Để thúc đẩy truy cập mở, không chỉ cần sự đồng lòng của giới học thuật là không đủ mà còn cần sự can thiệp của nhà nước, cho phép tự lưu trữ trở thành một quyền rõ ràng được pháp luật công nhận và bảo vệ. Các tổ chức nghiên cứu nên có những kho dữ liệu mở riêng và thiết kế lại phương pháp đánh giá khoa học để thúc đẩy truy cập mở. Còn nhà khoa học đừng bao giờ nên trả tiền để xuất bản.
Minh họa câu chuyện ngụ ngôn do một phần mềm AI tạo ra. Những con chim bồ câu giúp đưa hạt của Cây Trí Tuệ đi xa chính là ẩn dụ cho truy cập mở.
Câu chuyện ngụ ngôn
Ngày xửa ngày xưa, trên một hòn đảo rộng ở một đại dương xa xôi. Người dân trên đó có một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh, thịnh vượng và tràn đầy sáng tạo bên dưới tán Cây Trí Tuệ. Đó là một loài bạch quả đặc biệt. Ai ăn quả của nó thì có năng lực phân biệt giữa Sự Thật và Sự Sai trái trong rất nhiều lĩnh vực, tùy thuộc vào từng cây. Những tri thức này giúp cho cư dân trên đảo tạo ra những kì quan y học và kĩ thuật. Cây Trí Tuệ thật sự quý giá.
Các bộ tộc trên đảo thuê những người thợ làm vườn chăm sóc các vườn cây toàn thời gian. Các bộ tộc thường xuyên trao đổi hạt giống với nhau để tạo ra những cây mới, giúp họ trả lời được nhiều câu hỏi hóc búa hơn. Những người làm vườn thường sẽ trao những quả tươi ngon nhất, hoàn toàn miễn phí cho những thương lái, rồi lại đến lượt các thương lái chở chúng băng qua sa mạc và các cánh rừng để đi khắp hòn đảo. Khi các thương lái trở về, họ lại mang theo nhiều hạt giống kì lạ khác cho những người làm vườn. Ai cũng đều có lợi.
Thế rồi, những người làm vườn khắp hòn đảo đột nhiên muốn chia sẻ hạt giống của mình nhanh hơn nữa. Họ phát hiện ra chim bồ câu có thể đem hạt và bay từ vườn này sang vườn kia còn nhanh hơn cả xe tải. Càng không cần lạc đà và ngựa! Bốn công ty thương mại quyết định tăng giá vận chuyển để đền bù mất mát kinh doanh. Nổi lòng tham vì tiền, họ đòi các người thợ làm vườn giờ đây còn phải trả tiền cho họ để được vận chuyển hạt giống. Thế mà cũng rất nhiều người sẵn lòng trả! Những người thợ làm vườn dù sao cũng phải giải quyết những trái ngọt của mình, và thương lái vẫn có những giải pháp hết sức tiện dụng và hữu hiệu.
Nhưng quá trình này cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Những người làm vườn rồi cũng miễn nhiễm với những lời đường mật của các thương lái. Họ cùng đồng ý rằng trái ngọt mà họ đã dày công vun đắp thuộc về cộng đồng bởi chính cộng đồng đã bỏ tiền ra cho nó. Họ chỉ ra rằng bỏ tiền trả cho các thương nhân để rồi các thương nhân cầm luôn trái ngọt và muốn làm gì thì làm với nó, thì thật là vô lí. Các trưởng tộc quyết định cấm hình thức này. Họ xây dựng các chuồng chim tại những nơi cung cấp hạt giống được kiểm định chất lượng, mà mỗi bộ tộc bỏ ra một chi phí nhỏ để nuôi những con bồ câu này. Những người làm vườn bị “dụ dỗ” trước đây bởi các thương lái đều được tha thứ và những thương lái chuyển sang cung cấp các dịch vụ nông trang khác để hỗ trợ trồng Cây Trí Tuệ ngày càng xanh tốt.
Xung đột xoay quanh truy cập mở
Truy cập mở cho phép các kết quả nghiên cứu sẵn sàng trên mạng cho bất cứ ai muốn đọc hoặc sử dụng miễn phí. Truy cập không giới hạn tới các nghiên cứu khoa học và dữ liệu nghiên cứu là một khía cạnh của phong trào tư duy mở, vốn còn bao gồm cả chia sẻ phần mềm, chia sẻ các báo cáo kĩ thuật và các học liệu.
