Chiến sự Nga-Ukraine mang đến thách thức mới đến cả thế giới, trong đó, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ, trực tiếp qua giá cả sinh hoạt gia tăng gây khó khăn, và gián tiếp qua tác động đến khu vực sản xuất, đặc biệt ngành xuất khẩu.
Hình 1. Chỉ số nhập khẩu bốn nước châu Á vào thị trường Mỹ. (Nguồn: USITC)
Trong mấy chục năm qua, ngành xuất khẩu Việt Nam đã tăng trưởng đều đặn và mau chóng kéo theo thu nhập và mức sống của dân. Điển hình là xuất khẩu sang Mỹ, nay là thị trường lớn nhất xấp xỉ 100 tỉ USD chiếm khoảng 30% xuất khẩu Việt Nam. Từ năm 2001 đến hết 2021, giá trị hàng nhập từ Việt Nam đã tăng gấp 100 lần (xem Hình 1), nay Việt Nam đứng thứ sáu trong giá trị nhập khẩu vào Mỹ sau Trung Quốc, Mexico, Canada, Nhật và Đức. Chiến sự Nga-Ukraine có khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam như thế nào? Tốt hay xấu hoặc không đáng kể?
Ảnh hưởng thay thế của những cú sốc thị trường
Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta nên ghi chú ba thời điểm trong quá trình nhập khẩu Mỹ từ Việt Nam và ba nước châu Á được minh họa trong Hình 1. Thứ nhất, từ năm 2018-2020, tốc độ xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ gia tăng nhanh hơn so với mấy năm trước. Cùng thời điểm này, giá trị xuất khẩu của hàng Trung Quốc tới Mỹ đã giảm bớt, còn tốc độ gia tăng xuất khẩu Hàn Quốc và Thái Lan tới Mỹ không thay đổi.
Từ năm 2018-2020, chính phủ Trump đã đánh thuế trên gần 100 tỷ USD giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc. Kết quả là sản xuất di chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là một ví dụ thị trường thay thế nơi sản xuất những hàng tương đương khi chi phí cung cấp một mặt hàng gia tăng. Trong trường hợp trên, thuế nhập khẩu đã tăng giá thành nhập khẩu từ Trung Quốc, làm giảm tiêu thụ hàng Trung Quốc và hàng hóa Việt Nam được thay thế vào.
Ảnh hưởng kinh tế lớn nhất của chiến sự Nga-Ukraine là gây đứt gãy nguồn cung ứng năng lượng và phân bón. Điều này làm tăng chi phí hai đầu vào chủ yếu của nhiều hàng xuất khẩu từ Việt Nam và đồng thời giá vận chuyển cũng bị đội lên. Giá cả của hàng hóa Việt Nam vì vậy, sẽ phải tăng theo. Nhưng vì các vật liệu này cũng là đầu vào cho nhiều hàng hoá cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, nên tuy giá hàng Việt Nam gia tăng, giá hàng khác cũng gia tăng và người tiêu thụ không có lý do thay thế như đã xảy ra giữa xuất khẩu Trung Quốc và xuất khẩu Việt Nam. Mặt khác, nếu trong tương lai có sự chênh lệch giá vì biện pháp thuế, xác suất cao là nhu cầu của thế giới đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ tăng thay vì giảm.
Nếu kinh tế Hoa Kỳ và tiếp theo các nước Châu Âu rơi vào tinh trạng suy thoái, ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam có khả năng sâu và dài hơn biến cố 2008-2009.
Thứ nhì, vào năm 2020-2021, tốc độ gia tăng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ lại gia tăng hơn nữa. Nhưng vào lúc này, xuất khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, và Thái Lan cùng gia tăng theo. Biến cố đến từ đại dịch Covid-19. Vào giữa năm 2020 qua 2021, Mỹ đang thi hành chính sách phong tỏa, trong đó các dịch vụ như ăn uống nhà hàng, du lịch, di chuyển, v.v. gần như hoàn toàn đóng cửa. Tuy vậy, đa số người dân vẫn có thu nhập thông qua làm việc tại nhà hoặc trợ cấp thất nghiệp của chính phủ. Do đó, họ vẫn tiêu xài và phần trước đây dành cho mặt hàng dịch vụ nay dồn vào hàng hóa nhập khẩu như quần áo, bàn ghế, máy vi tính… Nếu chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, xuất khẩu Việt Nam thậm chí còn gia tăng mạnh mẽ hơn.
Sự kiện này cho thấy sự thay thế sang mặt hàng khác khi một số mặt hàng vì lý do nào đó đã phải rút khỏi thị trường. Đối với chiến sự Nga-Ukraine, những hàng thực phẩm, du lịch và nhiên liệu từ hai nước này trong tương lai vài năm tới sẽ giảm hoặc vắng mặt trên thị trường Mỹ và châu Âu. Hàng hóa Việt Nam có khả năng thay thế vào khoảng trống này. Dĩ nhiên, xuất khẩu sang hai nước này sẽ bị giảm trong ngắn hạn, nhưng giai đoạn tái xây dựng Ukraine (hy vọng cách đây không xa) sẽ tạo thêm nhu cầu và cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam.
