“Tôi tin làn sóng tiếp theo của tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ thuộc về những công ty đã hoạt động lâu năm” (TS. Marc Sniukas). Niềm tin này không phải không có cơ sở bởi lẽ, khi các tập đoàn cảm thấy một sự cấp bách cần phải đổi mới. Với nguồn lực, chiến lược, tầm nhìn của mình, họ sẽ có những bệ phóng mạnh mẽ cho những đổi mới. Năm 2023 đang đến gần, chúng tôi xin giới thiệu một số mô hình đã thực hiện trên thế giới, một số xu hướng với hy vọng mang lại những góc nhìn nhiều chiều xung quanh đổi mới sáng tạo tại tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Sự kiện hackathon Google Hash Code mở cho tất cả những kĩ sư phần mềm trên thế giới tham gia.
Các mô hình phổ biến
Tăng tốc trong nội bộ tập đoàn
Internal Accelerator, chương trình tăng tốc trong nội bộ tập đoàn là mô hình chương trình tăng tốc dành cho nhân viên để phát triển, thử nghiệm và phát triển ý tưởng mới, sau đó có thể mở rộng ra các startup trong cùng ngành hoặc bổ trợ cho ngành. Ví dụ, Nestlé phát triển chương trình InGenius – Chương trình tăng tốc trong nội bộ tập đoàn Nestlé. Kết quả thu được 48 dự án trong năm năm; Bosh phát triển chương trình Grow – Chương trình ươm tạo và nền tảng cho startups và intrapreneurs trong Tập đoàn Bosch. Kết quả đạt được: hơn 200 doanh nhân khởi nghiệp nội bộ với hơn 400 dự án, trong đó có sáu dự án thoái vốn.
Hackathon
Hackathon (hay hackfest hoặc hackday) là nơi tập hợp các lập trình viên trong một thời gian ngắn làm việc với cường độ cao. Hackathon diễn ra ít nhất một vài ngày nhưng không quá một tuần. Tùy thuộc vào mục tiêu của tập đoàn có thể lựa chọn Internal Hackathon (Hackathon nội bộ doanh nghiệp) hoặc External Hackathon (Hackathon nội bộ và bên ngoài doanh nghiệp)1.
Internal Hackathon là cách tốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nội bộ doanh nghiệp. Nếu làm tốt, hackathon có thể giúp
– Thành lập quy trình lên ý tưởng sáng tạo
– Xây dựng sản phẩm mẫu thử nhanh
– Bước đầu xây dựng lộ trình phát triển sản phẩm
– Đưa ra danh sách lộ trình trong tương lai
– Thúc đẩy hợp tác đa chức năng giữa đội kỹ sư và không phải kỹ sư
Công ty giao thức ăn trong 30 phút ele.me được Alibaba mua lại.
External Hackathon, doanh nghiệp thu hút cả nhân tài trong và ngoài tổ chức tham gia, có thể là cộng đồng những nhà lập trình phát triển sản phẩm, cộng đồng nhà khoa học dữ liệu hay thậm chí là cộng đồng nói chung để:
– Khám phá các công nghệ mới
– Thúc đẩy đổi mới sáng tạo doanh nghiệp
– Tạo ra các startup tiềm năng
– Thương hiệu của các sản phẩm / tổ chức
– Tạo ra các giải pháp hướng tới giải quyết vấn đề xã hội
– Phân tích dữ liệu để đưa ra phỏng đoán
– Công nhận tư duy đổi mới sáng tạo
Ví dụ, Google thực hiện chương trình Google Hash Code và Google Cloud and EPAM’s Healthcare and Life Science Hackathon2.
Mua bán & Sáp nhập (M&A)
Thay vì đổi mới sáng tạo từ bên trong, các tập đoàn mua lại các startup thành công và tích hợp vào hệ sinh thái hiện tại của tập đoàn. Cũng có nhiều tập đoàn tiến hành nhiều hoạt động song song. M&A là cách nhanh chóng nhất để đưa được những sản phẩm mới vào bổ sung cho hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ của tập đoàn. Quá trình Mua bán và Sáp nhập có nhiều bước và thường cần từ sáu tháng cho đến vào năm để hoàn tất thủ tục. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn cho startup và tập đoàn trong sự tương thích với nhau khi tích hợp startup với hệ thống của tập đoàn; quá trình này có thể tốn thời gian và đòi hỏi những thay đổi văn hóa doanh nghiệp. “Các công ty khởi nghiệp lo sợ các tập đoàn sẽ làm họ chậm lại. Các tập đoàn lại lo sợ rằng các công ty khởi nghiệp sẽ thất bại nhanh chóng”.