Truy cập mở khiến các nghiên cứu được biết đến rộng rãi hơn và cho phép mọi người được tiếp cận nhanh và rộng rãi hơn tới tri thức. Ở các nước đang phát triển, truy cập mở rất cần thiết để có thể tăng năng suất và tầm ảnh hưởng của các nhà nghiên cứu địa phương không thể kham nổi việc đọc những bài báo bị đặt sau những bức tường phí đắt đỏ. Cải thiện sự tiếp cận với nguồn học liệu với sách giáo khoa mở, các khóa học online miễn phí, các phần mềm nguồn mở còn giảm chi phí cho giáo dục đại học.
Truy cập không giới hạn tới các nghiên cứu khoa học và dữ liệu nghiên cứu là một khía cạnh của phong trào tư duy mở, vốn còn bao gồm cả chia sẻ phầm mềm, chia sẻ các báo cáo kĩ thuật và các học liệu.
Tuy nhiên, truy cập mở làm nổi lên xung đột giữa mọi người và các nhà tư bản vì nó làm đảo lộn mô hình doanh thu của nhóm xuất bản độc quyền gồm: Elsevier, Springer Nature, Wiley và Taylor & Francis, bốn tập đoàn đang kiểm soát hơn một nửa thị phần xuất bản học thuật của thế giới. Sự xung đột này khiến hai bên đều tìm cách “đi đường vòng”. Rất nhiều nhà nghiên cứu truy cập các bài báo khoa học qua các nền tảng chia sẻ tài liệu dù đó là vi phạm luật bản quyền, nói cách khác là họ thực hành truy cập mở trái luật sở hữu trí tuệ. Về phía nhà xuất bản, rất nhiều nơi yêu cầu các tác giả phải trả phí để nghiên cứu của họ mở ra, một kiểu phân biệt đối xử đối với các quốc gia nghèo hơn và hạ thấp nguyên tắc căn bản rằng, một tạp chí chấp nhận đăng một ý tưởng khoa học vì tính trí tuệ của nó, chứ không phải vì tiền bạc.
Câu chuyện ngụ ngôn phía trên là chủ đề bài viết của tôi: Luật pháp phải bảo vệ quyền của nhà khoa học chia sẻ những nghiên cứu được nhà nước tài trợ và cộng đồng nghiên cứu phải ưu tiên các tạp chí truy cập mở miễn phí và khước từ mô hình bắt tác giả phải trả tiền. Tôi chia bài viết này của mình thành ba phần. Phần đầu là lịch sử ngắn về truy cập mở với một số ví dụ về các kho dữ liệu để các nhà khoa học chia sẻ nghiên cứu của mình miễn phí, và tổng quan về các tranh luận gần đây về truy cập mở ở Việt Nam. Phần hai, tôi đồng ý và muốn thảo luận về việc các tổ chức nghiên cứu tự mở những kho dữ liệu riêng của mình và kêu gọi các chính sách ủng hộ việc này, đồng thời định hướng và huấn luyện các nhà nghiên cứu. Phần ba giải thích tại sao các tác giả nên từ chối trả phí xuất bản.
Từ ArXiv năm 1991 tới hội thảo UNESCO ở Hà Nội
Phong trào truy cập mở bắt đầu từ những năm 1990 như một lời đáp trả thực tế rằng phí thuê bao của các tạp chí ngày càng cao trong khi mong muốn các nghiên cứu phải được mở ra miễn phí cho công chúng ngày càng thôi thúc. Phong trào này ban đầu được dẫn dắt bởi một nhóm các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý thư viện đấu tranh để ai cũng được tiếp cận tri thức khoa học, bất kể giàu nghèo. Vào năm 2002, Sáng kiến Truy cập mở Budapest đưa ra tuyên bố rằng “sự truy cập không giới hạn tới các nghiên cứu công trên toàn cầu chỉ thực sự đúng đắn nếu tất cả mọi người đều có thể tiếp cận tới các bài báo khoa học mà không có một rào cản nào về kinh tế, pháp lý, kĩ thuật”. Sau đó, nhiều tuyên bố tương tự ra đời như Tuyên bố Berlin của Hiệp hội Truy cập mở Guerilla, giống như những phát súng mở màn cho phong trào khoa học mở và thu hút sự chú ý của mọi người tới vấn đề tiếp cận các nghiên cứu.
