Hội trà đá 8

Cover image for Quyền được tiếp cận tri thức
Polka-dot man
Polka-dot man

Posted on • Originally published at tiasang.com.vn

Quyền được tiếp cận tri thức

“Toàn bộ di sản khoa học của nhân loại đang ngày càng được số hóa và biển thủ chỉ bởi một vài tập đoàn cá nhân” – Aaron Swartz (1986 – 2013).

Aaron Swartz. Ảnh: New York Magazine/ Chris Stewart

Cách đây 10 năm là ngày mất của nhà phát minh ra Internet và nhà đấu tranh cho quyền tự do thông tin Aaron Swartz. Anh đã tự tử vào ngày 11/1/2013 ở tuổi 26 sau khi biết Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đưa ra một loạt các cáo buộc và yêu cầu anh phải vào tù vì một hành động của mình. Vào năm 2011, Swart đã truy cập vào tủ hệ thống cáp mạng ở MIT, gắn một chiếc máy xách tay vào mạng của Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT) và tải về một lượng lớn các tạp chí khoa học từ JSTORE và mở ra để công chúng có thể tiếp cận miễn phí. Sau khi qua đời, Swart nhận rất nhiều danh hiệu và những lời tri ân truy tặng anh, bao gồm một bản khắc trên Đại lộ danh vọng Internet ở San Francisco và giải Madison của Hiệp hội Thư viện Mỹ “cho cống hiến của anh trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của công chúng trong việc tiếp cận với các thông tin nghiên cứu và thông tin chính phủ”.

Bất kì một quốc gia có nền khoa học tiên tiến nào đều cần người dân có học thức. Điều này không chỉ gói gọn trong việc giảng dạy ở trường học. Công chúng phải được tiếp cận dễ dàng tới sách vở, tới các nguồn học liệu trực tuyến với thông tin đáng tin cậy, phải nhận thức được chính phủ của họ đang hoạt động như thế nào trong và ngoài nước, và phải nhận thức được mức độ phát triển của các tri thức về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới họ như chăm sóc sức khỏe, biến đổi khí hậu và những vấn đề về chiến tranh và hòa bình. Khi có những vật cản chắn ngang con đường tiếp cận đến những tri thức này, những nhà hoạt động như Aaron Swartz đã thực hiện một trách nhiệm công bằng việc dời bỏ những vật cản này

****

WikiLeaks là một nhà xuất bản phi lợi nhuận của những tài liệu bị rò rỉ. Sáng lập năm 2006 và do Julian Assange điều hành, tổ chức này có tiếng tăm ở Mỹ vào năm 2010 khi nó đóng vai trò quan trọng trong việc vạch trần những tội ác chiến tranh của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Năm đó, WikiLeaks tung ra video có tên “Vụ giết người ngoài dự kiến” (Collateral Murder), một đoạn ghi hình bí mật bị rò rỉ từ tháng 7/2007 cho thấy những phi công Mỹ lái trực thăng quân sự bắn và giết nhiều dân thường, bao gồm hai nhà báo người Iraq làm việc cho Reuters. Video chiếu những người lính Mỹ hả hê cười trước cái chết của người dân, đã lan truyền nhanh chóng và thổi bùng lên sự vỡ mộng về chiến tranh do Mỹ gây ra ở Iraq và Afghanistan. Vào năm 2010 – 2011, WikiLeaks còn đăng tải những trao đổi ngoại giao mật khiến Chính phủ Mỹ và nhiều nước khác phải cảm thấy xấu mặt.

Kể từ năm 2010, Bộ Tư pháp Mỹ không từ một nỗ lực nào để bắt Julian Assange vào tù, và có lẽ là kết án ông chung thân. Năm 2019, Mỹ tuyên bố Assange với 17 tội danh về xâm phạm Luật Gián điệp 1917, với mức phạt tối đa là 170 năm tù. Từ năm 2019, Assange sống trong nhà tù Anh, đối mặt với việc bị dẫn độ đến Mỹ. Ông đã khiếu nại việc dẫn độ tới cả Tòa án Tối cao Anh và Tòa án Nhân quyền châu Âu. Vào ngày 28/11/2022, biên tập viên và các nhà xuất bản của những tờ báo hàng đầu của năm quốc gia phương Tây bao gồm The Guardian (Anh), New York Times (Mỹ), Der Spiegel (Đức) và El País (Tây Ban Nha) – gửi một lá thư kêu gọi Chính phủ Mỹ ngừng những cáo buộc với Assange.