Về ví dụ của M&A, có thể kể đến trường hợp nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng Trung Quốc Alibaba mua lại ELE.me – dịch vụ giao thực phẩm với cam kết giao hàng trong 30 phút, với giá 9.5 tỉ USD; Amazon mua lại PillPack với giá dưới 1 tỉ USD – một hiệu thuốc online giao thuốc đến tận nhà người đặt. Hiện tại, Amazon đang đẩy mạnh vào ngành y và đó là lý do tại sao họ đã mua PillPack – để đi trước các tổ chức dược phẩm khác.3
Đặt hàng
Mô hình hợp tác ở đó tập đoàn đặt bài toán cho startup. Bài toán là những vấn đề hiện tập đoàn mong muốn tìm kiếm giải pháp công nghệ để giải quyết. Theo đó, startup sẽ thiết kế giải pháp cho bài toán tập đoàn đưa ra hoặc bán giải pháp của mình cho tập đoàn
Đầu tư
Đầu tư (Corporate Venturing) là hình thức các quỹ đầu tư của tập đoàn vào các công ty startup bên ngoài. Các tập đoàn thực hiện đầu tư thông qua thỏa thuận đầu tư liên doanh hoặc mua cổ phần. Giai đoạn đầu tư có thể bắt đầu từ lúc khi startup đang “chập chững” vận hành (Early-stage), chưa có sản phẩm thương mại hóa hay bán hàng. Startup ở giai đoạn này tiêu tốn lượng tiền lớn để phát triển sản phẩm và marketing nội bộ4; Khi đó, các tập đoàn có thể cung cấp vốn hạt giống (Seeding) cho startup để họ để bù đắp các chi phí vận hành nội bộ, phát triển các sản phẩm mẫu, thử nghiệm mô hình kinh doanh, để thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm khác về sau. Các Quỹ đầu tư Tập đoàn (CVCs) cũng có thể đầu tư cho startup ở giai đoạn mở rộng, khi startup đã triển khai các sản phẩm mới, mở rộng xưởng sản xuất, cải thiện sản phẩm và marketing. Tuy nhiên, giai đoạn mà phần lớn các CVCs (Corporate Venturing Capital) nhắm đến là khi startup đã gần trưởng thành, chuẩn bị lên sàn chứng khoán (IPOs).
Honeywell đã thành lập một nhóm chuyển đổi số trong công ty, dẫn dắt các đổi mới như thiết bị kết nối IoT. Trong hình là chiếc mũ thông minh được dùng trong nhà xưởng, đóng vai trò như một trợ lý cung cấp tất cả các thông tin về hoạt động của nhà máy trong thời gian thực thông qua điều khiển bằng giọng nói.
Đây là lựa chọn mà một số tập đoàn Việt Nam đang sử dụng. Tuy nhiên, không dễ để các doanh nghiệp/tập đoàn có thể chủ động tìm kiếm (startup scouting), theo dõi, đánh giá startup. Bản thân tập đoàn cũng phải chứng minh rõ ràng giá trị đem lại cho startup vì startup có nhiều lựa chọn về vốn khác ngoài vốn của tập đoàn. Tập đoàn cũng cần hiểu rõ tại sao muốn đầu tư vào startup (chiến lược lớn phát triển của tập đoàn hay tài chính).
Ví dụ, Boeing thành lập quỹ Horizon X Ventures, tìm kiếm đầu tư startup giai đoạn phát triển sản phẩm mẫu thử nghiệm, có tiềm năng mở rộng, đội ngũ tốt. Hiện nay họ đã đầu tư vào 21 công ty5. Hay Intel phát triển quỹ Intel Capital. Ở thời kì đầu vào những năm 1990, quỹ này tập trung đầu tư các startup từ giai đoạn hạt giống đến giai đoạn tăng trưởng. Hiện nay, danh mục đầu tư của họ đã lên đến 1544 công ty tại 57 quốc gia (trong đó có 670 công ty đã IPO/ được mua lại) với tổng số tiền đầu tư là 12.4 tỉ USD6.
