Cách đây một tháng, công ty tư vấn KPMG thăm dò ý 400 giám đốc về triển vọng kinh tế Mỹ – 90% nghĩ kinh tế sẽ rơi vào tình trạng suy thoái trong năm tới và hai phần ba nghĩ suy thoái sẽ “dài” và “nặng.” Phù hợp với khảo sát này, một số công ty lớn như Amazon, Facebook, Wal-Mart đã bắt đầu sa thải mấy chục ngàn nhân viên. Với thế giới toàn cầu hóa, suy thoái nếu có xảy ra, sẽ lan tỏa đến châu Âu, châu Á, các nước đã và đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Chu kỳ kinh doanh và chính sách tiền tệ
Để hiểu sự bi quan của một số đông nhà kinh doanh, đầu tư, lãnh đạo, chúng ta nên nói sơ qua về thuyết chu kỳ kinh doanh. Trong thời thịnh vượng, tổng cầu có thể quá cao, vượt mức sản lượng toàn dụng. Trong trường hợp này, nhân lực hoặc tài nguyên không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất gây áp lực tiền lương và mức giá leo thang, tình trạng này được gọi là lạm phát. Nhận ra tình trạng đó, thị trường kỳ vọng lạm phát có thể leo thang. Kỳ vọng đó kéo theo tiền lương và giá leo thang – lạm phát gia tăng vì kỳ vọng lạm phát gia tăng.
Để tránh tình trạng lạm phát gia tăng, ngân hàng trung ương khi thấy tổng cầu quá cao, thường tăng lãi suất để khuyến khích xí nghiệp giảm đầu tư, bớt mướn lao động, tạo áp lực giảm tổng cầu hầu giảm áp lực tiền lương và áp lực giá đưa tổng cầu cân bằng với mức sản lượng toàn dụng. Hành động chính sách này được công bố sớm một cách rõ rệt và rộng rãi để ổn định kỳ vọng lạm phát trên thị trường.
Ngược lại, nếu tổng cầu quá thấp so với mức sản lượng toàn dụng, sẽ có tình trạng thất nghiệp, áp lực tiền lương giảm, giá giảm. Để giảm thất nghiệp, ngân hàng trung ương khi thấy tổng cầu quá thấp, thường giảm lãi suất để khuyến khích xí nghiệp đầu tư tạo việc làm, chính sách kích cầu đưa tổng cầu cân bằng vớ mức sản lượng toàn dụng.
Suy thoái khởi sự từ phía “Cầu”
Trong những năm sau đệ nhị thế chiến, kinh tế Mỹ đã rơi vào tình trạng suy thoái khoảng 12 lần. Hầu hết các trường hợp này tiến diễn theo một mẫu, chúng ta tạm gọi là suy thoái “bình thường”. Trong kịch bản này, như đã mô tả trên, khởi điểm là tổng cầu quá cao nhưng tổng cầu cao có thể vì thị trường quá lạc quan kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng. Dân chúng tiêu xài thoải mái, xí nghiệp bành trướng tạo thêm việc làm, các nhà đầu tư tăng đầu cơ bất động sản và chứng khoán. Tổng cầu và mức giá tiếp tục tăng trưởng nhưng gần đến đỉnh, càng nhiều thành phần tham gia thị trường kỳ vọng giá sắp phải giảm. Khi đó, một biến cố ngẫu nhiên nào đó xảy đến khiến thị trường trở nên bi quan, giá giảm nhanh và nhiều, tiêu thụ giảm, đầu tư giảm, tổng cầu giảm, thu nhập giảm và thất nghiệp tăng. Kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái khởi đầu từ một cú sốc đến bên phía cầu. Khi suy thoái đến từ cú sốc giảm tổng cầu, ngân hàng trung ương thường dùng chính sách hạ lãi suất để tăng tín dụng khuyến khích đầu tư và tiêu thụ và đồng thời, chính phủ cũng có thể dùng chính sách ngân sách nhằm tăng tổng cầu giúp mau chóng mang lại cân bằng với mức sản lượng toàn dụng.
Các tấm biển thông báo đóng cửa hiệu vào năm 2009 ở Mỹ. Ảnh: AP/Paul Sakuma
Ví dụ điển hình là “suy thoái lớn” 2008-2009. Trước khi xảy ra khủng hoảng và suy thoái là những năm thịnh vượng – thu nhập tăng trưởng cao và đều, thất nghiệp thấp, tiêu thụ cao, đầu tư cao, tổng cầu quá cao, mức giá leo thang. Đến hè 2007, giá nguyên liệu và đặc biệt giá bất động sản đến đỉnh rồi giảm mạnh, một số cơ quan tài chính phá sản, và khủng hoảng tài chính lan tỏa đến những lãnh vực khác trong kinh tế. Tại Mỹ và các nước châu Âu, ngân hàng trung ương hạ lãi suất đến gần mức zero và chính phủ đưa ra những gói “kích cầu” giúp tăng tổng cầu. Cuộc suy thoái lớn kéo dài từ tháng 12/2007 đến giữa 2009.