****


Daniel Ellsberg phát biểu trong một phiên điều tra của Quốc hội Mỹ về tài liệu chiến tranh ngày 28/7/1971. Ảnh: AP

Vào năm 2013, một nhân viên hợp đồng tên là Edward Snowden làm công việc quản trị hệ thống máy tính cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Anh truy cập vào những tập tin tuyệt mật của NSA và thấy bất mãn về những gì mình đọc được. Anh bí mật tải về một lượng lớn các tài liệu và gửi cho một số nhà báo đồng ý viết về những gì phục vụ cho lợi ích của công chúng chứ không phải về những thông tin tuyệt mật có lý do chính đáng. Những tài liệu này tiết lộ những hoạt động của NSA hoặc là phạm pháp hoặc là bôi nhọ Mỹ, bao gồm việc theo dõi người Mỹ và nghe lén hội thoại của những lãnh đạo chính phủ ở Brazil và Đức.

Theo luật pháp Mỹ, NSA không có bất kì giới hạn nào trong việc theo dõi hoặc thực hiện các hoạt động bí mật với người nước ngoài ở ngoại quốc, bao gồm cả những công dân ở các quốc gia đồng minh, nhưng NSA bị cấm tùy tiện theo dõi người Mỹ. Trong phiên điều trần trước Quốc hội, một nhân viên an ninh cấp cao đã thề trước công chúng là NSA không đời nào thực hiện những hoạt động theo dõi như vậy. Nhưng thông tin tuồn ra ngoài của Snowden cho thấy đó rõ ràng là lời nói dối.

Để tránh bị Mỹ kết tội, Snowden bay sang Nga và được cấp visa tị nạn chính trị và sống ở đó từ năm 2013. Nếu trở lại Mỹ, anh sẽ phải đối mặt với tòa tán và phải vào tù. Trong khi đó, anh vẫn nhận rất nhiều giải thưởng quốc tế, đặc biệt là từ Đức, cho sự can đảm tiết lộ sự thật về các hoạt động của NSA.

***

Jacob Appelbaum trở nên nổi tiếng với vai trò là một nhà báo điều tra tự do và một chuyên gia an ninh máy tính chuyên hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận. Chính điều này đã hướng anh trở thành thành viên chủ chốt của dự án Tor (một trình duyệt cho phép người dùng ẩn danh online). Anh cũng nhiệt tình cộng tác với WikiLeaks trong việc phân tích và xuất bản các thông tin từ tài liệu của Snowden. Anh có tri thức mà hầu hết các phóng viên đều không có để giúp anh giải mã và giải thích vai trò và ý nghĩa của những chi tiết kĩ thuật.

Vào năm 2014, Appelbaum nhận giải thưởng cao nhất về báo chí của Đức trong loạt bài trên Der Spiegel về việc NSA nghe lén các cuộc hội thoại trên điện thoại cá nhân của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tiết lộ này dẫn đến sự nứt vỡ ngoại giao giữa Đức và Mỹ.

Tôi gặp Appelbaum ở Seattle vào đầu năm 2013. Anh lúc đó chuẩn bị rời Mỹ để sống lưu vong tại Đức. Anh nói với tôi rằng chính quyền Mỹ liên tục quấy rối anh, đe dọa anh, nhắm vào các tài khoản online của anh và tịch thu máy tính của anh khi anh trở về nhà từ những chuyến đi nước ngoài, và họ nghi ngờ anh là nhân tố chính trong việc công khai những tài liệu của WikiLeaks. Anh nói với tôi rằng sự nghi ngờ đó là sai nhưng anh không nghĩ mình có đủ tự tin rằng anh sẽ có một phiên tòa công bằng nếu chính phủ khởi kiện. Những tuyên bố của các cơ quan Mỹ về anh đều ám chỉ rằng anh sẽ bị buộc tội giống như Assange theo Luật Gián điệp.