CERN (Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu) là một trong những nơi đầu tiên ký vào Tuyên bố Berlin về Khoa học mở trong Khoa học & Nhân văn. Ảnh: cern.ch
Kể từ đó, phong trào truy cập mở ngày càng lớn mạnh và có chỗ đứng. Nó chưa thay thế được mô hình “trả phí mới được đọc” truyền thống, nhưng truy cập mở được đón nhận rộng rãi, và có thừa bằng chứng thực nghiệm về tính hiệu quả của nó. Một bài báo truy cập mở được đọc, thảo luận và trích dẫn nhiều hơn so với một bài báo bị khóa sau bức tường phí.
Truy cập mở giúp các tổ chức nghiên cứu và thư viện tiết kiện phí thuê bao, mà phí này có thể lên tới hàng triệu USD mỗi năm đối với một trường đại học giàu có đẳng cấp thế giới. Rất nhiều tổ chức nghiên cứu và các nhà tài trợ nghiên cứu đón nhận các nguyên tắc của truy cập mở. Các nhà quản lý thư viện đã phát triển một giải pháp hợp pháp thay thế cho Sci-Hub: gọi là Nút bấm Truy Cập mở (the Open Access Button). Hệ thống này thu thập và tập hợp tất cả nội dung của các kho dữ liệu mở và với bất kì bài báo nào mà nó không tìm được, nó sẽ liên lạc với tác giả bài báo để giúp họ phát hành nó miễn phí. Vào năm 2018, một liên minh toàn cầu của các nhà tài trợ nghiên cứu, chiếm 5% sản lượng bài báo toàn cầu đã cho ra đời “Plan S”. Họ yêu cầu kể từ năm 2021, tất cả các nghiên cứu khoa học được tài trợ bởi ngân sách phải được xuất bản trên các tạp chí hoặc nền tảng tuân thủ nguyên tắc truy cập mở.
Dưới đây là năm ví dụ minh họa cho sự trỗi dậy của truy cập mở bao gồm: arXiv, RepEc, HAL, Zenodo và SciHub:
– arXiv ra đời năm 1991 từ cộng đồng các nhà vật lý. Giờ đây, hầu hết các công bố trong lĩnh vực Toán học và Thống kê cũng được xuất bản tại đây.
– RepEc là một kho lưu trữ toàn cầu liên ngành, hoạt động từ năm 1997, nơi xuất bản hầu hết các nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế. Nó còn bao gồm cả số lượng trích dẫn và phân tích nghiên cứu. Nó hoạt động theo hình thức tập trung bằng việc tập hợp tất cả các bản thảo nghiên cứu từ hàng nghìn cơ sở nghiên cứu trên khắp thế giới.
– HAL là một kho lưu trữ quốc gia, liên ngành mở ra vào năm 2001 của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS). Cũng giống như arXiv và RepEc, nó có hơn một triệu tài liệu. 15.000 nhà nghiên cứu của CNRS phải tự lưu trữ một phiên bản nghiên cứu của mình trên đó như một phần của quy trình đánh giá hoạt động thường niên của họ.
Sẽ là một nghịch lý nếu yêu cầu các nghiên cứu được tài trợ bởi ngân sách trong nước phải xuất bản trên một kho dữ liệu của nước ngoài. Cơ sở hạ tầng dành cho kho lưu trữ mở cấp quốc gia sẽ cung cấp cho những nhà nghiên cứu trong nước một địa chỉ rõ ràng, được công nhận chính thức để lưu sản phẩm của họ.
– Zenodo là một kho dữ liệu mở cho nhiều mục đích, do CERN (Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu) sáng lập vào năm 2013. Nó cho phép những nhà nghiên cứu chia sẻ với công đồng các công trình, dữ liệu và những công cụ số dùng cho nghiên cứu và cũng cung cấp một Mã định danh số quốc tế (DOI) cho mỗi phiên bản của tài liệu.
– Sci-Hub là một cổng chia sẻ dữ liệu lưu giữ hàng loạt các công trình nghiên cứu và sách đã xuất bản mà không quan tâm đến bản quyền. Ra mắt vào năm 2011, khối lượng dữ liệu của nó lớn hơn bốn kho dư liệu đã nói ở trên. Trang web này cập nhật hàng trăm nghìn bài nghiên cứu mỗi ngày trên kho của mình, dù bị các nhà xuất bản liên tục đưa ra các cáo buộc pháp lý để ngăn chặn nó.