Suy thoái bắt nguồn từ phía "Cung"
Vào năm 1973, cuộc chiến Ả Rập-Do Thái khiến khối OPEC giảm sản xuất nhằm nâng giá dầu tăng 400%. Cũng cùng thời điểm này sản xuất nông nghiệp mất mùa tại một số nước lớn làm tăng giá lương thực. Khi giá sinh hoạt tăng, lao động đòi hỏi tiền lương tăng theo tạo tình trạng lạm phát xoắn ốc. Lạm phát có thể đưa đến suy thoái vì giá cao giảm giá trị thu nhập làm giảm tiêu thụ, đầu tư, và sản lượng. Từ năm 1973-1975, GDP thực Mỹ giảm 3,1% và thất nghiệp leo thang đến 9%.
Khác với 2008, khi suy thoái đi đôi với lạm phát vì phát nguồn từ cú sốc cung, chính sách tiền tệ cũng như chính sách ngân sách đều bị giới hạn – giảm lạm phát thường phải giảm tổng cầu hoặc muốn giảm suy thoái bằng cách kích cầu thì tăng lạm phát. Nếu phải lựa chọn, chính sách tiền tệ thường phải ưu tiên đương đầu với lạm phát. Lý do là “uy tín” và “kỳ vọng”.
Dù suy thoái có đến trong năm 2023, lịch sử cho thấy đây có thể là cơ hội chuẩn bị cho cuộc phục hồi và thịnh vượng tiếp theo.
Để ổn định kinh tế, ngân hàng trung ương thường công bố một mức lạm phát mục tiêu. Mức mục tiêu làm neo cho kỳ vọng lạm phát của thị trường giúp ổn định giá. (Trong mấy chục năm qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ Federal Reserve giữ mục tiêu lạm phát khoảng 2%). Khi lạm phát tăng vượt mức này, ngân hàng trung ương phải hành động mạnh mẽ và nhanh chóng để giữ uy tín. Nếu mất uy tín, ngân hàng trung ương không thể ảnh hưởng kỳ vọng của thị trường và những chính sách tiền tệ sẽ không hiệu lực. Vào năm 1979, sau cuộc cách mạng Iran, giá dầu tăng gấp đôi, tái diễn lạm phát do cú sốc dầu hỏa. Tuy lạm phát tăng vì các cú sốc xảy đến bên phía cung, chính sách tiền tệ để giảm lạm phát cũng chỉ là tăng lãi suất để giảm tổng cầu. Để đưa lạm phát từ 11% xuống đến 4%, Federal Reserve đã phải gây ra cuộc suy thoái 1981-1982 kéo dài 16 tháng khi đó thất nghiệp lên đến 11%.
Khả năng suy thoái 2023
Hai biến cố lớn, chiến tranh Nga-Ukraine và đại dịch Covid-19, ảnh hưởng khả năng kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái. Vì hai biến cố này là những tác động bên phía cung, suy thoái 2023, nếu có, sẽ giống hai suy thoái 1973-1975, 1981-1982 hơn là giống suy thoái lớn 2008-2009.
Covid-19 vẫn còn để lại một số ảnh hưởng quan trọng đến thị trường lao động Mỹ. (1) Tỷ lệ tham gia lao động đã không trở lại mức trước Covid. Đây là số người tuổi đi làm nhưng không đi kiếm việc. Đây là hiện tượng khó giải thích nhưng một lý giải là một số người vẫn còn lo ngại về dịch Covid-19 và đồng thời chính sách trợ cấp chính phủ rộng rãi nên số người này không muốn đi làm. (2) Khi kinh tế đóng cửa vào năm 2020, số đông người di dân đã trở về nước. Tuy kinh tế Mỹ đã mở cửa nhưng trở lại Mỹ có nhiều rủi ro nên nguồn lao động di dân dưới mức trước Covid. Báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê lao động Mỹ cho biết tỷ lệ thất nghiệp là 3,7% ngang với tỷ lệ trước Covid nhưng thất nghiệp thấp phần lớn vì người kiếm việc ít hơn. (3) Lao động khan hiếm, nhiều cuộc đình công đòi hỏi tiền lương tăng.
Đồng thời, Covid-19 vẫn còn gây xáo trộn đến chuỗi cung quốc tế và chiến tranh Nga – Ukraine giảm nguồn nhiên liệu và thực phẩm. Tất cả các yếu tố trên đều là những cú sốc cung gây áp lực lạm phát. Nếu lạm phát tiếp tục cao so với mức mục tiêu 2%, Federal Reserve sẽ phải tăng lãi suất để giảm tổng cầu và nếu giảm quá sẽ đưa đến suy thoái.
Các nhân viên y tế biểu tình đòi tăng lương sau dịch Covid-19 khi số người làm việc giảm nên khối lượng công việc ngày càng tăng và điều kiện làm việc không có gì cải thiện. Ảnh: Reuters/Lindsay DeDario
Suy thoái thế giới ảnh hưởng Việt Nam ra sao?
