Ngày 23/6/2023, Yevgeny Prigozhin, ông chủ của công ty quân sự tư nhân Wagner (Wagner PMC) đã cáo buộc Bộ quốc phòng Nga đã tấn công bằng tên lửa vào các doanh trại của Wagner gây ra thiệt hại lớn về nhân mạng cho lực lượng này. Ngày hôm sau, các lực lượng của Wagner đã tiến vào Rostov, chiếm trụ sở của quân khu Tây Nam của quân đội Nga tại Rostov trên sông Don và sau đó đã tiến về Voronozeh, thành phố nằm ở giữa Rostov và Moscow. Đáp lại lời kêu gọi của tướng Surovikin, tướng lĩnh Nga duy nhất mà Prigozhin luôn nói những điều tốt đẹp khi nói tới, và tổng thống Putin kêu gọi lực lượng Wagner quay về doanh trại và thương thuyết giải quyết hòa bình các bất đồng thì Prigozhin đã tuyên bố không tuân lệnh. Quân Wagner đã bắn hạ một trực thăng Mi-35 và một máy bay chỉ huy IL-22M trên không của quân đội Nga. Cũng đã có những video cho thấy trực thăng Ka-52 của không quân Nga bị quân Wagner bắn bằng tên lửa vác vai nhưng đã dùng mồi nhiệt tránh được. Các sự kiện trên khiến cho tôi tạm ngắt mạch loạt bài Path to War để viết về Wagner.
1. Sự ra đời của Wagner
Nói một cách ngắn gọn, Wagner ra đời vào năm 2014 sau khi cuộc chiến tại hai nước cộng hòa ly khai Luhansk và Donetsk tại Ukraine bùng nổ. Trước đó, trong các trận đánh giữa quân đội Nga và quân đội Ukraine, phía Ukraine đã bắt được một số quân nhân chính quy của quân đội Nga chiến đấu cho phía Luhansk và Donetsk với đầy đủ giấy tờ và các bằng chứng khác. Cùng thời gian này, lãnh đạo các lực lượng quân sự của 2 nước cộng hòa ly khai là các sỹ quan của tình báo quân đội Nga mà nổi bật nhất là Igor Strelkov, đại tá tình báo quân đội Nga và là bộ trưởng quốc phòng của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk, hay Olgar Kulygina, trung tá tình báo quân đội Nga. Trong ảnh dưới đây là Igor Strelkov khi là bộ trưởng quốc phòng và Olgar Kulygina trong những ngày nổi dậy đầu tiên ở miền Đông. Ảnh chụp Kulygina trên đường phố Slovyansk khi những cuộc đụng độ đầu tiên xảy ra. Cả 2 người này đều rời khỏi tổng cục tình báo quân đội Nga một thời gian rất ngắn trước khi sang Ukraine chiến đấu với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, việc họ tổ chức các đội quân của 2 nước cộng hòa ly khai kết hợp với quân đội chính quy của Nga trong các trận đánh lớn đánh bại quân Ukraine như Debaltseve khiến cho mọi người đều tin rằng họ thực ra vẫn là các sỹ quan của tổng cục tình báo quân đội Nga.
Tuy nhiên, khi các sỹ quan tình báo như Strelkov trở nên độc lập và trở nên không nghe lời Moscow đặc biệt trong việc thực hiện các thỏa thuận Minsk thì những người này lần lượt bị thay thế. (Lý do những sỹ quan này không nghe lời Moscow vì họ không tin rằng Ukraine sẽ thực sự thực hiện thỏa thuận Minsk và họ cho rằng sau khi quân đội Ukraine đã đại bại ở Debaltseve thì cần phải tiến đến tận sông Dnieper).
Để tránh lặp lại việc các binh lính chính quy Nga bị Ukraine bắt làm tù binh và để kiểm soát các sỹ quan hoạt động tại Ukraine, Wagner đã được sử dụng. Các quân nhân Nga khi được cử sang chiến đấu ở Ukraine sẽ rời khỏi quân ngũ và ký hợp đồng với Wagner. Nếu bị bắt, họ sẽ là nhân viên của một công ty quân sự tư nhân. Các quân nhân tham gia Wagner giai đoạn này đa số là các binh sỹ, sỹ quan Nga thuộc các lực lượng đặc nhiệm, được đào tạo tốt và họ là nòng cốt, bộ xương sống cho các đơn vị chủ yếu là người tình nguyện tại hai nước cộng hòa ly khai. Từ năm 2014 tới 2022, người đứng đầu Wagner chính thức là Dmitry Utkin, một sỹ quan của lực lượng đặc biệt thuộc tổng cục tình báo quân đội Nga. Chỉ tới tháng 9/2022 thì Yevgeny Prigozhin mới chính thức nhận là người sáng lập Wagner từ năm 2014.