Khi sống ở Đức, Appelbaum học toán và an ninh ở Đại học Công nghệ Eindhoven dưới sự hướng dẫn của Daniel Bernstein, một trong những nhà mật mã học hàng đầu thế giới. Tháng ba năm vừa rồi, Appelbaum đã bảo vệ luận án tiến sĩ thành công. Tôi cũng là một thành viên trong hội đồng phản biện. Hơn 80 người tham dự buổi bảo vệ luận văn, được tổ chức online, bao gồm Laura Poitras (đạo diễn và nhà sản xuất phim tài liệu đoạt giải Oscar Citizenfour về Edward Snowden) và Daniel Ellsberg.


Những người phụ nữ Mỹ hóa trang như trong nhân vật của tiểu thuyết phản địa đàng “Truyện người Tùy nữ” của Magaret Atwood, để phản đối việc phi pháp hóa phá thai của tòa án tối cao Mỹ. Ảnh: stylist.co.uk

Sự hiện diện của Daniel Ellsberg ở buổi bảo vệ luận văn của Appelbaum là một hành động mang tính biểu tượng sâu sắc. Vào đầu những năm 1970, Ellsberg đóng vai trò quan trọng trong việc vận động những người phản đối chiến tranh Việt Nam. Ông là một nhà phân tích tình báo cho Tổ chức Rand, nơi đã giúp Bộ Quốc phòng Mỹ viết một tài liệu tuyệt mật về lịch sử sự can thiệp chính trị và quân sự của Mỹ vào Việt Nam từ năm 1945-1967. Tài liệu đó có tên là Báo cáo của Văn phòng Thư ký Đội đặc nhiệm Quốc phòng Việt Nam, nhưng thường được biết đến với cái tên là Hồ sơ Lầu Năm góc (Pentagon Papers). Sau khi hoàn thiện báo cáo này, Ellsberg quyết định rằng công chúng thực sự cần phải biết về lịch sử này. Ông đã tuồn báo cáo này cho tờ Washington PostNew York Times.

Hồ sơ Lầu Năm góc này tiết lộ rằng Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson đã lừa dối một cách có hệ thống người dân Mỹ về ý định của họ, và bí mật bành trướng xâm lược ở Đông Nam Á bao gồm đánh bom ở Lào, Campuchia và tấn công dọc bờ biển Việt Nam. Nó chỉ ra rằng năm đời Tổng thống Mỹ (Truman, Eisenhower, Kennedy và Johnson) đã đánh lạc hướng công chúng về những gì họ làm ở Việt Nam.

Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội Ellsberg vì tội gián điệp và một loạt các tội danh nghiêm trọng khác, nhưng thẩm phán trong vụ án đã phủ quyết toàn bộ cáo buộc khi người ta phát hiện ra một vụ bê bối cho thấy Tổng thống Nixon và bộ sậu của ông đã muốn can thiệp vào kết quả của vụ xét xử. Sự can thiệp đó phi pháp một cách chấn động khiến nó đóng vai trò quan trọng khiến Nixon bị luận tội và phải buộc từ chức năm 1974.

Ellsberg giờ đã 91 tuổi. Sự hiện diện của ông ở buổi bảo vệ luận văn tiến sĩ của Appelbaum như một biểu tượng về sự kiên định với một mục tiêu từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ thời kì lịch sử này đến thời kì lịch sử khác. Ellsberg cũng ủng hộ Assange và Snowden, những người trong mắt ông là các đồng đội cùng vật lộn đấu tranh cho quyền được biết của công chúng về những gì chính phủ đang làm.

***

Trong các quốc gia tư bản, nhiều khi động cơ lợi nhuận cản trở việc triển khai những chính sách về trách nhiệm xã hội. Chẳng hạn, ngành khai thác năng lượng hóa thạch vô cùng quyền lực ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, tới mức đã cản đường hoặc làm thụt lùi các nỗ lực chuyển sang những nguồn năng lượng bền vững hơn. Tương tự hơn, ngành xuất bản giờ đây là do chỉ một số ít các tập đoàn khổng lồ kiểm soát, hiện đều đang công khai hoạt động kinh doanh trên sàn chứng khoán. Họ phải tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn để thỏa mãn những nhà đầu tư. Nhóm lãnh đạo điều hành các công ty này lấy động lực làm việc không phải vì tình yêu với sách mà vì tình yêu với tiền.