Nếu suy thoái cùng lạm phát xảy ra tại nước Mỹ khả năng lớn sẽ lan tỏa đến nước khác. Khi Federal Reserve tăng lãi suất, đồng USD sẽ tăng giá trị. Giá hàng nhập từ Mỹ sẽ tăng. Nếu đây là những nước châu Âu, lạm phát từ nguồn cung sẽ tạo áp lực suy thoái tương tự như tại Mỹ. Suy thoái tại Mỹ và châu Âu ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam chính là qua kênh xuất khẩu. Khi thu nhập các nước này giảm, nhu cầu hàng hóa từ Việt Nam sẽ giảm theo. Trong cuộc suy thoái lớn 2008-2009, xuất khẩu Việt Nam đã giảm và tăng trưởng GDP Việt Nam giảm từ 7,1% năm 2007, xuống 5,7% 2008, rồi 5,4% năm 2009. So với thời điểm đó, Việt Nam hiện giờ xuất khẩu gấp nhiều lần; điển hình, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện tại gấp 7 lần giá trị năm 2008. Vì thế, ảnh hưởng suy thoái 2023 sẽ phải nặng hơn năm suy thoái 2008-09. Để so sánh, giá trị xuất khẩu Trung Quốc tính đến tháng 9/2008 tăng trưởng 20% mỗi năm; từ tháng 10/2008 đến tháng 8/2009 xuất khẩu giảm 20%; GDP tăng trưởng 11% sáu tháng đầu 2008 và dưới 5% sáu tháng cuối.
Vì suy thoái 2023, nếu có, sẽ đi cùng với lạm phát, để giảm lạm phát, các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất, giảm tổng cầu và nếu lạm phát tiếp tục ngoan cố giữ mức cao, cuộc suy thoái có khả năng sâu và kéo dài.
Tuy nhiên, đây không phải là kịch bản duy nhất. Thứ nhất, lạm phát đang tương đối cao nhưng suy thoái chưa đến và không nhất thiết phải xảy ra. Có một số chính sách có khả năng giảm áp lực giá ngoài chính sách lãi suất. Tỷ lệ tham gia lao động tại Mỹ có thể tăng nếu chính phủ giảm trợ cấp Covid và lo ngại về dịch ngày càng giảm. Chính sách di dân Mỹ có khả năng dễ dàng hơn trong năm tới. Nguồn lao động tăng sẽ giảm áp lực tiền lương và giá và gỉam nhu cầu tăng lãi suất.
Trên thị trường dầu hỏa, OPEC có dấu hiệu tăng sản xuất và sẽ có thêm nguồn dầu từ Venezuela. Giá xăng tại Mỹ nay đã trở lại mức trước chiến tranh Nga – Ukraine. Lạm phát vẫn cao nhưng, trong tháng qua, có hướng giảm. Do đó, Federal Reserve ra dấu hiệu không tăng lãi suất với tốc độ nhanh như trước.
Thứ nhì, dù có đến, suy thoái có thêm tác động thanh lọc (“cleansing effect”). Khi kinh tế giảm tăng trưởng, những đơn vị ngưng hoạt động thường kém hiệu lực hơn các đơn vị tồn tại. Sau suy thoái, nền kinh tế có thể hiệu quả hơn và tăng trưởng mạnh mẽ hơn trước.
Thứ ba, khi suy thoái đi đôi với lạm phát (như 1973-1975, 1981-1982), ngân hàng trung ương sẽ giải quyết lạm phát trước qua chính sách tăng lãi suất. Một khi lạm phát đã được mang xuống mức chấp nhận, lãi suất sẽ ở mức tương đối cao so với mức lãi suất khi suy thoái phát nguồn từ sốc từ phía cầu (như 2008-2009). Sau suy thoái lớn 2008-2009 cuộc phục hồi rất chậm so với những suy thoái trước vì lãi suất có đáy ở mức zero (từ 2009-2015 lãi suất nằm ở mức gần zero) và không còn dư địa cho việc kích cầu bằng cách giảm lãi suất.
Để so sánh, GDP phục hồi sau suy thoái 1981-1982 xảy ra rất nhanh. Lãi suất giảm từ 19% đầu năm 1981 đến 13% cuối năm và đến 9% một năm sau. Do Federal Reserve đã chứng tỏ sự cam kết giữ lạm phát thấp, kỳ vọng lạm phát sau đó giữ khoảng 2%. Kinh tế Mỹ phát triển trong suốt 20 năm sau, thời kỳ được gọi là “The Long Boom” (tạm dịch là một cuộc nổ dài). Nếu không tính suy thoái 2001, một cuộc rất ngắn và nhẹ, sự phát triển đó kéo dài đến 2008. Những năm đó, nhiều kinh tế, trong đó các nước châu Á dẫn đầu, đã theo làn sóng toàn cầu hóa, phát triển mạnh mẽ, hiện đại hóa và công nghiệp hóa, giảm đói xóa nghèo, nâng cao mức sống của hàng tỷ người. Dù suy thoái có đến trong năm 2023, lịch sử cho thấy đây có thể là cơ hội chuẩn bị cho cuộc phục hồi và thịnh vượng tiếp theo.□
—–
*Baylor University
Oldest comments (1)
nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư còn dễ, người làm sự nghiệp như em là chết dở ~x(