Những ví dụ trên thể hiện cách tiếp cận đa dạng đối với việc chia sẻ các thông tin học thuật trên mạng, từ góc nhìn của các nhà nghiên cứu. Những ví dụ khác về xuất bản truy cập mở bao gồm cả các tạp chí xuất bản trên các kho dữ liệu mở như Tạp chí Thư viện Khoa học Công cộng (Public Library of Science), các sách giáo trình truy cập mở như những giáo trình trên nền tảng OpenStax và rất nhiều ví dụ khác trên trang Open Access Directory.
Phong trào khoa học mở đang lớn mạnh ở châu Á. Truy cập mở ngày càng được đón nhận trong cộng đồng học thuật, với các trường đại học và viện nghiên cứu bắt đầu mở các nghiên cứu của mình miễn phí trên mạng cho công chúng. Chẳng hạn, Chính phủ Ấn Độ đã cho ra đời Thư viện số Quốc gia Ấn Độ (NDLI) vào năm 2015, cung cấp quyền truy cập tới hàng triệu các tài liệu số, bao gồm từ sách khoa học đến sách kĩ thuật, các tạp chí và các bài báo nghiên cứu. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cũng là một trong những nơi ký vào Tuyên bố Berlin năm 2003. Cho đến tháng 10/2022, Kho dữ liệu mở toàn cầu (DOAR) đếm được 65 kho dữ liệu mở ở Trung Quốc, phần lớn đều do cấp viện/trường quản lý ngoại trừ hai nơi thuộc cấp trung ương là Hệ thống Kho dữ liệu của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS-IR) và ChinaXiv.
Nhiều quốc gia ASEAN triển khai chính sách và các sáng kiến truy cập mở như Cổng Học tập và Nghiên cứu Giáo dục Myanmar (MERAL). Tuy nhiên, nói chung, phong trào truy cập mở ở các quốc gia ASEAN không giống nhau. DOAR đếm được 171 cổng thông tin ở Indonesia, 25 ở Malaysia, 19 ở Thái Lan, 9 ở Philippines và 7 ở Singapore nhưng chỉ có một cổng ở Laos và ở Việt Nam (tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Thư mục các Tạp chí mở (DOAJ) cho biết chỉ có bảy tạp chí của Việt Nam (tính đến ngày 5/12/2022, nhìn vào mục để thấy số lượng này của năm 2019).
Một cuộc họp giữa nhiều thành phần trong cộng đồng học thuật của Tổ chức Orion (Tây Ban Nha) – một tổ chức thúc đẩy khoa học mở ở châu Âu. Ảnh: orion-openscience.eu.
Phong trào khoa học mở ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ. Vào 20/10/2021, trong hội thảo UNESCO về Khoa học mở, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã công nhận cơ hội và thách thức cho Việt Nam: “Khoa học mở sẽ trở thành một cách tiếp cận mới…”. Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam (AVUC) dẫn đầu nỗ lực vận động và đào tạo về truy cập mở, và họ đã bàn tới vấn đề này trước đây:
[1] Định nghĩa truy cập mở và công nhận đây là mục tiêu của toàn xã hội bởi vì 193 nước và vùng lãnh thổ đã cam kết thực hiện khuyến nghị của UNESCO về Khoa học mở vào tháng 11/2021. Khuyến nghị này nhấn mạnh Việt Nam cần nhanh chóng phát triển một chính sách quốc gia về cấp phép mở, để có thể thực thi các khuyến nghị này.
[2] Thảo luận về an ninh học thuật và làm sao để vượt qua những xung đột địa chính trị vốn làm gia tăng thêm rào cản hợp tác khoa học và công nghệ. Bài báo này trích lời Nhóm khoa học G7 và tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: “Chúng tôi tin rằng sự mở là nền tảng, an ninh là thiết yếu, sự tự do và liêm chính là quan trọng”.
[3] Đi sâu vào việc đánh giá nghiên cứu cần phải thay đổi để khuyến khích các nhà nghiên cứu mở các công bố của mình. Bài báo gợi nhắc về khoảng cách giữa các thực hành nghiên cứu ở Việt Nam so với Tuyên bố về Đánh giá nghiên cứu San Fransisco (DORA): “Không sử dụng các thước đo dựa trên tạp chí, chẳng hạn như Chỉ số ảnh hưởng của tạp chí (JIF) như một chỉ dấu đánh giá chất lượng các nghiên cứu cá nhân, để đánh giá đóng góp của một nhà khoa học, hoặc trong tuyển dụng, thăng chức, hoặc tài trợ nghiên cứu”.
