Nguồn: “Why does Ukraine want Western jets—and will it get them?”, The Economist, 1/2/2023
Biên dịch: Phạm Quốc Hào
Không quân Nga vẫn chưa chiếm thế thượng phong. Điều đó có thể sớm thay đổi
Ukraine đã nhiều lần kêu gọi phương Tây chuyển giao máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư kể từ khi Nga xâm lược nước này vào tháng 2 năm 2022. Nhưng sau ngày 25/01/2023, khi thủ tướng Đức Olaf Scholz rốt cuộc đã đồng ý xuất khẩu xe tăng Leopard 2 sang Ukraine (được thúc đẩy bởi việc Mỹ viện trợ xe tăng M1 Abrams), thì nhu cầu đối với máy bay chiến đấu của nước này đã trở nên cấp bách hơn. Ukraine muốn các tiêm kích F-16 hoặc F-15 của Mỹ mà NATO đang sở hữu số lượng lớn và bị loại biên dần khi được trang bị thêm nhiều tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35. Vào ngày 30 tháng 1, Tổng thống Joe Biden nói rằng Mỹ sẽ không viện trợ F-16. Vậy Ukraine có thể nhận được chúng không?
Yêu cầu đã trở nên cấp bách. Ukraine đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công mùa xuân để giành lại lãnh thổ, trước làn sóng huy động quân tiếp theo của Nga. Không quân Nga cho đến nay vẫn chưa thiết lập được thế thượng phong trên không so với Ukraine, mặc dù có lợi thế lớn về số lượng và tiềm lực so với Ukraine, vốn chủ yếu dựa vào Mig-29 và Su-27 thời Liên Xô. Đó là nhờ hệ thống phòng không mặt đất tích hợp tốt có nguồn gốc chủ yếu từ tên lửa đất đối không S-300 từ những năm 1970 và số lượng lớn các tên lửa vác vai do các thành viên NATO cung cấp. Những nhân tố này đã cho phép không quân Ukraine cạnh tranh với Nga trên bầu trời và cung cấp sự hỗ trợ rất cần thiết cho các lực lượng mặt đất. Nhưng điều này có thể sắp thay đổi.
Ukraine chưa xác nhận họ đã mất bao nhiêu máy bay và phi công, nhưng chắc chắn họ đang cảm nhận được ảnh hưởng của sự tổn thất sau một năm chiến tranh tiêu hao. Nghiêm trọng hơn, các vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng và khu dân cư tại Ukraine đã khiến kho tên lửa phòng không của nước này sụt giảm xuống mức thấp nguy hiểm. Một vấn đề cụ thể là việc Nga sử dụng máy bay không người lái Shahed-136 của Iran vốn có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu được bảo vệ kém, chẳng hạn như các nhà máy điện. Hầu hết các loại vũ khí cần thiết để tiêu diệt chúng đều đắt hơn nhiều lần so với bản thân Shahed (có giá khoảng 20.000 USD). Mặc dù cần khẩn cấp các tên lửa vác vai song Ukraine lo ngại rằng nếu không có F-16 hoặc các loại tiêm kích khác của phương Tây thì khả năng ngăn chặn Nga giành ưu thế trên không của họ đang bị xói mòn nghiêm trọng.
Vậy tại sao phương Tây chưa cung cấp cho Ukraine? Một lý do là một số nhà lãnh đạo, ông Biden cũng có vẻ nằm trong số đó, sợ rằng việc trang bị F-16 cho Ukraine sẽ cho phép nước này tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga và Điện Kremlin coi đấy là những hành động leo thang, làm dấy lên các mối đe dọa trả đũa hạt nhân. Một lý do khác thường được nhắc tới là việc tiêm kích F-16 là một hệ thống phức tạp. Phi công cần ít nhất ba tháng đào tạo và thợ máy thậm chí cần nhiều hơn. Nó cũng yêu cầu hỗ trợ hậu cần đáng kể và đường băng dài, trơn tru để cất cánh; Ukraine không có đủ những yêu cầu trên, mặc dù lực lượng không quân của họ cho biết đang nâng cấp các sân bay trên khắp đất nước để đón nhận các máy bay tiêm kích của phương Tây. Nhưng những đường băng này sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu của người Nga.
Cái cớ đầu tiên nêu trên thường được đưa ra mỗi khi Ukraine yêu cầu phương Tây cung cấp các khí tài mới, đặc biệt là đối với các vũ khí có tác dụng tấn công hơn là phòng thủ. Sự thật là F-16, giống như xe tăng, phụ thuộc vào cách nó được sử dụng. Ngoài ra, Justin Bronk, một chuyên gia về không quân tại RUSI, Viện Nghiên cứu An ninh – Quốc phòng Hoàng gia Anh, gợi ý rằng việc sử dụng F-16 để thọc sâu vào lãnh thổ Nga sẽ đặt nó trước các rủi ro đến từ tên lửa đất đối không của Nga, bao gồm cả S-400. Có lẽ có nhiều cách tốt hơn để tấn công các mục tiêu từ xa ở Nga.
Lý do thứ hai cho việc không cung cấp máy bay nghiêm trọng hơn, nhưng không phải là không có cách khắc phục. Việc đào tạo phi công và nhân viên kỹ thuật có thể bắt đầu ngay lập tức, trước khi máy bay được gửi đi. Douglas Barrie, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói rằng đường băng là một vấn đề, nhưng các phi công có thể sử dụng các sân bay phân tán. Những đường băng có thể được xây dựng nhiều, khiến người Nga khó phát hiện hơn – nhưng các đường băng hạ cánh sẽ ngắn hơn và gồ ghề hơn, do đó đặt máy bay và phi công vào vị trí gặp rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, nếu người Ukraine nói rằng họ muốn có F-16, thì đề xuất gần đây cho thấy họ có một ý tưởng khá tốt về cách sử dụng chúng.
Nhiều người ủng hộ Ukraine ở phương Tây tin rằng việc Ukraine tránh được thất bại là chưa đủ mà Nga phải thua. Hà Lan đã thể hiện sẵn sàng gửi F-16. Ukraine cho biết Ba Lan cũng đang cân nhắc điều tương tự. Lầu Năm Góc được cho là đang chuẩn bị đồng ý cho những hoạt động xuất khẩu như vậy. Như thường lệ, Olaf Scholz, Thủ tướng Đức, là thủ lĩnh của những người do dự. Nếu phương Tây tin rằng nếu không có máy bay chiến đấu tốt hơn, Nga cuối cùng sẽ thiết lập sự thống trị trên bầu trời Ukraine thì họ nên cung cấp cho Ukraine tiêm kích sớm nhất có thể.
Top comments (0)