2. Wagner tham gia vào các hoạt động ở nước ngoài
Khi Nga can thiệp vào Syria năm 2015, Wagner đã có mặt ở chiến trường này để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu thay cho quân đội Nga. Quân đội Nga lúc này chỉ tham chiến trực tiếp bằng lực lượng không quân còn huấn luyện lực lượng của quân đội chính phủ Syria và trực tiếp chiến đấu là Wagner. Vào thời điểm này, hầu hết nhân lực của Wagner là các cựu sỹ quan và chiến sỹ thuộc lực lượng tình báo, đặc nhiệm của Nga. Chỉ trong năm 2017, lực lượng Wagner đã giải phóng một diện tích lớn của Syria. Diện tích này bằng 50% toàn bộ diện tích mà chính phủ Syria với sự hỗ trợ của Nga đã chiếm được trong suốt thời gian từ 2015 tới nay. Năm 2017 là năm là tướng Surovikin là tổng chỉ huy quân đội Nga tại Syria. Sự hỗ trợ của ông đối với Wagner đã khiến cho Wagner đạt được thành tích trên và đó cũng là lý do mà ông luôn luôn được Prigozhin nói tốt trong khi nhiều tướng Nga cao cấp khác – từ bộ trưởng quốc phòng tới tổng tham mưu trưởng đều bị mạt sát.
Tại Syria, Wagner được chính quyền Syria cho phép được hưởng một phần sản lượng dầu mỏ được khai thác từ các mỏ mà Wagner giải phóng được. Nguồn tiền này đã tạo ra một khoản tài chính dồi dào cho Wagner và khiến cho lực lượng này tự chủ hơn trong việc đầu tư vào việc tuyển dụng các nhân sự có kỹ năng, trình độ chiến đấu cao và mua sắm các trang thiết bị quân sự hiện đại. Khi tiến vào Syria, quân đội Nga đã có những thỏa thuận với quân đội Mỹ về việc tránh nổ ra xung đột quân sự giữa hai bên cách cách tạo ra một số ranh giới giữa quân đội hai bên. Thành phố Khasham nằm trên một trong những đường ranh giới đó (theo đó con sông Euphrates chia đôi thành phố với bờ Đông nằm trong tay Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ ủng hộ và ở bờ Tây là lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ Syria nhưng lại do Iran tài trợ. Ở phần bờ Đông thuộc lực lượng thân Mỹ có nhà máy lọc dầu Conoco, nhà máy lọc dầu lớn nhất ở Syria. Lực lượng dân quân do Iran tài trợ muốn chiếm nhà máy lọc dầu và các mỏ dầu xung quanh bên bờ Đông. Họ đề nghị và được Wagner chấp nhận giúp đỡ. Tuy nhiên, quân đội Nga không đồng ý với cuộc tấn công này vì điều này không đúng với thỏa thuận đã có giữa quân đội Nga và Mỹ và có thể gây ra xung đột vũ trang trực tiếp giữa quân đội hai bên. Song, vào thời điểm này, Surovikin, người được Wagner tôn trọng đã về nước, nên giữa Wagner và Bộ tư lệnh viễn chinh Nga đã không tìm được tiếng nói chung. Để phát động trận đánh, Prigozhin đã nói với chỉ huy của quân đội Syria rằng ông đã có sự cho phép từ Moscow. Tuy nhiên, sau này không ai biết người cho phép Prigozhin là ai. Với sự khẳng định của Prigozhin như vậy và sự thân cận của ông ta với tổng thống Putin, chính quyền Syria đã bật đèn xanh cho lực lượng dân quân do Iran tài trợ cùng Wagner tấn công sang bờ Đông sông Euphrates.
