Tôi thấy nhiều anh có tư duy khá kỳ quặc và buồn cười. Các anh luôn muốn lương cao, thăng tiến tốt, oai phong nhưng lại rất ngại việc và lười nâng cấp bản thân. Bạn tôi đăng tin tuyển dụng leader tầm trung, lương 30tr/tháng chưa tính thưởng. Tôi giới thiệu cho một anh bạn đang thất nghiệp thì anh gạt đi và bảo: “Làm làm gì? Kiểu đấy là chỉ có tuyển về để dọn shit thôi. Chắc là nát như tương rồi, đội nhóm không ra gì, ngu gì mình đâm đầu vào”. Tôi khá kinh ngạc và thầm nghĩ: “Không lẽ ông mong đợi họ tuyển ông về để lead một đội quân tinh nhuệ, ngồi chơi xơi nước, đến ngày là lĩnh lương, thưởng?”.
Tôi nhớ nhiều năm về trước, khi tôi chân ướt chân ráo được điều động từ tỉnh về trụ sở công ty thì chi nhánh ở đó cũng đang trong tình trạng ngắc ngoải mà chị lead cũ của tôi vẫn đùa là “đang đợi giải thể”. Quả thực nó rất bết bát: nhân sự từ lead đến nhân viên thường không trụ được quá thời gian thử việc, có anh vừa vào giai đoạn làm quen với văn hóa công ty đã té rồi; khách hàng thì gọi điện phàn nàn từ sáng đến tối, có ông nhà gần còn kéo họ hàng qua làm ầm ĩ suốt ngày. Tôi lúc đó vừa hết giai đoạn thử việc ở bộ phận quản lý chất lượng và chăm sóc khách hàng, vẫn hưởng mức lương 4 triệu/tháng gì đó như hồi ở tỉnh nhưng phải kiêm từ training lại quy trình làm việc cho cả quản lý mới lẫn nhân viên mới và cũ, đến các thao tác trên phần mềm quản lý công việc cho cả kế toán, rồi nâng cấp chất lượng từ bộ phận đào tạo đến chăm sóc khách hàng, từ các báo cáo hàng tuần đến kế hoạch hoạt động cả tháng cho tất cả các phòng ban, thất thoát tài sản từ thời kỳ cũ tôi cũng bị đè ra chịu nốt. Có rất nhiều thứ tôi không biết, nhưng tôi vừa làm vừa hỏi các đồng nghiệp ở tỉnh. Một trong những thành tựu của tôi là anh khách mặt lúc nào cũng hầm hầm như muốn đấm nhau, mỗi lần anh đến là anh dọa gọi chính quyền, quản lý của tôi thấy bóng anh là né mọe vào phòng điều hòa ngồi uống nước, đẩy tôi ra ngồi nghe anh khách xỉ vả. Về sau chính anh khách này lại trở thành khách hàng trung thành và dài hạn của tôi. Hồi đó tôi chỉ nghĩ mình đi hỗ trợ văn phòng tổng, nhanh nhanh chóng chóng dẹp yên mọi thứ để được về nhà. Nhưng cuối cùng thì tôi được các CEO ưu ái nhấc lên vị trí quản lý.Tuy nhiên do có một vài mâu thuẫn với một số bộ phận nên tôi đã xin nghỉ sau khi chi nhánh đã hoạt động ổn định và luôn đạt top doanh số.
Một kỷ niệm khác của tôi cũng nhiều mồ hôi và nước mắt không kém là quản lý team sale. Ngày tôi vào thì công ty không cung cấp gì cho tôi cả. Tôi phải tự mình tuyển dụng, tự xây dựng đội nhóm, tự hoạch định các chiến lược đạt doanh số. Thực ra sale không phải chuyên môn của tôi, chỉ là tôi muốn thử sức mình ở một lĩnh vực mới, và cũng muốn hoàn thiện một số kỹ năng bán hàng. Vừa đào tạo nhân viên mới, vừa gánh doanh số của team, có lúc tôi stress đến không muốn mở mắt ra để đi làm. Dẫu vậy tôi vẫn luôn duy trì suy nghĩ: doanh nghiệp họ bỏ tiền thuê mình thực chất là để mình làm những việc khó khăn như vậy. Nếu mình vượt qua được, mình sẽ trưởng thành và nhiều cơ hội khác sẽ rộng mở phía sau; còn nếu mình từ bỏ, thì khả năng của mình mãi mãi dừng lại ở phía trước của khó khăn đó. Mặc dù kết quả rất tốt – tôi thường đứng trong top 5 hoặc 10 sale của công ty – và là đối thủ sale đáng gờm của đồng nghiệp với tỷ lệ chốt khách hơn 90%, nhưng tôi cũng nghỉ sau một năm chinh chiến để trở lại với chuyên môn của mình.
Có lẽ giờ kiếm tiền nhờ lừa đảo, livestream và lập các kênh trên các nền tảng dễ quá nên con người có xu hướng ngại khó. Quản lý nhìn thì oai vậy, nhưng công việc vất vả và nhức não hơn nhân viên rất nhiều. Vừa phải đảm bảo doanh số và triển khai chỉ đạo của sếp tổng, lại vừa phải tạo động lực và bảo vệ quyền lợi cho nhân viên tuyến dưới, vừa phải đối diện với các ca đẻ mà nhân viên không đỡ nổi, lại vừa phải nghĩ ra các hướng đi mới do thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhưng thật ra cái gì cũng có giá của nó cả. Nếu ta làm được thứ người khác không làm được, thì ta mới có được thứ người khác không có được, vậy thôi.
Top comments (3)
giờ thị trường toàn bố của lười lao động, thích ngồi mát ăn bát vàng. Còn một số thành phần thì có kỹ năng nhưng cũng chán chả buồn làm - cứ phải trả giá thật cao thì các cụ ấy mới chịu mở mồm đọc lời tuyên thệ :)) mà đó là đọc vậy thôi, chứ công ty và sự nghiệp như nào các cụ ấy cũng cóc thèm care, ấm thân là sướng rồi. Suy thoái nguồn nhân lực đang rất rõ ràng.
thôi buồn làm gì ... thực ra cái quan trọng nhất là động lực. Tiền cũng là một động lực nhưng không phải là tất cả. Có người thích challenge, có người thì chỉ muốn tiền, có người đan mê công nghệ, công việc. Lười lao động + thích ngồi mát ăn bát vàng mà pass được phỏng vấn thì hoặc là người ta có trình độ cao thật mà công ty chưa khai thác hết hoặc khai thác đúng chỗ, hoặc hiring process có vấn đề.
Việc nhẹ lương cao nghe có vẻ hay ho nhưng thực chất nó giống như con chuột trong hũ gạo. Hết gạo thì không thoát được khỏi hũ rồi chết thôi
Chuyện leader / leading nó còn nhiều góc khác nhau, còn yếu tố về tổ chức, về môi trường làm việc. Bài viết đang viết theo hướng là chấp nhận tradeoff - nghĩa là chịu khổ cực để rèn luyện bản thân để có ngày vươn cao hơn. Ai cho anh làm lead ? muốn được lên leader thì hãy làm công việc của leader ngay từ khi chưa làm leader.
hình tượng chuột trong hũ gạo hay quá anh ơi