Kết quả là giá của mỗi cuốn sách, đặc biệt là sách giáo trình, đắt quá mức. Đúng là sách điện tử thì thường có giá “mềm hơn” nhưng hầu hết mọi người muốn đọc sách giấy, đặc biệt là sách phi hư cấu. Bởi vậy, các công ty vì lợi nhuận kiểm soát nền xuất bản và kết quả là giá sách cao là một lực cản cho việc phân phối tri thức tới công chúng.

Ở buổi đầu sự nghiệp là một nhà toán học vào những năm 1970, tôi muốn gây dựng một thư viện toán với những cuốn sách viết bởi những nhà toán học hàng đầu trong lĩnh vực của mình. Vì tôi biết tiếng Nga và có cơ hội được học ở Moscow, tôi mua rất nhiều sách tiếng Nga dịch từ sách của các nhà toán học Mỹ, Anh và Pháp. Những cuốn sách dịch đấy rẻ hơn rất nhiều (ít hơn 1/10) giá sách gốc ở Anh hay Pháp. Chính phủ Xô viết trợ cấp rất nhiều cho việc xuất bản sách, bởi sách – không khác gì thức ăn hay nhà ở – cũng được trợ cấp mạnh mẽ – được coi như những nhu cầu thiết yếu của người dân.

Giá sách, đặc biệt là sách giáo trình, ở Mỹ đã tăng kinh ngạc kể từ những năm 1970. Một cuốn sách cho một khóa học khoa học thường có giá hơn 100 USD. Nhiều năm trước, đại học của tôi yêu cầu các sinh viên sắp nhập học dành ra trung bình mỗi năm 1.200 USD cho giáo trình. Giờ đây thì số tiền đó có giảm đi – khoảng 900 USD – nhưng là do sự sẵn có của sách điện tử và nhiều giáo sư đã cố gắng để lựa chọn các nguồn học liệu có thể cung cấp miễn phí cho sinh viên

***

Ở Mỹ, những cuộc tấn công vào quyền được biết của công chúng nhiều khi xuất hiện theo cách thức rất bất ngờ. Gần đây, Tòa án Tối cao Mỹ, mà các thành viên chủ yếu theo phe cánh hữu, điều hành các bang có quyền coi phá thai là phạm tội. Hiện tại, vấn đề xung đột này giữa các “bang đỏ” (các bang điều hành bởi những người cực hữu của Đảng Cộng hòa) và các “bang xanh” (các bang điều hành bởi Đảng Dân chủ) đang trở nên nóng bỏng hơn bất kì xung đột nào giữa hai phe kể từ Thời kì Nội chiến (1961-1965). Trong các bang đỏ, các bác sĩ sản khoa và phụ khoa không chỉ bị cấm thực hiện các thủ thuật phá thai mà còn thường từ chối điều trị những bệnh nhân nữ bị sảy thai vì họ sợ bị buộc tội phá thai bất hợp pháp. Luật pháp ở nhiều bang đỏ không chỉ tội phạm hóa việc phá thai mà còn tội phạm hóa bất kì nỗ lực nào thông tin cho phụ nữ về việc làm sao để tiếp cận dịch vụ ngừng thai ở giai đoạn đầu an toàn thông qua các nhà thuốc online và làm sao để tìm kiếm hỗ trợ di chuyển tới nơi cung cấp dịch vụ đình chỉ thai nghén ở giai đoạn sau, tại những bang bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ. Kết quả của những điều luật này là, nếu một phụ nữ sống tại bang đỏ có thai và gặp những biến chứng có thể gây nguy hiểm cho mạng sống của mình, cô ấy không thể tiếp cận kịp thời những thông tin làm sao để tiếp cận những dịch vụ y tế bảo vệ tính mạng của mình, chỉ vì người ta sợ sẽ bị buộc tội vì cung cấp cho cô những thông tin đó.

Tôi mở đầu bài viết với một câu chuyện đầy bi kịch về sự kết án của Chính phủ Mỹ đối với một nhà phát triển Internet tài năng và nhà hoạt động đấu tranh cho quyền tự do thông tin. Nhưng thứ bi kịch hơn cái chết của một chàng trai đầy sáng tạo và lý tưởng sẽ là cái chết của rất nhiều phụ nữ Mỹ chỉ vì luật pháp của bang họ sống cấm họ tiếp cận thông tin về đình chỉ thai nghén. Trong trường hợp này, quyền được biết của công chúng gắn chặt với quyền con người của phụ nữ.□

Hảo Linh dịch

Oldest comments (0)