Lực lượng Mỹ có mặt tại nhà máy lọc dầu đã liên lạc với Bộ tư lệnh quân viễn chinh Nga về việc người Nga vi phạm thỏa thuận về tránh xung đột. Bộ tư lệnh quân viễn chinh Nga đã trả lời người Mỹ rằng họ không thực hiện cuộc tấn công và cũng không cho phép cuộc tấn công đó xảy ra. Với lời khẳng định này từ phía Bộ tư lệnh Nga, người Mỹ đã dội hỏa lực dữ dội lên lực lượng tấn công. Theo ước tính của các bên thì số lượng binh lính Wagner chết trong trận này là khoảng 20 người (vì lực lượng Wagner không trực tiếp tham gia đội hình tấn công mà chỉ tổ chức hoạt động phối hợp thông tin, hỏa lực cho lực lượng thân chính phủ Syria). Tuy nhiên, sau này, vào tháng 4/2023, trong thời gian Wagner thiếu đạn pháo tại Bakhmut, Prigozhin đã kể lại câu chuyện trận đánh ở Khasam trên kênh Telegram của mình và nói rằng hơn 200 chiến binh Wagner đã bị tử trận do sự hèn nhát của Bộ tư lệnh Nga tại Syria. Trong câu chuyện của mình, ông đã lờ đi việc Wagner đã không theo lệnh của Bộ tư lệnh Nga và thực chất đã tham chiến vì lợi ích kinh tế của mình (được chia nguồn dầu mỏ nếu chiếm được). Về bản chất đây là một hành động vì lợi ích riêng nhưng có thể đẩy cuộc xung đột lên một mức cao – đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ trên đất Syria. Và Wagner đã sử dụng tư cách một công ty tư nhân của mình để làm việc này mà không bị Bộ tư lệnh Nga cản trở. Sau sự việc này, chính phủ Nga cũng không có hành động nào đối với Prigozhin vì họ ở thế khó là đã chính thức tuyên bố từ trước đó là họ không điều khiển Wagner và công ty này là hoàn toàn tư nhân, hoạt động theo quyết định của chính họ.
Sau Syria, Wagner đã có mặt ở nhiều nước châu Phi với vai trò bảo đảm an ninh cho các chính phủ ở đây. Châu Phi, trong gần 6 thập kỷ qua, kể từ khi được các đế quốc châu Âu trả lại độc lập thì hầu hết nền chính trị của các quốc gia ở đây vẫn bị châu Âu chi phối. Ở châu Phi, việc một chính phủ bị đảo chính, tổng thống bị giết bởi một vị đại tá, một vị tướng quân đội nào (với sự giật dây của các nước châu Âu) đã trở thành vấn đề thường như cơm bữa. Wagner, đã chấm dứt việc đó. Khi các chính phủ châu Phi thuê Wagner bảo đảm an ninh, các cuộc đảo chính đã không xảy ra và sự tác động của các nước châu Âu dần bị cắt giảm. Đổi lại cho dịch vụ an ninh của mình, Wagner được quyền khai thác các mỏ kim cương, mỏ vàng và các kim loại quý. Điều này tiếp tục tạo ra những nguồn lợi khổng lồ cho Wagner và mọi người đều không biết các nguồn thu được được sử dụng ra sao. Prigozhin, ngày hôm nay, trong một tin đăng trên Telegram đã tố cáo rằng những người quanh tổng thống Putin đã ăn chặn số tiền khổng lồ này của Wagner.
3. Tham chiến tại Ukraine
Tuy nhiên, sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, thì Wagner được Putin sử dụng ngày càng nhiều ở Ukraine. Trong suốt khoảng thời gian từ tháng 9/2022 tới nay, trong khi quân đội Nga tiếp tục huấn luyện cho hàng trăm ngàn binh sỹ mới tuyển của mình thì Wagner được sử dụng để tấn công vào Bakhmut để bào mòn lực lượng của Ukraine, không cho quân đội Ukraine ngừng nghỉ.
Tại Bakhmut, chúng ta thấy rằng Bộ tư lệnh Nga, sử dụng đội quân Wagner để thử nghiệm các phương thức chiến tranh mới nhằm tạo ra các chiến thuật mới cũng như khắc chế các chiến thuật của quân Ukraine và các cố vấn NATO đã bộc lộ trong chiến đấu.