[4] Thảo luận về vấn đề của các cơ sở hạ tầng cho khoa học mở, chẳng hạn như các kho lưu trữ mở như HAL và Zenodo. Chúng hiện nay hầu hết chưa từng tồn tại ở Việt Nam.
Chính phủ cần phải đưa truy cập mở vào chiến lược và lộ trình của quốc gia. Các cơ sở nghiên cứu như các trường đại học và viện nghiên cứu quốc gia, cơ quan tài trợ nghiên cứu có thể ký Tuyên bố Budapest, tham gia Tuyên bố Berlin, gia nhập cOAlition-S.
[5] TS. Hiệp Phạm trong một cuộc trao đổi gần đây về truy cập mở ở Việt Nam chỉ ra rằng những sáng kiến từ dưới lên phải đưa khoa học mở trở thành trung tâm của chính sách, kế hoạch, chiến lược quốc gia và các viện trường. Bên cạnh việc phát triển hạ tầng, vận động và đào tạo, anh cho rằng các tổ chức tài trợ nghiên cứu nên chi trả cho Phí Xử lý Bài báo (Article Processing – Charge – APC). APC chính là chi phí xuất bản.
Tôi sẽ thảo luận về các vấn đề trên từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu
Thảo luận về cơ sở hạ tầng, chính sách và đào tạo
Việc phát triển cơ sở hạ tầng cho khoa học mở là thứ dễ thực hiện nhất. Việc này có thể thực hiện ngay và luôn. Đã có sẵn một cộng đồng quốc tế về lưu trữ mở. Tất cả các công cụ đều là nguồn mở và quy trình, cách làm đều được hướng dẫn từng bước. Sẽ là một nghịch lý nếu yêu cầu các nghiên cứu được tài trợ bởi ngân sách trong nước phải xuất bản trên một kho dữ liệu của nước ngoài. Cơ sở hạ tầng dành cho kho lưu trữ mở cấp quốc gia sẽ cung cấp cho những nhà nghiên cứu trong nước một địa chỉ rõ ràng, được công nhận chính thức để lưu sản phẩm của họ. Bước tiếp theo có thể sẽ là có những kho lưu trữ của các ngành chuyên biệt do một số viện nghiên cứu và trường đại học hàng đầu triển khai.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng cho khoa học mở còn là xây dựng những nhánh địa phương của các kho dữ liệu của quốc tế, để tăng cường kết nối giữa nghiên cứu của Việt Nam với thế giới. Chỉ lưu trữ mỗi tri thức khoa học mới nhất của Việt Nam thì đó quả là một ý tưởng tồi trong một thế giới ngày càng kết nối.
Việc tổ chức các nghiên cứu mở đảm bảo an ninh đòi hỏi phải nhận định đặc thù giữa các lĩnh vực và ngành nghiên cứu. Ví dụ như Truy cập mở khiến các nghiên cứu về Covid-19 kịp thời đưa ra giải pháp cho đại dịch toàn cầu. Nhưng mặt khác, một số các khám phá vẫn còn là bí mật quân sự trong hàng thập kỉ, chẳng hạn như Phân tích mật mã vi sai.
Các chính sách phát triển là vô cùng cần thiết. Sự thất bại của thị trường đòi hỏi chính phủ cần can thiệp để bảo vệ lợi ích của công chúng và để đảm bảo truy cập miễn phí và tức thì là quyền của tất cả mọi người. Các nhà xuất bản có quyền lực lớn hơn rất nhiều so với những nhà nghiên cứu: Lợi nhuận của Elsevier năm 2018 là 1.15 tỉ USD trong khi doanh thu năm không phải từ hoạt động kinh doanh hằng của Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ là khoảng 4000 USD (91 triệu đồng).
Chỉ các cơ quan nhà nước mới có khả năng bảo vệ quyền của các nhà nghiên cứu trước những yêu cầu của các nhà xuất bản đối với những hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu độc quyền. Sự độc quyền đó bản thân không mang lại giá trị vật chất gì cho việc xuất bản. Nó là một rào cản để các nhà xuất bản dựng lên để ngăn chặn truy cập mở. Sự vững chắc của rào cản đó dựa trên thực tế rằng các nhà nghiên cứu không phải là luật sư. Các nhà nghiên cứu không cảm thấy mình có quyền để phủ quyết hợp đồng hay thậm chí là đọc kĩ hợp đồng đó.