Mô hình phát triển hệ sinh thái
Cùng là cách tạo dựng hệ sinh thái để các startup sử dụng công nghệ của mình, phát triển giải pháp cho các đối tác, các công ty công nghệ như SAP hay Qualcomm đã có những cách làm rất khác nhau. Với SAP, họ phối hợp với các tập đoàn và trường đại học, đào tạo design thinking (tư duy thiết kế) để giúp sinh viên giải quyết bài toán của doanh nghiệp trên nền tảng của SAP. Nếu lời giải nào tốt, sẽ được SAP đầu tư và sử dụng. Với Qualcomm, tại Việt Nam, và Ấn Độ, Đài Loan, phát triển chương trình ươm tạo, giúp các dự án tiếp cận và sử dụng công nghệ của Qualcomm, được đội ngũ kỹ thuật của Qualcomm hỗ trợ, hoàn thiện sản phẩm và cả tư duy bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người sáng lập. Những doanh nghiệp được Qualcomm hỗ trợ sau đó sẽ được tiếp cận với hệ sinh thái của Qualcomm, mạng lưới những nhà đầu tư, đối tác của Qualcomm để tiếp tục phát triển kinh doanh.
Xu hướng đổi mới tập đoàn 2023
Đổi mới sáng tạo mở đang trở thành một xu hướng quan trọng trong đổi mới sáng tạo tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Theo MindtheBridge, một tổ chức châu Âu chuyên tư vấn sáng tạo mở cho các tập đoàn, xu hướng đổi mới mở toàn cầu có thể được tóm gọn bằng những từ như thử nghiệm. Nếu mô hình tập đoàn sáng lập và ươm tạo các startup là một lựa chọn mới của năm 2022, thì năm 2023, xu hướng này sẽ vẫn chỉ dừng ở việc thử nghiệm, trong khi đó mô hình đặt hàng có tiềm năng áp dụng rộng rãi hơn nhưng sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn từ cả hai phía tập đoàn và startup.
Mặc dù, nhiều tập đoàn từng lựa chọn thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, nhưng giờ đây nhiều nơi đang từ bỏ chiến lược này. Cũng theo MindtheBridge, các nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu, các tập đoàn không đặc biệt tích cực trên mặt trận M&A startup.
Chuyển đổi số trong tập đoàn để hiệu quả hơn. Bên cạnh câu chuyện về đổi mới sáng tạo theo hướng khởi nghiệp, hợp tác với khởi nghiệp hay ĐMST mở, một xu hướng quan trọng là chuyển đổi số trong các tập đoàn đang diễn ra mạnh mẽ để tối ưu hóa mô hình kinh doanh trong kỷ nguyên số.
Năm 2023 sẽ chứng kiến chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ theo đó dữ liệu trở thành một tài sản quan trọng của doanh nghiệp phục vụ ra quyết định của doanh nghiệp. Có thể thấy, bên cạnh những thành công, những thử nghiệm vẫn đang được tiếp tục thực hiện, cũng có những thất bại mà cần thời gian người ta mới có thể đánh giá hết được.
Bên cạnh những câu chuyện thành công bước đầu như Honeywell, vẫn có những câu chuyện thất bại như GE, để thấy rằng: “các chuyên gia tin rằng việc mở khóa thành công chuyển đổi số không phải là sở trường của tất cả mọi người”7□
Xu hướng Đổi mới sáng tạo mở của các tập đoàn năm 2023
– Hầu như tất cả các nhà lãnh đạo đổi mới đã đặt chỗ ở Thung lũng Silicon (cộng với Israel), trong khi nhiều công ty đang mở rộng dấu ấn của họ bằng cách thành lập các hub – các trung tâm công nghệ toàn cầu tại những thị trường mới nổi như Hàn Quốc.
– Các chương trình khởi nghiệp nội bộ vốn được coi là công cụ đào tạo nhân sự theo cách tiếp cận truyền thống, giờ đây vượt ra ngoài các mục tiêu đào tạo đơn thuần và trở thành nguồn sáng tạo cho ra đời các thương vụ đầu tư.
