Hội trà đá 8

Cover image for Giải Nobel Kinh tế 2022: Đặt nền móng hiểu biết về vai trò huyết mạch của ngân hàng
Polka-dot man
Polka-dot man

Posted on • Originally published at tiasang.com.vn

Giải Nobel Kinh tế 2022: Đặt nền móng hiểu biết về vai trò huyết mạch của ngân hàng

Xuất phát từ việc tìm hiểu căn nguyên của cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới vào năm 1930 và kéo dài nhiều năm sau đó, các nghiên cứu đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay đã đặt nền tảng lý thuyết cho các nghiên cứu về hoạt động ngân hàng hiện đại, và đặc biệt, cung cấp cho những nhà hoạch định chính sách các hàm ý quan trọng cho đến ngày nay trong việc quản lý thị trường tài chính, ngăn chặn các nguy cơ khủng hoảng tiềm tàng, và cách thức giải quyết khi khủng hoảng xảy ra.

Một người đàn ông biểu tình bên ngoài trụ sở Lehman Brothers Holdings Inc ở New York sau khi ngân hàng này đệ đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 15-9-2018. Ảnh: AP

Giải Nobel Kinh tế năm 2022 đã được trao cho ba nhà kinh tế học: Douglas W. Diamond (Đại học Chicago, Mỹ), Philip H. Dybvig (Đại học Washington, Mỹ) và Ben S. Bernanke (Viện Brookings, Mỹ) cho các nghiên cứu được thực hiện vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX về vai trò của ngân hàng trong nền kinh tế và trong giai đoạn khủng hoảng. Xuất phát từ việc tìm hiểu căn nguyên của cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới vào năm 1930 và kéo dài nhiều năm sau đó, các nghiên cứu của họ đã đặt nền tảng lý thuyết cho các nghiên cứu về hoạt động ngân hàng hiện đại, và đặc biệt, cung cấp cho những nhà hoạch định chính sách các hàm ý quan trọng cho đến ngày nay trong việc quản lý thị trường tài chính, ngăn chặn các nguy cơ khủng hoảng tiềm tàng, và cách thức giải quyết khi khủng hoảng xảy ra. Chính sách của những quốc gia trên thế giới được sử dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, hay gần đây nhất là suy thoái kinh tế toàn cầu bởi đại dịch COVID-19, đều chịu ảnh hưởng bởi các nghiên cứu được trao giải Nobel Kinh tế năm 2022 của ba nhà kinh tế học này.

Vai trò của các định chế tài chính trung gian trong nền kinh tế

Một chức năng quan trọng của các trung gian tài chính là cầu nối giữa tiết kiệm và đầu tư. Xét ở bình diện toàn bộ nền kinh tế, tổng tiết kiệm phải bằng với tổng giá trị đầu tư thực. Tuy nhiên, ở góc độ mỗi cá nhân/thực thể riêng lẻ, cơ hội đầu tư và khả năng tiết kiệm lại không luôn trùng khớp với nhau. Một doanh nghiệp (hoặc cá nhân) có thể cần vốn để đầu tư vào một dự án sản xuất kinh doanh (hoặc giải quyết nhu cầu tiêu dùng như mua nhà, phương tiện đi lại…) với chi phí vượt quá thu nhập hiện tại của họ. Cùng lúc đó, những cá nhân khác trong nền kinh tế với thu nhập tạm thời dư thừa và muốn tiết kiệm phần dư thừa đó bằng cách đầu tư vào một cơ hội sinh lời. Vấn đề nảy sinh là những người tiết kiệm khác nhau trong nền kinh tế có thể có nhu cầu thanh khoản khác nhau (nhu cầu rút tiền ngay lập tức khi có các khoản chi tiêu ngoài dự tính) cũng như mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau, trong khi các dự án đầu tư của doanh nghiệp (hoặc thu nhập của cá nhân được sử dụng để thanh toán cho các khoản vay tiêu dùng) cũng rất khác nhau về thời hạn, mức độ rủi ro (một số dự án đầu tư có thời hạn ngắn, một số lại có thời gian rất dài; một số dự án tương đối ít rủi ro, trong khi số khác lại có rủi ro cao…). Mặc dù trong thực tế, người tiết kiệm và người vay vốn cuối cùng có thể giao dịch trực tiếp với nhau (chẳng hạn như một doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng), sẽ không khả thi và rất tốn kém nếu toàn bộ những người tiết kiệm trong nền kinh tế phải trực tiếp đi tìm các dự án đầu tư hoặc người có nhu cầu tiêu dùng với những đặc điểm mong muốn (thời hạn, rủi ro, lợi tức, quy mô vốn) để cho vay. Nếu thực hiện điều này, những người tiết kiệm phải có khả năng thu thập, xử lý thông tin liên quan đến người đi vay và dự án đầu tư, cũng như khả năng giám sát để đảm bảo rằng dự án đầu tư của doanh nghiệp được thực hiện theo đúng như cam kết ban đầu. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp (hoặc cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng) phải trực tiếp tìm đến những người tiết kiệm để thuyết phục tài trợ cho các dự án hoặc nhu cầu tiêu dùng với những đặc điểm như mong muốn của họ. Những rào cản quá lớn này có thể dẫn đến việc tiết kiệm của cá nhân và dự án đầu tư của các doanh nghiệp (hoặc nhu cầu vay tiêu dùng của các cá nhân) rất khó để thực hiện.

