Hội trà đá 8

Cover image for Lập bản đồ chi tiết về đảo nhiệt đô thị
Polka-dot man
Polka-dot man

Posted on • Originally published at tiasang.com.vn

Lập bản đồ chi tiết về đảo nhiệt đô thị

*Các đô thị là nơi sinh sống của phần lớn dân số thế giới, và thường bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Các đợt nắng nóng và nhiệt độ khắc nghiệt gay gắt hơn ở các khu vực có nhiều công trình xây dựng, khiến những điểm yếu và bất bình đẳng hiện có giữa cư dân thành thị càng thêm trầm trọng. *

Một nghiên cứu liên ngành mới được công bố trên Urban Climate do Quỹ CMCC (The Foundation Euro-Mediterranean Centre on Climate Change) dẫn dắt tập trung vào hiện tượng đảo nhiệt đô thị, đã cung cấp một phương pháp linh hoạt, có thể lặp lại để đánh giá rủi ro về mối quan hệ sức khỏe – nhiệt độ trong thành phố Turin, Ý.


Lập bản đồ rủi ro UHI (R.01; R.02) và các khu vực ưu tiên can thiệp (R.03). Nguồn: phys.org

Đảo nhiệt đô thị (UHI) là sự chênh lệch nhiệt độ giữa khu vực thành thị và nông thôn, bắt nguồn từ lượng nhiệt tỏa ra quá mức do nhiệt lượng từ Mặt trời bị giữ lại bởi môi trường đô thị hóa. “Hiện tượng UHI rất điển hình tại các khu vực đô thị và xảy ra mạnh hơn trong các đợt nắng nóng”, Marta Ellena ở nhóm Mô hình khu vực và tác động địa thủy văn thuộc CMCC, tác giả thứ nhất của bài báo cho biết. “Nguyên nhân là do hầu hết các thành phố được bao phủ bởi các bề mặt không thấm nước, khiến nhiệt độ cao hơn, dẫn đến hiệu ứng UHI thêm trầm trọng”.

Mục tiêu chính của nghiên cứu là đưa ra các đánh giá rủi ro khí hậu ở quy mô địa phương, trong đó xem xét các nguyên nhân chính gây ra bất bình đẳng. Điều này sẽ góp phần quan trọng để đưa ra các chiến lược thích ứng bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu tốt hơn cho các thành phố.

Một điều đáng chú ý của nghiên cứu là xác định rủi ro UHI trên mỗi khu vực điều tra dân số – thực thể địa lý tối thiểu về dữ liệu thu thập sẵn có từ các đô thị của Ý. “Đây là một trong những khía cạnh sáng tạo nhất của nghiên cứu”, Ellena nói. “Bởi vì các công trình trước đây chỉ xem xét các khu đô thị hoặc quận của thành phố. Ví dụ, Turin có 23 khu và 8 quận, nhưng trong nghiên cứu này, chúng tôi đã xem xét 3843 khu vực điều tra dân số, đây là một bộ số liệu khổng lồ”.

Nghiên cứu dựa trên khung lý thuyết cập nhật do Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đề xuất và áp dụng vào khu vực đô thị của Turin – vùng đông dân thứ tư của Ý.

Rủi ro từ UHI được mô tả theo nghiên cứu này là sự kết hợp và tương tác của ba yếu tố chính: nguy cơ, mức độ phơi nhiễm và tính dễ bị tổn thương.

Trong nghiên cứu, tính dễ bị tổn thương được cấu thành từ độ nhạy cảm và năng lực thích ứng. Độ nhạy cảm bao gồm các yếu tố tạo nên tính nhạy cảm của dân số bị phơi nhiễm, chẳng hạn như các yếu tố nhân khẩu học, tình trạng sức khỏe, điều kiện môi trường cả khu vực đô thị hóa. Mặt khác, năng lực thích ứng có tính đến sự sẵn có của các cơ sở và dịch vụ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cá nhân dưới nhiệt độ khắc nghiệt. “Sự kết hợp của tất cả yếu tố trên cho phép chúng tôi thể hiện sự phức tạp của các khái niệm rủi ro liên quan đến UHI”, Guglielmo Ricciardi ở CMCC và Politecnico di Torino, một tác giả khác của nghiên cứu cho biết.

Các kết quả được thu thập trong các bảng và hiển thị trực quan thông qua các bản đồ tham chiếu địa lý cho các chỉ số riêng lẻ và tổng hợp, truy cập mở và có sẵn theo giấy phép sáng tạo chung.

Kết quả nghiên cứu giúp xác định các UHI ở Turin và rủi ro liên quan với người dân, cũng như các khu vực ưu tiên can thiệp ở quy mô chi tiết. Mức độ rủi ro thấp nhất được đo lường ở các khu vực xanh tương ứng với các công viên chính của đô thị, cho thấy sự đóng góp đáng kể của thảm thực vật trong giảm nhiệt độ. Hầu hết các khu vực có nguy cơ cao hơn nằm ở vùng đông dân cư ở ngoại ô.

“Chúng tôi hy vọng nghiên cứu sẽ giúp ích cho các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra các biện pháp thích ứng, hoặc hỗ trợ các nhà nghiên cứu khác trong việc tái lập các phân tích tương tự với các đô thị khác của Ý (hoặc ngoài nước Ý)”, Ellena nói. □

Thanh An dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2023-05-interdisciplinary-urban-islands.html

Top comments (0)