Hơn 40 năm từ ngày bỏ phiếu khai trừ năng lượng hạt nhân ra khỏi hỗn hợp năng lượng, Thụy Điển hiện đang tìm cách xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân sau khi quốc hội nước này chính thức từ bỏ mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2045.
Ngày 20/6, quốc gia này đã sửa đổi các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thành 100% “phi hóa thạch”. Chính phủ cánh hữu tạo điều kiện đưa năng lượng hạt nhân trở lại cơ cấu năng lượng của đất nước.
Phát biểu trước quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Elisabeth Svantesson khẳng định, “chúng ta cần sản xuất nhiều điện hơn, cần điện sạch và cần một hệ thống năng lượng ổn định.”
Các nhà quan sát cho biết, quyết định trên ngầm thừa nhận chất lượng thấp và không ổn định của điện gió và mặt trời, đồng thời cho thấy phần nào sự sụp đổ niềm tin vào chương trình nghị sự về năng lượng tái tạo do các nước Bắc Âu và Đức tiên phong.
Tại Anh, nhóm vận động hành lang Net Zero Watch – từng mô tả các lộ trình về phát thải 0 ròng của các quốc gia phương Tây là không tưởng và không bền vững – đã hoan nghênh động thái này. Những tuần gần đây, nhóm chỉ trích Ngân hàng Anh bởi khoản chi 150.000 bảng để đo lượng khí thải cácbon của tờ tiền nhựa (plastic bank notes).
Họ cho rằng các kế hoạch phát thải 0 ròng do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hình dung, vốn dĩ là cơ sở cho các nỗ lực đạt tới số 0 ròng của chính Canada, “tốn kém một cách nguy hiểm và sẽ dẫn đến giảm mức sống của tất cả mọi người (ngoại trừ những người giàu nhất), cũng như gây ra những yếu kém, bất ổn xã hội và cuối cùng là thất bại trong nỗ lực khử cacbon.”
Từ đây, Thụy Điển đã đi đến kết luận hợp lý duy nhất.
Tiến sĩ John Constable, giám đốc năng lượng của NZW chia sẻ, là láng giềng với Nga, người dân Thụy Điển không chỉ mong được gia nhập NATO, mà còn muốn nền kinh tế của họ có thể trông cậy vào nguồn năng lượng hạt nhân lành mạnh và an toàn về mặt vật lý, khác hẳn với năng lượng tái tạo.
“Hiện tại, chính phủ Vương quốc Anh tiếp tục sống trong ảo mộng do chính họ tạo ra, nhưng chúng ta đang đi đến hồi kết của giấc mơ xanh”.
Ông nói thêm, Vương quốc Anh có mọi lý do để theo bước Thụy Điển, thậm chí nên tiến xa hơn nữa bằng việc tăng cường sử dụng khí đốt tự nhiên. Các chính sách khí hậu hiện tại của Vương quốc Anh là không tưởng, thông tin nghèo nàn và gần như chắc chắn sẽ không mang lại lượng khí thải 0 ròng vào năm 2050 hoặc không bao giờ đạt được. Hơn nữa, còn có nguy cơ cao gây ra thiệt hại xã hội sâu sắc và không thể đảo ngược.
Ông Constable đưa ra đề xuất về 1 hệ thống khí đốt hạt nhân (gas to gas-nuclear system), tháo gỡ các nút thắt về chi phí khổng lồ do các cơ sở năng lượng tái tạo hiện đang khánh kiệt, cứu trợ người tiêu dùng ngay lập tức. Ngoài ra, ông có 1 đề xuất nữa xây dựng nhanh tuabin khí chu trình kết hợp các-bon thấp (low-carbon combined cycle gas turbine) tại các địa điểm hiện có, sử dụng thế hệ hạt nhân mới – lò phản ứng mô-đun nhỏ ở Anh.
Điều này mang lại những bài học quý giá cho Canada – quốc gia vừa đưa ra lộ trình về phát thải 0 ròng vào tháng 6 dựa trên số liệu của IEA, giảm 75% nhiên liệu hóa thạch, trong đó cắt giảm 60% khí đốt tự nhiên và giảm 83% sản lượng cát dầu.
Theo NWZ, với lượng dân số nhỏ ở một quốc gia lớn như Thụy Điển, việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, và dựa vào hạt nhân, thủy điện và sinh khối là khả thi, nhưng Vương quốc Anh và các nền kinh tế công nghiệp hóa đáng kể khác cần phải đối mặt với thực tế và hiểu rằng chỉ có con đường khí đốt hạt nhân (gas to nuclear) là khả thi để duy trì công nghiệp hóa và cạnh tranh.
Phạm Thị Thu Trang/VINATOM
Latest comments (0)