– Do mối lo ngại ngày càng tăng về tính bền vững và kết quả tài chính, các chương trình tăng tốc doanh nghiệp đang ngày càng được cơ cấu lại, ủy quyền cho bên thứ ba hoặc loại bỏ hoàn toàn
– Các mô hình mới như Venture Builder vẫn đang trong quá trình thử nghiệm
Mô hình Khách hàng mạo hiểm (Venture Client model) tức là quá trình mua sản phẩm và giải pháp từ một khởi nghiệp, được áp dụng rộng rãi, nhưng đòi hỏi phải có phạm vi tiếp cận toàn cầu để có hiệu quả. Thông thường, mô hình Khách hàng mạo hiểm đòi hỏi yêu cầu một danh sách dài các khách hàng tiềm năng mang tính thăm dò khoảng 1.000-5.000 mỗi năm, trong đó khoảng 1% chuyển sang các thỏa thuận thương mại để triển khai toàn diện.
Nguồn: https://research.mindthebridge.com/report/2023-open-innovation-italy
Trường hợp 1: Honeywell là nhà sản xuất trong danh sách Fortune 100 hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm công nghệ xây dựng và hàng không vũ trụ. Honeywell đã tăng doanh thu từ 40 đô la lên 43 tỷ USD vào năm 2018 (mặc dù doanh thu giảm xuống còn 38 tỷ USD sau đó) và giá cổ phiếu tăng từ 95 USD lên 174 USD. Trong giai đoạn đầu chuyển đổi số, Honeywell đã cắt giảm hoạt động từ tám thị trường xuống còn sáu thị trường để cải thiện chất lượng và giúp áp dụng các chiến lược số dễ dàng hơn. Honeywell đã thành lập một nhóm chuyển đổi số trong công ty, dẫn dắt các đổi mới như thiết bị kết nối IoT, cung cấp sản phẩm dựa trên dữ liệu và kiểm soát quy trình công nghiệp tiên tiến. Dữ liệu khách hàng đã được phân tích và sử dụng để cải thiện dịch vụ sản phẩm, giúp khách hàng đưa ra quyết định tốt hơn và làm cho quy trình sản xuất hiệu quả hơn.
Trường hợp 2: General Electrics từng nổi tiếng khi bắt đầu hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của mình khi nhận định tương lai của kinh doanh và kinh doanh số và GE phải tìm được vị trí của họ trong thế giới đó. Với ý nghĩ đó, GE Digital ra đời và ra mắt sản phẩm số lớn đầu tiên của mình, Predix, “nền tảng sức mạnh công nghiệp đầu tiên thuộc loại này cung cấp một cách tiêu chuẩn và an toàn để kết nối máy móc, dữ liệu lớn công nghiệp và con người”. GE đưa khởi nghiệp tinh gọn vào đổi mới sáng tạo trong tập đoàn của mình dưới sự hỗ trợ của Eric Ries, cha đẻ của khởi nghiệp tinh gọn vào 2013. Họ chi hàng triệu USD để thuê nhân viên bán hàng, công nhân nhà máy và kỹ sư. Để tránh làm phức tạp thêm vấn đề, GE Digital còn được giao nhiệm vụ tập trung hóa và tối ưu hóa các hoạt động CNTT trên diện rộng của công ty. Mặc dù GE có khả năng số hóa và tự động hóa nhiều quy trình kinh doanh để tiết kiệm nguồn lực nhưng không gia tăng được giá trị để đổi mới mô hình kinh doanh. Câu chuyện cổ tích GE tiết kiệm 80% chi phí phát triển thông qua ứng dụng khởi nghiệp tinh gọn trong nội bộ và phát triển GE Digital trên quy mô lớn dừng lại. Cuối cùng, khi rõ ràng là GE Digital không còn khả thi nữa, các bộ phận của doanh nghiệp đã được bán đi trong khi phần còn lại được dồn vào GE power.
1 https://www.hackerearth.com/community-hackathons/resources/e-books/guide-to-organize-hackathon/#organizing-hackathons
2 https://codingcompetitions.withgoogle.com/hashcode
3https://valuer.ai/blog/biggest-startup-acquisitions-of-2018/
4 Nguồn: https://corporatefinanceinstitute.com/resources/knowledge/finance/corporate-venturing-corporate-venture-capital/
5 http://www.boeing.com/company/key-orgs/horizon-x/ventures/
6 https://www.intel.com/content/www/us/en/intel-capital/our-focus-infographic.html
7 https://www.techtarget.com/searchcio/tip/4-examples-of-digital-transformation-success-in-business
Oldest comments (0)