Chúng ta thấy rằng, ở Mariupol, các đơn vị Chechen, để bảo vệ dân thường, đã phải chiến đấu theo cách dùng bộ binh dọn sạch từng tòa nhà, từng góc phố. Điều này mang lại thiệt hại cho những người tấn công. Ở Bakhmut, rất nhiều chiến thuật mới đã được đưa ra. Chúng ta thấy rằng địa hình thành phố Bakhmut được chia ra thành 2 phần khác biệt rõ rệt. Phần ở phía Đông, Bắc và Nam là các đường phố được xây dựng theo quy hoạch vuông vức như ô bàn cờ. Ở phía Tây là các tòa nhà cao tầng (sau này được gọi là “pháo đài”). Ở khu vực bàn cờ, quân Wagner đã tiến dần và chiếm từng ô. Do các đường phố rất thẳng và như ô bàn cờ nên họ thiết lập các điểm hỏa lực từ cả súng máy lẫn xe tăng để bắn dọc theo các đại lộ để chia cắt quân phòng thủ. Khi một đơn vị xung kích tiến lên nhằm vào một khu phố thì các điểm chốt hỏa lực này sẽ khống chế các con đường xung quanh để đảm bảo rằng khu phố đó sẽ bị cô lập và không được chi viện. Bằng việc tiến lên từ từ và cô lập từng khu phố, Wagner sẽ dồn những người phòng thủ vào một vài ngôi nhà và sau đó tiến hành dùng pháo hoặc bom lượn từ máy bay để phá hủy toàn bộ tòa nhà. Ở Bakhmut, người Nga cũng áp dụng chế áp điện tử và thiết lập hệ thống phòng không khiến cho các drone trinh sát của Ukraine gần như không bay quá được khỏi vị trí của họ 500 mét mà không bị bắn hạ. Trong khi đó, drone trinh sát của Nga gần như bay 24/24.
Prigozhin đã xung phong nhận việc hạ thành Bakhmut bằng lực lượng của riêng Wagner và ông ta đặt cược tất cả những danh tiếng mà Wagner đã xây dựng vào đó. Nếu thắng, đó sẽ là một chiến thắng rực rỡ cho Wagner, khi mà một đội quân tư nhân đánh bại một đội quân chính quy của một nước mà hơn nữa đội quân đó được NATO chi viện trực tiếp. Nếu Bakhmut bị chiếm bởi Wagner thì tất cả các quốc gia châu Phi sẽ nhìn vào Wagner không chỉ là một công ty cung cấp dịch vụ an ninh mà sẽ nhìn nó thực sự như là một đội quân. Nếu là một đội quân thì Wagner sẽ có vị thế đàm phán rất khác về tài chính với các chính phủ châu Phi.
Muốn chiến thắng ở Bakhmut, Prigozhin cần đạn dược, đặc biệt là đạn pháo, và quân. Vì cuộc chiến đã trở thành một cuộc chiến tranh vệ quốc sau khi 4 tỉnh mới được sáp nhập vào Nga, Wagner không thể giành giật với quân đội Nga các quân nhân đã qua thời hạn phục vụ nghĩa vụ với quân sự nên họ buộc phải tuyển dụng từ các nhà tù. Trong khi các quân nhân Nga được huấn luyện kỹ càng (thời gian huấn luyện ít nhất là 6 tháng) thì các tù nhân có thời gian huấn luyện ít hơn nhiều trước khi ra trận. Việc Ukraine quyết cố thủ Bakhmut, việc bộ tư lệnh Nga dùng Bakhmut như nơi thử nghiệm chiến trường các phương tiện quân sự, kỹ thuật, chiến thuật mới đã khiến cho số thương vong của lực lượng Wagner tăng cao.
Thêm vào đó, Prigozhin và các sỹ quan Wagner cũng nhận ra rằng, trong khi họ muốn chiếm Bakhmut càng nhanh càng tốt (vì điều đó sẽ liên quan tới tiền thưởng và chi phí của họ. Càng đánh nhanh thì càng trả ít lương cho binh sỹ) thì Bộ tư lệnh Nga lại muốn kéo dài cuộc chiến này để (i) giành thời gian huấn luyện binh sĩ và (ii) tiêu diệt càng nhiều quân Ukraine càng tốt (và như thế cũng có nghĩa là tăng số thương vong cho Wagner).