Lạm phát, phản ứng chính sách, và rủi ro suy thoái
Tuy nhiên, kể cả có những tác động tích cực từ ảnh hưởng thay thế, chiến sự Nga – Ukraine vẫn có nhiều khả năng làm tổn hại đến xuất khẩu của Việt Nam qua ảnh hưởng thu nhập. Nói đơn giản, khi thu nhập người dân trên thế giới giảm, nhu cầu tiêu thụ của họ cũng thường giảm theo. Trong trường hợp hiện tại, có hai cách thu nhập có thể giảm.
Thứ nhất, khi giá xăng dầu và lương thực tăng, chi phí cho những hàng này tăng theo và ngân sách các gia đình sẽ còn ít hơn để chi tiêu vào những hàng hóa khác, giảm nhu cầu cho hàng nhập khẩu, trong đó có hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Thứ nhì, vì phải đương đầu với nạn lạm phát, các ngân hàng trung ương sẽ phải phản ứng mạnh mẽ và trong quá trình đó, có thể đưa kinh tế vào suy thoái – tình trạng thu nhập quốc gia giảm. Chúng ta có thể thấy ảnh hưởng chiến sự Nga-Ukraine đến xuất khẩu Việt Nam trong thời điểm ghi chú thứ ba trong Hình 1. Vào năm 2008-2009, giá trị nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Thái Lan tật cả đều giảm cùng lúc với cuộc suy thoái kinh tế Mỹ.
Hình 2. Chỉ số giá năng lượng, phân bón, và thực phẩm. (Nguồn: IMF)
Cách đây vài tuần, Hội đồng Nobel đã trao giải thưởng cho ba kinh tế gia Douglas Diamond, Philip Dybvig và Ben Bernanke. Giải thưởng có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, tuy mô hình Diamond-Dybvig phân tích cụ thể về đột biến rút tiền gửi khỏi ngân hàng nhưng điều lớn hơn rút ra từ mô hình của họ là sự quan trọng của kỳ vọng từ thị trường. Hơn nữa, khi chọn Ben Bernanke, hội đồng ghi nhận vai trò của chính sách ngân hàng trung ương trong việc tác động tới kỳ vọng của thị trường để đưa kinh tế đến chỗ tốt hơn.
Giáo sư Bernanke đã có công rất lớn đưa kinh tế Mỹ, và thế giới ra khỏi khủng hoảng tài chính lịch sử. Nhưng cuộc chiến sự Nga-Ukraine đưa đến thách thức có thể khó giải quyết hơn khủng hoảng 2008. Có lẽ hội đồng Nobel đã chọn đề tài này năm nay để ghi nhận sự quan trọng của chính sách tiền tệ đến kinh tế thế giới trong hiện tại.
Để hiểu khó khăn mà chiến sự Nga-Ukraine đem lại, chúng ta có thể so sánh với khủng hoảng năm 2008. Như hiện tại, vào năm 2008 giá nhiều nguyên liệu như năng lượng phân bón thực phẩm đều leo thang đến đỉnh vào hè (xem Hình 2). Khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất. Nhưng nguồn cơn của biến cố năm 2008 rất khác với nguyên do hiện tại. Vào năm 2008, giá nguyên liệu gia tăng vì nhu cầu quá cao. Cục Dự trữ Liên bang ra tay tăng lãi suất để giảm nhu cầu là phù hợp. Khi bong bóng vỡ vào hè 2008, sau đó, Cục Dự trữ Liên bang đã nhiều lần giảm lãi suất để tác động tới kỳ vọng thị trường. Cục có thể “in tiền” mạnh mẽ mà không sợ gây ra nạn lạm phát.
Trường hợp hiện tại rất khác với năm 2008. Giá năng lượng phân bón gia tăng không phải vì nhu cầu quá cao mà vì cú sốc cung ứng từ chiến sự gây ra. Tuy lạm phát đến từ phía cung thay vì phía cầu, cục cũng chỉ có một công cụ là để lãi suất ảnh hưởng bên phía cầu. Cục đã phải tăng lăi suất rất mạnh tay (gần đây bốn lần 0,75%) với hy vọng giảm mức lạm phát kỳ vọng thị trường. Nếu lạm phát kỳ vọng thị trường (công ty, lao động, v.v.) tiếp tục cao thì giá hàng, mức lương sẽ phải tăng theo đưa đến lạm phát thực sự. Do đó, Cục phải mạnh tay.
Gần đây, nhiều công ty, nhất trong ngành kỹ thuật và điện tử đã báo động nhu cầu thị trường đang suy giảm, nhưng vì phải đưong đầu với nạn lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang không thể giảm lãi suất kích cầu, thậm chí còn phải tăng lãi suất giúp đưa đến tình trạng suy thoái. Lạm phát đến từ sốc cung ứng là thảm họa rất khó giải quyết mà tránh khỏi suy thoái.
Nếu kinh tế Mỹ và tiếp theo các nước châu Âu rơi vào tinh trạng suy thoái, ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam có khả năng sâu và dài hơn biến cố 2008-2009. Sâu hơn vì hiện nay xuất khẩu Việt Nam gấp bảy lần năm 2008-2009; và dài hơn vì tình trạng lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không có công cụ để đưa kinh tế ra khỏi tình trạng suy thoái.□
Latest comments (0)