Vấn đề trên được giải quyết dễ dàng với sự tham gia của các định chế tài chính trung gian như ngân hàng, quỹ đầu tư, các tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng… trong đó ngân hàng là một định chế tài chính trung gian quan trọng. Các định chế tài chính trung gian là kênh dẫn vốn từ những người tiết kiệm đến những người đầu tư: nhận tiền gửi từ khách hàng và sử dụng quỹ tiền gửi đó để tài trợ cho các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hoặc các nhu cầu khác trong nền kinh tế. Sự tham gia của các định chế tài chính trung gian cho phép các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất kinh doanh với thời hạn dài, trong khi cũng cho phép những người gửi tiền (người tiết kiệm) có thể rút tiền ngay lập tức khi có nhu cầu. Khi giữ vai trò trung gian giữa những người tiết kiệm và người đi vay cuối cùng trong nền kinh tế, các định chế tài chính trung gian đang thực hiện một chức năng kinh tế quan trọng: chức năng biến đổi kỳ hạn (maturity transformation), biến đổi các khoản tiết kiệm với kỳ hạn ngắn thành những khoản đầu tư với kỳ hạn dài.

Ngân hàng thực hiện chức năng biến đổi kỳ hạn: biến đổi các khoản tiết kiệm với kỳ hạn ngắn thành những khoản đầu tư với kỳ hạn dài. Hình minh hoạ từ Nguồn: © Johan Jarnestad/The Royal Swedish Academy of Sciences.