Một trong những điểm khiến Wagner bất mãn nhất là cách bố trí đội hình của Bộ tư lệnh Nga. Trong khi Wagner được điều động để tấn công vào khu vực trung tâm Bakhmut thì các đơn vị của quân Nga lại chiếm vị trí ở 2 bên cánh. Vào những tuần cuối cùng của cuộc chiến, 2 con đường còn lại để tiếp viện cho lực lượng Ukraine ở trung tâm Bakhmut hoàn toàn nằm trong tầm súng bộ binh của các đơn vị quân Nga. Tuy nhiên, thay vì việc cắt hẳn 2 con đường bằng việc tiến chiếm nó hay sử dụng rải mìn từ xa bởi các hệ thống rải mìn bằng pháo phản lực, hoặc bắn phá liên tục con đường này (và điều đó sẽ cắt ngắn thời gian quân Ukraine trong trung tâm thành phố cầm cự được) thì quân Nga vẫn đánh cầm chừng để cho quân Ukraine tiếp viện quân và vũ khí vào khu trung tâm tới ngày cuối cùng. Những sỹ quan Wagner có thể đã cay đắng nhận ra rằng, Bộ tư lệnh Nga không có ý định chiếm Bakhmut càng nhanh càng tốt mà họ cần trận chiến này kéo càng dài càng tốt, giết càng nhiều quân Ukraine càng tốt để họ có thời gian huấn luyện những binh sỹ mới tuyển dụng. Họ cũng nhận ra rằng quân đội Ukraine cũng hiểu ý định của Bộ tư lệnh Nga. Tuy nhiên vì tổng thống Zelensky đã đánh cược uy tín của Ukraine với phương Tây ở thành phố này nên ông yêu cầu giữ nó chừng nào còn có thể. Bộ tư lệnh Ukraine thấy rõ rằng Bakhmut là cái bẫy chuột và Nga đang cố tình lùa càng nhiều con mồi vào đó càng tốt, nên Ukraine trong giai đoạn cuối, tiếp viện cho Bakhmut rất nhiều đơn vị tân binh mới tuyển gồm những người rất trẻ hay rất già chưa qua huấn luyện. Họ để giành các lực lượng được NATO huấn luyện cho cuộc tổng phản công. Bộ tư lệnh Nga cũng hiểu điều đó nên họ tích lũy đạn pháo để đánh trả cuộc tổng phản công đó. Điều này đã dẫn tới việc Wagner không có được số đạn pháo như ý muốn của họ (và tất nhiên điều này khiến họ thương vong nhiều hơn).
Tất cả những điều trên đã dẫn tới các tuyên bố của Prigozhin trong thời gian qua. 2 tháng trước khi Bakhmut thất thủ, ông tuyên bố rằng quân Ukraine đang chuẩn bị phản công ở hai sườn thành phố (do quân Nga chiếm giữ) để bao vây Wagner. Có lẽ mục đích của ông là muốn đưa Wagner vào 2 cánh này. Nếu được như vậy, ông ta có thể, thay vì tiếp tục các trận đánh ở trung tâm thành phố thì có thể nhanh chóng cắt 2 con đường tiếp viện của Ukraine. Sau khi bị Bộ quốc phòng từ chối, ông tuyên bố tiếp tục tấn công trung tâm nhưng sẽ sẵn sàng hỗ trợ quân đội Nga khi họ bị tấn công vào cánh. Khi quân Ukraine phản công và quân Nga rút lui (để tạo một cái bẫy hỏa lực cho các đơn vị Ukraine đã chiếm được vị trí bỏ lại – chiến thuật họ liên tục dùng trong nhiều tháng nay) thì Prigozhin đầu tiên chửi mắng quân Nga hèn nhát, chạy như vịt và dễ dàng bỏ lại vị trí mà Wagner đã mất 500 người để chiếm được trước đó (cần lưu ý là trong trận Khasam, ông đã nói số thiệt hại là hơn 200 trong khi từ cả nguồn Nga lẫn Mỹ và độc lập của Đức thì con số của Wagner chết đều không quá 20) và nói rằng nếu quân Nga tiếp tục bỏ chạy thì Wagner “sẽ tới cứu họ”. Tuy nhiên, khi quân Nga dùng hỏa lực để tạo ra thương vong lớn cho quân Ukraine thì ông lờ chuyện đó đi.
