Hội trà đá 8

Cover image for "Bố mẹ không hiểu con..."
Peaceful Corner
Peaceful Corner

Posted on

"Bố mẹ không hiểu con..."

Dạo này mới hết mấy hợp đồng nên tôi lại bận rộn với những dự án mới. Hôm trước tôi có buổi thảo luận ngắn với một nhóm trẻ tuổi teen. Có hai tâm sự khiến tôi khá suy nghĩ:
“Bố con rất nóng tính và rất hay nổi giận vô cớ với con. Con cũng hiểu là bố đi làm cả ngày rất mệt. Có lẽ nổi giận với con cũng là một cách để bố giải toả những căng thẳng của mình”. (Kèm theo lời tâm sự này là một tiếng thở dài và một cái nhún vai khá ảo não).
“Mẹ con rất hay phán xét. Con chưa nói hết câu mẹ con đã ngắt lời con và phê phán, càm ràm rồi. Mẹ không bao giờ chịu lắng nghe con và chưa bao giờ hiểu con”.

Nghe xong những lời này, tôi bị chững lại mất đôi phút. Tôi có đưa ra một số lời giải thích cho các bạn nhỏ rằng: “Đợi đến hôm nào đó bố được nghỉ, con hãy nói chuyện nghiêm túc với bố; hãy thể hiện cảm xúc của mình để bố mẹ hiểu. Người lớn rất phức tạp, họ không đơn giản như các con: lúc buồn thì nghe nhạc, tám chuyện với bạn bè là thoải mái, dễ chịu. Người lớn họ có nhiều vấn đề phải lo nghĩ như công việc, tiền bạc, gánh vác gia đình. Cũng rất tốt khi các con biết thông cảm với bố mẹ mình. Tuy nhiên, là người một nhà, chúng ta nên thẳng thắn trò chuyện, chia sẻ. Nhà là nơi để yêu thương, không phải là nơi để trút giận”...

Có một ngày, khi tôi đang vùi đầu vào những tài liệu ngổn ngang thì cậu con trai 6 tuổi của tôi đến hỏi: “Mẹ ơi, mẹ kiếm được bao nhiêu tiền? Trong lợn đất của con có tiền, con cho mẹ hết. Mẹ chơi với con được không? Mẹ xem tiền đó có đủ không?”. Tôi giật mình vì tôi chưa bao giờ đọc cho con nghe về câu chuyện chú bé dùng tiền của mình mua một ngày làm việc của bố.

Cuộc sống ngày nay nhiều áp lực hơn ngày xưa là sự thật. Từ deadline công việc, đến đối thủ cạnh tranh, đến cơm áo gạo tiền, đến yêu cầu ngày càng cao của lĩnh vực ta đang theo đuổi, khát vọng thăng tiến, rồi đến bạn bè trước đây giờ đều thành đạt, “con nhà người ta” cứ nhan nhản quanh ta, đến bảng điểm của con cái không như ta mong đợi… Mọi thứ như chỉ trực chờ để úp vào đầu ta những mệt mỏi, căng thẳng. Nhưng những đứa trẻ không lựa chọn được sinh ra, mà do chúng ta lựa chọn sinh ra chúng. Chúng ta đi làm không phải cũng để cho con cái chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn hay sao?

Tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh, và chúng ta có lẽ nên sống chậm lại trước khi kịp nhận ra khoảng cách đã trở thành thói quen…

Top comments (4)

Collapse
 
polkadotman profile image
Polka-dot man

nhà các bạn bọn nhỏ có tự chơi không? chúng nó có bạn chơi cùng không? và trò chơi của chúng nó là gì? Là điện tử, iPad hay xem phim TV? Có hoạt động nào healthy không? Xin chia sẻ!

Collapse
 
braveheart profile image
Peaceful Corner

Đó là một quá trình rất dài bác ạ. Xin chia sẻ chuyện nhà em:

  • Nhà em có 2 cháu, thường 2 cháu sẽ chơi với nhau. Nhưng trước khi chúng chơi thì em hướng dẫn (bày trò) chúng chơi và đặt quy định (chơi không được tranh cãi - tranh cãi hoặc đánh nhau sẽ bị phạt, mỗi đứa một dụng cụ chơi. Nếu phải chơi chung thì theo lượt, 15 hoặc 20 phút thì phải đổi vai).
  • Nếu chơi trong nhà chán, 2 anh em sẽ qua nhà hàng xóm chơi hoặc đạp xe trước cửa nhà. Nếu chán rồi thì lúc con về muốn chơi với em, em sẽ tuỳ tính chất công việc lúc đó mà dừng lại để chơi cùng con hoặc giải thích là công việc đang rất gấp, đợi mẹ làm xong mẹ sẽ chơi cùng hoặc cho đi khu vui chơi. Thường em sẽ áng chừng thời gian và đúng thời gian đó sẽ chơi cùng con hoặc cho con ra công viên, nhà bóng, cafe chơi. Em rất hạn chế việc thất hứa, nếu có sự việc bất khả kháng phải thất hứa, em đều chủ động báo trước với con.
  • Lúc nào rất mệt mỏi hay tức giận, em đều nói luôn với các con là: Hôm nay mẹ mệt/công việc mẹ không như ý... (thường đi kèm lý do vì sao để con hiểu mình đang mệt hoặc tức giận thật). Con em nó sẽ hỏi han thêm mấy câu, em cũng đều trả lời theo kiểu chia sẻ. Con cái thật sự có thể là bạn bè. Em luôn kể câu chuyện công việc, bạn bè một cách đơn giản hoặc lấy ví dụ gần gũi với con để con hình dung được mức độ cảm xúc của mình. Và giờ nó cũng hành động y chang luôn. Em hỏi nó "Con ở trường thế nào?". Nếu muốn kể nó sẽ kể, nếu không muốn kể nó sẽ bảo "Hôm nay con mệt, con chưa muốn kể đâu mẹ ạ". Em sẽ tươi cười bảo nó "Ok con. Vậy con nghỉ ngơi cho hết mệt, lúc nào muốn kể thì gọi mẹ nhé".
  • Các trò mà em thường cho con chơi: vẽ tranh, đọc sách - báo, lego, cờ vua, stickers, phấn vẽ nền trước cổng, gấp giấy, sơn móng tay, robot, búp bê, bán hàng, và khá nhiều đồ chơi để tránh xa các loại màn hình.
  • Đối với các thiết bị điện tử, thường em sẽ hạn chế thời gian sử dụng. Em tải một số phần mềm giáo dục, vừa học vừa chơi. Lúc nào thật sự cần sự hỗ trợ của các thiết bị này, em sẽ để con chơi các phần mềm đó. TV thì chỉ được sử dụng 1 ngày/tuần.
Collapse
 
polkadotman profile image
Polka-dot man

anh dạo trước thoải mái cho bọn nhỏ chơi điện tử và xem youtube, giờ đang siết lại một tí để các con dành nhiều thời gian quan tâm đến những thứ xung quanh hơn. Với lại cũng áp dụng game hóa một tí và dùng điện tử, quà tặng để làm động lực cho các con học tập :D chẳng biết có duy trì được lâu không.

Thread Thread
 
braveheart profile image
Peaceful Corner

Ngày xưa bạn lớn nhà em xem nhiều quá, bị chậm nói (em cũng chia sẻ ở một topic khác rồi) nên em sợ mấy cái đồ điện tử. Nói chung, làm bố mẹ thời nay thật sự khó bác ạ.