Luật của Pháp 2016 – 1321, điều 30 có nói rõ điều gì cần phải làm. Nó chỉ ra rằng, các nhà nghiên cứu có thể đưa bất kì công trình khoa học nào của mình do ngân sách tài trợ nhiều hơn 50% lên mạng và dưới dạng truy cập mở. Luật này công nhận hợp pháp quyền tự lưu trữ kể cả khi tác giả đã kí hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả độc quyền cho nhà xuất bản. Trong trường hợp đó, thì trong từ sáu tháng đến một năm, tác giả sẽ có quyền mở nghiên cứu của mình.
Việt Nam vẫn chưa có một điều luật như vậy. Cộng đồng nghiên cứu có thể vận động nhiều bước để hướng tới mục tiêu này. Chính phủ cần phải đưa truy cập mở vào chiến lược và lộ trình của quốc gia. Các cơ sở nghiên cứu như các trường đại học và viện nghiên cứu quốc gia, cơ quan tài trợ nghiên cứu có thể ký Tuyên bố Budapest, tham gia Tuyên bố Berlin, gia nhập cOAlition-S. Một khi các cơ sở vật chất bắt đầu hoạt động, các cơ quan cấp bộ có thể bắt buộc tất cả các kết quả nghiên cứu khoa học nhận tài trợ từ ngân sách phải được xuất bản trên các kho lưu trữ mở và yêu cầu các tổ chức học thuật chứng nhận các tạp chí truy cập nhỏ trong các đánh giá nghiên cứu.
Quá trình vận động và đào tạo là những nỗ lực không ngừng nghỉ để xây dựng sự đồng thuận trong truy cập mở. Mục tiêu truyền thông hướng tới các nhà nghiên cứu là thúc đẩy việc tự lưu trữ, biến việc tải các công trình của mình lên các kho lưu trữ mở như một thói quen. Việc đào tạo sẽ chỉ ra cái gì, ở đâu và khi nào phải tự lưu trữ:
Việc xuất bản nghiên cứu là hết sức quan trọng đối với sự nghiệp và thu nhập của một nhà khoa học, bởi vậy cũng dễ hiểu rằng tại sao nhà khoa học lại lắng nghe lời nói của các nhà xuất bản. Nhưng khi được đào tạo, các nhà khoa học có thể nghe với một tâm thế phản biện hơn, đọc các hợp đồng chăm chú hơn và tự bản thân họ sẽ trang bị đủ kiến thức để tự tin với những kết quả nghiên cứu nào, họ có thể tự lưu trữ hợp pháp và phát hành dưới giấy phép Creative Common. Trong hầu hết các trường hợp, các nhà khoa học giữ tất cả các quyền xuất bản đối với các phiên bản của bản thảo trước khi bình duyệt. Trong một môi trường lý tưởng được pháp luật bảo vệ, các tác giả còn được phép lưu trữ bản cuối được chấp nhận sau quá trình bình duyệt.
Mạng xã hội, kể cả những mạng xã hội nghề nghiệp như Linkedin hay ResearchGate không phải là chỗ phù hợp để tự lưu trữ vì chúng đều không có khả năng lưu trữ về dài hạn và thiếu sự hỗ trợ và công nhận của các chính sách nhà nước. Các trang trên website của các viện nghiên cứu dành để giới thiệu một nhóm, một bộ phận nghiên cứu hay một tổ chức trực thuộc cũng không dành cho việc tự lưu trữ bởi những trang này được thiết kế chủ yếu để phục vụ mục đích liên lạc tức thì và có thời gian tồn tại rất ngắn. Việc nhà khoa học sở hữu một web cá nhân với tên miền riêng và tự duy trì, bảo dưỡng nó để lưu trữ và chia sẻ nghiên cứu của mình có thể coi là một giải pháp thỏa đáng vì chi phí thấp, tồn tại dài lâu, tính hiện diện trên công cụ tìm kiếm cao và nhà khoa học được toàn quyền kiểm soát nội dung trên đó. Tuy nhiên, đó chỉ ở quy mô cá nhân, không phải là một giải pháp toàn cầu đối với khoa học mở. Rốt cục, tự lưu trữ trong một kho lưu trữ riêng của viện trường hoặc của ngành, đáp ứng các tiêu chí phù hợp với OAI là giải pháp duy nhất.
