến với thành công. Đó là những gì chúng ta làm được với tư cách là con người”.

Thanh Hương tổng hợp

Nguồn : https://phys.org/news/2023-01-years-humans-today.html

https://www.sciencealert.com/for-12-000-humans-have-shaped-earth-and-for-most-of-that-time-it-wasn-t-destructively

Top comments (0)