Cùng thời gian này, vào ngày 17/5/2023, một phái đoàn đại diện của 20 nước châu Phi đã gặp đại diện bộ ngoại giao Nga để bàn về cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nga và các nước châu Phi ngày 26-29/7/2023 tới. Trong chương trình nghị sự của cuộc gặp này và cuộc gặp thượng đỉnh, không có bất kỳ chỗ nào đề cập tới vai trò của Wagner. Trong một thời gian dài, Wagner, dưới sự lãnh đạo của Prigozhin đã tự coi mình là một tổ chức đại diện không chính thức cho các quyền lợi của Nga – và đặc biệt là ở châu Phi, nơi họ cung cấp dịch vụ an ninh trực tiếp cho các lãnh đạo cao nhất của nước này. Và điều này có thể khiến ông cảm thấy vị thế đó của ông bị đe dọa.
Tiếp đó, Wagner nhận thấy việc Nga cho phép thành lập hàng loạt công ty quân sự tư nhân và cho họ tham chiến tại Ukraine đang dẫn tới việc Wagner mất đi địa vị độc quyền trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ quân sự tư nhân.
Thêm vào đó, Bộ quốc phòng yêu cầu tất cả các lực lượng quân sự tư nhân phải ký hợp đồng với Bộ quốc phòng Nga. Theo nội dung hợp đồng thì các công ty quân sự tư nhân sẽ chỉ là người cung cấp các nhân sự có kỹ năng quân sự hoặc các kỹ năng quân đội cần chứ không phải là các đơn vị chiến đấu. Họ có quyền tuyển dụng, đào tạo, tổ chức, huấn luyện các kỹ năng chiến đấu. Sau đó những người đó sẽ tham chiến như các đơn vị của quân đội Nga, chịu sự chỉ đạo của quân đội Nga và phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình với tòa án quân đội Nga.
Wagner không muốn như vậy. Họ muốn hoạt động theo cách họ đang làm. Họ tự tuyển dụng, huấn luyện và chiến đấu như một đội quân độc lập không chịu sự chỉ đạo của Bộ quốc phòng. Trong khi đó, họ vẫn muốn Bộ quốc phòng cung cấp vũ khí, hậu cần với mức độ ưu tiên cho họ. Nói một cách khác, họ muốn sự độc lập còn hơn cả các đội quân Chechnya (các đội quân này vẫn phải chịu sự chỉ đạo của Bộ quốc phòng Nga) – bất chấp một thực tế là Chechnya là một nước cộng hòa có quy chế đặc biệt trong Liên bang Nga, trong khi Wagner thì không là một quốc gia nào cả.
Sau chiến thắng ở Bakhmut, các đội quân của Wagner được bố trí về nghỉ ngơi tại các doanh trại trên đất Nga. Khi nhận thấy các đơn vị được bố trí rải rác ở nhiều nơi, họ lo lắng rằng quân đội Nga sẽ tiến hành giải giáp vũ khí của họ và yêu cầu đối thoại với bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng. Khi các yêu cầu này không được đáp ứng các sự kiện đã xảy ra như ở đã nói ở đầu bài.
4. Đây có phải là một cuộc đảo chính?
Câu trả lời là đây không phải là một cuộc đảo chính mà chỉ là một cuộc binh biến. Một cuộc đảo chính sẽ dẫn đến thay đổi chính quyền. Muốn thay đổi chính quyền thì cần phải có một đảng chính trị với một mục tiêu rõ ràng và được nhân dân ủng hộ. Wagner không có tất cả các điều này.
5. Vậy Prigozhin muốn gì?
Tôi nghĩ rằng, khởi đầu của Wagner, Prigozhin nhìn nhận mình như một người quản lý Wagner cho Putin (tất cả các phát ngôn của ông, cho tới tận sáng nay đều thể hiện sự trung thành với Putin chứ không phải chính phủ Nga mà ông cho là toàn những kẻ tham nhũng). Tuy nhiên, cùng với nguồn lợi khổng lồ từ dầu ở Syria và vàng, kim cương, khoáng sản quý ở châu Phi cùng với điều kiện hoạt động độc lập (tương đối về cả hình thức lẫn thực tế hành động) khiến cho ông thấy mình từ một nhà quản lý công ty đã trở thành một lãnh tụ quân sự của một lực lượng quân sự thiện chiến. Từ chỗ coi Wagner là của nước Nga, ông đã noi nó thành của mình và bắt đầu đàm phán theo kiểu tống tiền với lãnh đạo quân đội Nga và rồi với cả nhà nước và tổng thống. Điều này có thể khiến ông có sự ủng hộ của một bộ phận binh sĩ của Wagner (rất nhiều người trong số này vẫn coi việc phục vụ trong Wagner là phục vụ nước Nga chứ không phải phục vụ ông chủ Prighozin) ủng hộ ông ta nhưng không làm cho nhân dân Nga ủng hộ ông.