Chính sách bảo đảm tiền gửi

Trong nghiên cứu “Bank runs, deposit insurance, and liquidity” [2] được công bố năm 1983 trên tạp chí khoa học Journal of Political Economy, Diamond và Dybvig mô hình hóa quá trình biến đổi kỳ hạn của các ngân hàng. Bởi vì các cơ hội đầu tư sinh lời thường là dài hạn, trong khi những người gửi tiền lại muốn thanh khoản ngắn hạn, đó là, khả năng có sẵn tiền ngay cho các nhu cầu chi tiêu ngoài dự tính, chức năng biến đổi kỳ hạn của ngân hàng thật sự quan trọng và cần thiết đối với nền kinh tế. Ngân hàng huy động vốn từ những người tiết kiệm và sử dụng vốn huy động để tài trợ các dự án đầu tư dài hạn. Thông thường, chỉ một phần nhỏ những người gửi tiền có nhu cầu rút tiền trước hạn (nhu cầu thanh khoản ngắn hạn) và nhu cầu này không xảy ra cùng lúc với những người gửi tiền. Do vậy, ngân hàng có thể tài trợ cho các dự án đầu tư sinh lời dài hạn, trong khi đồng thời vẫn luôn đáp ứng được nhu cầu thanh khoản của người gửi tiền ngắn hạn. Đây cũng chính là quá trình ngân hàng tạo thanh khoản. Thông qua các trung gian tài chính, cả người tiết kiệm và người đi vay vốn để đầu tư/tiêu dùng đều nhận được giá trị hữu dụng cao hơn. Tuy nhiên, cũng chính vai trò biến đổi kỳ hạn này lại làm cho ngân hàng dễ nhạy cảm với tin đồn và có thể đối mặt với nguy cơ tháo chạy của người gửi tiền khi có sự hoảng loạn (bank runs). Bất kể một tin đồn đúng hay sai về tình hình hoạt động của ngân hàng, đều có thể khiến cho người gửi tiền vội vàng đến ngân hàng rút tiền ngay lập tức. Số lượng người yêu cầu rút tiền gia tăng khi tâm lý hoảng loạn lan nhanh và bao trùm, vượt quá khả năng chi trả ngay lập tức của ngân hàng (do phần lớn các khoản cho vay, đầu tư của ngân hàng đều có thời hạn dài, và không thể ngay lập tức thu hồi lại) có thể kích hoạt một cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng. Trầm trọng hơn, nguy cơ tháo chạy có thể lan ra diện rộng sang các ngân hàng khác.

Số lượng người yêu cầu rút tiền gia tăng khi tâm lý hoảng loạn lan nhanh và bao trùm, vượt quá khả năng chi trả ngay lập tức của ngân hàng có thể kích hoạt một cuộc tháo chạy khỏi ngân hang (bank runs). Hình minh hoạ từ Nguồn: © Johan Jarnestad/The Royal Swedish Academy of Sciences.

Trong tình huống này, để đáp ứng cho làn sóng rút tiền từ những người gửi tiền, ngân hàng có thể buộc phải chấp nhận thua lỗ và thu hồi trước hạn các khoản cho vay, bán tháo các tài sản đầu tư, cũng như không sẵn sàng cấp các khoản cho vay mới. Hệ quả không chỉ là sự thua lỗ (hoặc cực đoan hơn là phá sản) đối với chính bản thân ngân hàng mà còn gây ra tình trạng suy thoái và khủng hoảng kéo dài đối với nền kinh tế. Để tránh vấn đề này, Diamond và Dybvig (1983) chỉ ra rằng cần có sự can thiệp của chính phủ thông qua các chính sách, biện pháp chủ động và tích cực (ví dụ, chính sách bảo hiểm tiền gửi). Khi những người gửi tiền biết rằng tiền gửi của họ được đảm bảo bởi chính phủ, họ sẽ không rút tiền trước hạn, và điều này giúp ngăn chặn việc tháo chạy khỏi ngân hàng trước khi nó xảy ra.

Ai sẽ giám sát ngân hàng?

Công trình nghiên cứu quan trọng thứ 2 của Douglas W. Diamond, “Financial intermediation and delegated monitoring” , được công bố năm 1984 trên tạp chí Review of Economic Studies. Diamond (1984) phân tích những điều kiện cần thiết để ngân hàng có thể (và buộc phải) giám sát người đi vay để đảm bảo rằng họ thực hiện đúng các cam kết hoàn trả. Nếu không có các định chế tài chính trung gian như ngân hàng, các cá nhân đầu tư vào doanh nghiệp (ví dụ, thông qua việc mua cổ phiếu hoặc trái phiếu) sẽ rất khó giám sát nhằm đảm bảo rằng tiền của họ được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Việc giám sát này “ủy quyền” cho ngân hàng thực hiện sẽ hiệu quả hơn. Khi nhận tiền gửi từ nhiều người tiết kiệm và đa dạng hóa cho vay đối với nhiều người vay, ngân hàng có khả năng đưa nguồn vốn huy động đến những nơi sử dụng hiệu quả trong nền kinh tế với chi phí thấp nhất.

Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là “ai sẽ giám sát ngân hàng” để đảm bảo ngân hàng phải cho vay có trách nhiệm và không thua lỗ? Trên thực tế, người gửi tiền không thể thực hiện điều này. Diamond (1984) chứng minh rằng chính cách thức hoạt động của ngân hàng cũng hàm ý những người gửi tiền không cần thiết phải thực hiện việc giám sát ngân hàng. Nếu ngân hàng không thực hiện giám sát người đi vay, ngân hàng sẽ đối mặt với nguy cơ thua lỗ và về lý thuyết, những người gửi tiền có thể làm cho ngân hàng rơi vào tình trạng phá sản khi ngân hàng không đáp ứng kịp thời yêu cầu rút tiền ngay lập tức của họ. Do vậy, việc giám sát người đi vay vừa là trách nhiệm nhưng cũng vừa là lợi ích của chính bản thân ngân hàng.

Hai công trình nghiên cứu lý thuyết ở trên, Diamond và Dybvig (1983) và Diamond (1984), giải thích cách thức các định chế tài chính trung gian tạo thanh khoản cho nền kinh tế. Đây là điểm mới trong cách tiếp cận nghiên cứu lý thuyết về vai trò của ngân hàng trong nền kinh tế so với những công trình nghiên cứu trước đó.

Dưới góc độ thực nghiệm

Bernanke giải quyết cùng các câu hỏi như trong nghiên cứu của Diamond và Dybvig nhưng tiếp cận dưới góc độ thực nghiệm. Trong nghiên cứu “Nonmonetary effects of the financial crisis in the propagation of the Great Depression”[4], được công bố năm 1983 trên tạp chí khoa học American Economic Review, Bernanke phân tích vai trò của ngân hàng trong cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới vào năm 1930. Trong giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1933, sản xuất công nghiệp của Mỹ giảm đến 46% và tỷ lệ thất nghiệp tăng đến 25%. Khủng hoảng lan rộng gây ra đỗ vỡ kinh tế nghiêm trọng ở nhiều quốc gia. Các ngân hàng sụp đổ ở khắp mọi nơi.

Trước khi nghiên cứu Bernanke (1983) ra đời, các nhà kinh tế học lúc đó vẫn tin rằng lẽ ra khủng hoảng có thể đã được ngăn chặn nếu ngân hàng trung ương Mỹ in thêm tiền. Còn Bernanke thì cho rằng việc thiếu hụt tiền có thể là một nhân tố góp phần đưa đến khủng hoảng, nhưng đây không phải là nguyên nhân cốt lõi gây ra tình trạng nghiêm trọng và kéo dài của khủng hoảng.

Ông nhận định, chính việc hệ thống ngân hàng mất đi khả năng thực hiện vai trò trung gian đưa vốn tiết kiệm đến với đầu tư vào giai đoạn đó mới là nguyên nhân quan trọng, khiến suy thoái kinh tế bình thường vào năm 1929 nhưng biến thành khủng hoảng nghiêm trọng ngay năm sau. Bernanke (1983) minh chứng thực nghiệm rằng khủng hoảng kinh tế kéo dài và nghiêm trọng trong giai đoạn đó có mối liên hệ trực tiếp đến sự đổ vỡ của các ngân hàng. Nỗi lo sợ và tháo chạy khỏi ngân hàng đã lan truyền ra hệ thống, với lượng tiền gửi suy giảm đáng kể ở các ngân hàng khác. Đồng thời, nhiều ngân hàng đã từ chối cấp những khoản vay mới cho khách hàng, và chỉ đầu tư vào những tài sản ngắn hạn, an toàn, có tính thanh khoản cao. Điều này đã đẩy các doanh nghiệp, những người đi vay để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh vào tình huống khó khăn, và làm khủng hoảng kinh tế thêm trầm trọng.

Quá trình quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng là quá trình ngân hàng tích lũy thông tin chi tiết về khách hàng, giúp ngân hàng quản lý, giám sát việc cho vay tốt hơn, đưa ra các yêu cầu phù hợp để đảm bảo khách hàng vay vốn hoàn trả đúng cam kết. Do đó, khi ngân hàng phá sản, mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng đổ vỡ và không thể nhanh chóng xây dựng lại; những hiểu biết về khách hàng cũng không thể dễ dàng chuyển qua các ngân hàng khác. Việc phục hồi các ngân hàng bị đổ vỡ sẽ mất nhiều năm, và trong thời gian đó nền kinh tế sẽ trải qua tình trạng khủng hoảng kéo dài, như được chứng kiến trong cuộc đại suy thoái kinh tế năm 1930.