Một kho lưu trữ được thiết kế tốt không cần phải đào tạo các nhà khoa học cách sử dụng nó. Nó cần phải rất tiện dụng thì mới được đón nhận. Kể cả các kho này được pháp luật bảo vệ và các viện, trường bắt buộc sử dụng, nó cũng mất hàng năm trời để trở thành phổ biến: đại đa số các nhà khoa học phải thay đổi tư duy và chấp nhận những thói quen mới. Bất cứ thiết kế nào ít thân thiện với người dùng hơn so với cổng điện tử nộp bài của các nhà xuất bản thương mại đều khiến người ta ngại việc tự lưu trữ.
Các nhà khoa học nên nhận thức một rào cản khác gần đây do các nhà xuất bản dựng lên: Phần mềm kiểm tra độ tương tự của các văn bản. Rất nhiều tạp chí ngày nay được tích hợp một robot có thể kiểm tra văn bản của các bản thảo gửi đến xem có giống với các văn bản trên internet hay không. Phần mềm kiểm tra độ tương tự của các văn bản sẽ chặn các bài báo đến tay biên tập viên nhà xuất bản nếu trước đó bản thảo của nó đã được tự xuất bản. Điều đó đã xảy ra với tôi vài lần. Trong đó, có những lần tôi kịp giải thích với biên tập viên rằng việc tự xuất bản bản thảo là điều bình thường trong giới Kinh tế. Những lần khác, biên tập viên còn không cho tôi biết đoạn nào trong bài báo của tôi bị phần mềm cảnh báo. Bởi vậy, khôn ngoan hơn là chỉ nên tự lưu trữ chỉ sau khi bản thảo được nhận đăng.
Khước từ phí xử lý bài báo
Cuối cùng, tôi muốn trình bày một quan điểm trái ngược với [5] và cho rằng truy cập mở ở Việt Nam không đòi hỏi các tác giả phải trả phí xử lý bài báo (APC) từ tiền tài trợ nghiên cứu. Các tác giả không bao giờ nên trả phí để xuất bản công trình của mình.
Trước hết, các tác giả có thể xuất bản ở các tạp chí truy cập mở nghiêm túc không đòi hỏi phí xuất bản. Rất nhiều tạp chí như vậy tồn tại. Dẫu rằng những tạp chí đó có thể không có sức mạnh quảng bá từ các nhà xuất bản lớn đằng sau, nhưng nếu nó được hỗ trợ bởi một tổ chức học thuật, một trường đại học hay một hiệp hội tri thức (learned society) thì danh tiếng còn tốt hơn. Và giờ đây, ảnh hưởng của một bài báo có thể và nên được đánh giá dựa trên cách nó thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học, chứ không phải trên tên của tạp chí.
Thứ hai, kể cả xuất bản trên các tạp chí truyền thống, các tác giả cũng có thể tránh việc trả tiền cho các nhà xuất bản này để đảm bảo họ mở nghiên cứu của mình bằng cách phân phối một bản sao bài báo của mình trên các kho dữ liệu mở của viện trường hoặc của ngành. Như đã nói ở trên, phiên bản được phép tự lưu trữ và thời gian chờ để xuất bản nó phụ thuộc vào quy định của luật.
Thứ ba, hệ thống APC không hề bền vững. Đó là bắt các cơ sở nghiên cứu vốn trước đó đã phải trả phí thuê bao để đọc các tạp chí, giờ lại trả thêm lần thứ hai để các bài báo của họ được truy cập mở. Nó thay thế sự bất bình đẳng trong truy cập tới tri thức khoa học bằng sự bất bình đẳng trong việc tạo ra các sản phẩm khoa học: phí xuất bản, thường là vài nghìn USD, là ngoài tầm với với hầu hết các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam. Nó hạ thấp uy tín của khoa học, ám chỉ rằng cứ trả đủ tiền là được xuất bản.
Thứ tư và cuối cùng, không bao giờ trả tiền để xuất bản là bảo vệ mình khỏi các tạp chí săn mồi, các loại tạp chí tỏ vẻ khoa học nhưng chẳng quan tâm gì đến bình duyệt. Những tạp chí này xuất bản bất cứ thứ gì có bề ngoài giống như một bài báo nghiên cứu, miễn là họ họ thu đủ APC để “các bài báo được truy cập mở”. Các nhà nghiên cứu còn non kinh nghiệm thường rất dễ rơi vào bẫy của họ.