6. Sự việc này rồi sẽ đi tới đâu?
Tôi nghĩ rằng sự việc này sẽ kết thúc như nhiều cuộc binh biến trước đó trong lịch sử Nga.
Ngày 25/12/1825, 3.000 binh lính của Trung đoàn Cận vệ Moscow, Trung đoàn Ngự lâm Pháo thủ, và đội ngự lâm hải quân Nga đã làm binh biến không chịu tuyên thệ trung thành với Sa hoàng Nicholas đệ Nhất. Tướng Miloradovich, vị tướng có nhiều quân công nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống Napoleon năm 1812 vẫn đang còn sống vào thời điểm đó đã tới cố gắng thuyết phục các đơn vị này giải giáp vũ khí. Ông đã bị một sỹ quan binh biến bắn chết. Sau đó, Sa hoàng Nicholas đệ Nhất đã cho pháo bắn đạn ghém bắn thẳng vào đội hình các binh sĩ làm binh biến khiến nhiều người chết và số còn lại bỏ chạy. Sau khi họ cố tập hợp trên mặt sông đóng băng, pháo binh đã bắn xuống băng làm đại đa số các binh sĩ nổi loạn chết đuối vì lạnh khi băng trên sông vỡ.
Năm 1921, 13.000 thủy binh hạm đội Baltic và 2.000 thường dân ủng hộ họ đã làm binh biến chống lại chính quyền Xô viết tại Petrograd, thủ đô của nước Nga Xô Viết lúc đó. Chính các thủy binh này là lực lượng nòng cốt giúp cho đảng Bolshevik của Lenin giành được chính quyền năm 1917. Zinoviev, chủ tịch hội đồng thành phố Petrograd và Trotsky, chủ tịch hội đồng chiến tranh cách mạng (tương đương bộ trưởng quốc phòng) đã tập hợp 60.000 Hồng quân và tấn công Kronstadt. Một số thủy binh nổi loạn đã bỏ chạy sang Phần Lan. Số còn lại bị giết và đầu hàng. Các lãnh đạo cuộc binh biến đã ra lệnh cho binh sỹ dưới quyền phá hủy các cơ sở hạ tầng, thiết bị và khí tài của hạm đội Baltic. Tuy nhiên, các binh sỹ dưới quyền, khi phát hiện ra các chỉ huy của họ đang chuẩn bị bỏ chạy đã bắt các chỉ huy của mình và giao nộp cho Hồng quân.
Ngày 9/11/1975, chính ủy của khinh hạm Storozhevoy đã tổ chức một cuộc binh biến, bắt giam thuyền trưởng và một số sĩ quan chống đối rồi cùng với khoảng 150 thủy thủ ủng hộ binh biến mang khinh hạm này sang Thụy Điển. Tuy nhiên, hạm đội Baltic đã ngăn chặn tàu này cách lãnh hải Thụy Điển 32 km. Sau đó chính ủy của tàu đã bị xử bắn và cách thành viên chính trong việc binh biến bị xử tù. Các thành viên thường bị sa thải khỏi hải quân Liên Xô.
Tôi nghĩ rằng cuộc binh biến của Wagner rồi sẽ kết thúc tương tự như những trường hơp trên. Prigozhin có thể được lòng một phần binh sỹ Wagner khi ông chỉ trích bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng. Tuy nhiên khi ông quyết định đưa quân về Moscow để “chúng ta sẽ có một tổng thống mới” như lời ông nói thì sẽ có nhiều binh lính từ bỏ lực lượng này vì họ chiến đấu cho nước Nga chứ không phải cá nhân Prigozhin. Và cuối cùng lực lượng của Wagner sẽ không thể chống lại được quân đội Nga.
Vấn đề của Nga bây giờ là làm sao có thể giải quyết vụ việc với ít máu đổ nhất và sau đó tái sử dụng các binh sỹ của Wagner cho cuộc chiến.
Latest comments (0)