Trước nghiên cứu Bernanke (1983), các nhà kinh tế học xem khủng hoảng ngân hàng là hệ quả của suy thoái kinh tế, và tác động trở lại đến các hoạt động kinh tế thông qua việc làm cho cung tiền bị thu hẹp. Bernanke (1983) tiếp cận vấn đề dưới góc độ vi mô và chỉ ra rằng khi định chế tài chính trung gian trong nền kinh tế bị đổ vỡ, vốn không được dẫn đến nơi cần để thực hiện sản xuất kinh doanh, hệ quả, suy thoái kinh tế sẽ thêm trầm trọng, trở thành khủng hoảng và kéo dài. Hoạt động kinh tế sẽ không thể phục hồi cho đến khi chính phủ thực hiện các biện pháp quyết liệt để vực dậy hệ thống ngân hàng và ngăn chặn tình trạng hoảng loạn ngân hàng xảy ra thêm. Đây chính là những điểm mới trong công trình Bernanke, và củng cố cho lý thuyết trong nghiên cứu Diamond và Dybvig và Diamond.

Hàm ý từ kết quả của các nghiên cứu này đã được chính Bernanke sử dụng trong chính sách đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 khi ông ta là Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), cũng như ngân hàng trung ương các nước sử dụng khi đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn khủng hoảng tài chính có thể xảy ra do suy thoái kinh tế toàn cầu bởi đại dịch COVID-19.

Công trình của Diamond, Dybvig và Bernanke đã đặt nền tảng cho nhiều nghiên cứu sau đó về hoạt động ngân hàng, cách thức quản lý nhằm ngăn ngừa và đối phó với khủng hoảng, mang lại nhiều hàm ý quan trọng cho những nhà hoạch định chính sách về cách thức quản lý hoạt động ngân hàng, hướng đến mục tiêu tạo ra một hệ thống tài chính ổn định. Ngày nay, hệ thống tài chính hiện đại thay đổi không ngừng với sự xuất hiện của các loại hình trung gian tài chính mới và công cụ tài chính mới. Do vậy, các chính sách quản lý ngân hàng cũng như quản lý hệ thống tài chính phải được điều chỉnh linh hoạt, dựa trên việc phân tích thường xuyên tình hình thực tiễn. Mặc dù vậy, nghiên cứu của Diamond, Dybvig và Bernanke vẫn đóng vai trò như một khung phân tích cho các chính sách quản lý ngân hàng và hệ thống tài chính thậm chí dù trong thực tế, việc quản lý có thể không luôn theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống tài chính.

Chú thích

[1] Bài viết có sử dụng số liệu và phần nội dung từ báo cáo tóm tắt thông báo giải thưởng của Uỷ ban Giải thưởng Nobel. Chi tiết tại: https://www.nobelprize.org/uploads/2022/10/advanced-economicsciencesprize2022-2.pdf

[2] Tạm dịch, “Tháo chạy khỏi ngân hàng, bảo hiểm tiền gởi, và thanh khoản”. [3] Tạm dịch, “Trung gian tài chính và giám sát được uỷ quyền”. [4] Tạm dịch, “Ảnh hưởng phi tiền tệ của khủng hoảng tài chính trong việc lan truyền Đại suy thoái”. Tài liệu tham khảo

  1. Bernanke, Ben S., 1983, Nonmonetary effects of the financial crisis in the propagation of the Great Depression, American Economic Review 73, 257–276. 2. Diamond, Douglas W., Phillip H. Dybvig, 1983, Bank runs, deposit insurance, and liquidity, Journal of Political Economy 91, 401–419. 3. Diamond, Douglas W., 1984, Financial intermediation and delegated monitoring, Review of Economic Studies 51, 393–414.

Latest comments (0)