Các tạp chí săn mồi cố trưng ra một vẻ ngoài nghiêm túc. Nhưng có một vài đặc điểm để vạch trần họ: 1/Website của họ hoặc các email họ gửi đến chứa các thông tin sai, dễ gây hiểu lầm và mâu thuẫn nhau. 2/Họ không tuân thủ các thực hành tốt nhất. Chẳng hạn, họ không có chính sách rút bài đã đăng rõ ràng hoặc không cấp phép Creative Commons khi xuất bản truy cập mở. 3/Họ thiếu minh bạch. Ví dụ, họ không công khai số tiền APC hoặc các thành viên trong ban biên tập không thể xác định được danh tính. 4/Họ bành trướng một cách khủng khiếp. Chẳng hạn, họ gửi email hàng loạt để khai thác các nhà khoa học và các biên tập viên tình nghiệm cho các ấn phẩm đặc biệt sắp tới. Một vài nhà xuất bản lộ rõ những hành động săn mồi, một số khác nằm ở vùng xám. MPDI hay Frontier Media, chẳng hạn, họ có duy trì một số ít các tạp chí nghiêm túc ở bề ngoài trong khi đằng sau thì vô số kể các tạp chí có độ tin cậy thấp hơn rất nhiều [6]. Gắn liền công trình của mình với các nhà xuất bản vùng xám như vậy ảnh hưởng xấu đến danh tính của các nhà nghiên cứu, kể cả là tình cờ trên một tạp chí thực hiện bình duyệt trung thực trong đó.
***
Truy cập mở vẫn là một thói quen hiếm hoi ở Việt Nam. Một số các sáng kiến từ dưới lên vẫn cần được phát triển thêm để tạo ảnh hưởng lên các chính sách và thúc đẩy thiết lập các kho lưu trữ của viện, trường. Hội thảo UNESCO vào tháng 10/2021 đánh dấu việc cộng đồng học thuật toàn cầu đã sẵn sàng để đóng góp tri thức theo hướng này. Và các nhà khoa học ở Việt Nam cũng có thể cùng đóng góp trước hết bằng cách xuất bản nghiên cứu của mình trên các tạp chí truy cập mở, tự lưu trữ bất kì bài báo nào mình đã xuất bản sau tường phí và tuân thủ nguyên tắc đầu tiên của việc viết báo khoa học: Không bao giờ trả tiền để xuất bản.□
Hảo Linh dịch
——–
Tài liệu tham khảo:
[1]Nghĩa L. T., “Nền khoa học có thể mở hơn nữa: Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO,” Tạp chí Tia sáng, Jan. 02, 2022. Accessed: Dec. 08, 2022. [Online]. Available: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nen-khoa-hoc-co-the-mo-hon-nua-khuyen-nghi-khoa-hoc-mo-cua-unesco-28731/
[2]Ngô Thành, “Phối hợp để vừa thúc đẩy hệ thống khoa học mở,” Tạp chí Tia sáng, Jul. 13, 2022. Accessed: Dec. 08, 2022. [Online]. Available: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phoi-hop-de-vua-thuc-day-he-thong-khoa-hoc-mo/
[3]Nghĩa L. T., “Đầu tư cho khoa học mở: Thay đổi các tiêu chí đánh giá khoa học,” Tạp chí Tia sáng, Jul. 19, 2022. Accessed: Dec. 08, 2022. [Online]. Available: https://tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/dau-tu-cho-khoa-hoc-mo-thay-doi-cac-tieu-chi-danh-gia-khoa-hoc/
[4]Nghĩa L. T., “Hạ tầng Khoa học Mở và gợi ý cho Việt Nam,” Tạp chí Tia sáng, Sep. 20, 2022. https://tiasang.com.vn/tin-noi-bat/tieu-diem/ha-tang-khoa-hoc-mo-va-goi-y-cho-viet-nam/ (accessed Dec. 08, 2022).
[5]H. Pham, “How to move open science from the periphery to the centre,” University World News, Nov. 19, 2022. Accessed: Dec. 05, 2022. [Online]. Available: https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20221115071455518
[6]L. Veissier, “MDPI et consorts, des éditeurs dans la zone grise,” TheMetaNews, Nov. 17, 2022. https://themeta.news/mdpi-zone-grise-de-ledition-scientifique/ (accessed Dec. 01, 2022).
Top comments (0)