Hội trà đá 8

Anh Ngô
Anh Ngô

Posted on

Niết Bàn

"...để đạt được Niết Bàn, chúng ta có thể đi về hướng tây, về Tây Trúc, trải qua tầm chín chín tám mốt kiếp nạn là có thể thành Phật..."

Tuổi thơ tôi được nuôi dưỡng với tâm trí như vậy, những câu chuyện về Đường Tam Tạng cùng ba đồ đệ đi thỉnh kinh, Tôn Ngộ Không pháp lực vô biên, giết yêu giết quái để phò Đường Tăng đến Tây Phương (Tây Phương Cực Lạc chắc cũng từ phim này mà ra).

Xưa kia tôi không hiểu, tại sao một người ngu ngơ như Đường Tăng (trong phim) lại may mắn, thu phục (mà có khi toàn do Bồ Tát giúp) được Tôn Ngộ Không, rồi căn bản nhờ Tôn Ngộ Không hàng phục Trư Bát Giới, Xa Tăng. Tôi lớn lên với câu hỏi, vì cái gì mà người như Đường Tăng, Xa Tăng ... ngu ngơ như thế mà được thành Phật, pháp lực vô biên. Chí ít Lão Tôn còn có công sức đánh nhau suốt bao tập, nhận ra bao yêu ma quỷ quái, Lão Trư còn có cái tính xấu, lười biếng, ham ăn... thôi cho hai đồng chí này thành Phật còn được.

Những điều đấy vẫn là thắc mắc rất lâu của tôi, trước khi đọc được cuốn "Ý chí sắt đá", mô tả lại một nhân vật Huyền Trang, trong lúc Trung Nguyên chỉ được truyền đạo Phật không đầy đủ, thiếu giáo pháp (kinh) ngài đã quyết chí đi lên con đường thỉnh kinh (nghĩa đen), vượt qua dãy Himalaya giữa Trung - Ấn, hành trình mà với hỗ trợ hiện đại ngày nay mà đi đường bộ đã là một rủi ro khủng khiếp, để chép lại và mang kinh Phật bản "gốc" về Trung Hoa. Một hành trình vĩ đại như thế, mà biến thành kiểu Tây Du Ký, đúng là đơn sơ để trẻ con đọc.

Nhưng, thực sự truyện phim cũng ẩn chứa rất nhiều điều về con đường thành Phật, đạt được Niết Bàn.

Lý duyên khởi, mười hai nhân duyên
Tóm lại đây là 12 yếu tố chánh làm nhân và duyên cho nhau để phát sinh hiện tượng sinh tử luân hồi của chúng sinh. Muốn chấm dứt dòng sinh tử luân hồi phải dứt trừ Một trong Mười hai yếu tố đó. Đễ trừ nhất là: Ái, Thủ và Vô Minh (tạm bỏ qua đi, giải thích nhức não).

Niết bàn
Cũng như "Mười hai nhân duyên", Niết Bàn là trạng thái chấm dứt các điều kiện sinh khởi, hết dục vọng, không còn tham ái, không ràng buộc, ... không phải là đề tài dễ hiểu, dễ lĩnh hội với chúng sanh còn trong vòng tham ái dục lạc vật chất.
Vậy, có thể tạm hiểu Niết Bàn là mục tiêu, mà trạng thái mà người Tu tập cần hướng tới, đạt được.

Mà mục tiêu này Khó, khó đạt được.
Thử hỏi ai đang đọc những dòng này bỏ đi được tài sản, gia đình, danh vọng, sắc dục, sợ hãi, ... để một lòng cầu đạo giải thoát.

Con đường đến Niết Bàn
Thật may mắn và hữu duyên cho những ai đọc đến dòng này, Đạo Phật, nhờ ơn của vị thầy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã chỉ ra con đường đi đến Niết Bàn.

Theo thiển ý của tôi, thì tóm gọn lại ở:

  • Tứ Diệu Đế: 4 sự thật về Khổ, Khổ Tập Khởi, Khổ Đoạn Diệt và Còn đường đưa đến Hết khổ.
  • Còn đường đưa đến hết khổ: Bát chánh đạo

Trong Bát Chánh Đạo, có Chánh niệm, Đức Phật chỉ ra: "đây là con đường duy nhất, thực hành Tứ Niệm Xứ"

Nên tóm lại: Nếu thực sự muốn tu tập với thời gian ít ỏi, chỉ nên bắt đầu với: Tứ Niệm Xứ (quán niệm Thân, Thọ, Tâm, Pháp)> nghiên cữu rõ Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo. Đường đi (Đạo) trọng Thực Tập hơn là nghiên cứu lý thuyết.

Những điều này quý bạn có thể xem các bài giảng của thầy Thích Nhất Hạnh trong kênh Làng Mai trên Youtube,rất sẵn có.

Thế hành trình Tây Du có gì giống với con đường đi đến Niết Bàn của Đức Phật, không hoàn toàn, nhưng thực ra nó đã chỉ ra một số cái căn bản nhất: hành trình đến Niết Bàn là vô cùng khó khăn gian khổ, đòi hỏi ý chí sắt đá, niềm tin tuyệt đối, hành trình diệt đi những cái mà bám chặt gây khổ đâu cho con người: tài (tài sản), sắc (sắc dục), danh (danh vọng, địa vị), thực (ăn uống), thùy (ngủ)... những cái có thể gọi là Ma trong con người (thế nên trong phim chủ yếu đánh Ma quái là vậy, phân tích kỹ những con Ma quái trong phim, đều có thể đại diện cho các con Ma trong tâm của ta).

Top comments (12)

Collapse
 
nhoc profile image
Nhoc • Edited

"Niết Bàn" nó chỉ là cái tên gọi do con người đặt ra thôi, cũng như tên gọi "Tây Phương Cực Lạc", hoặc bên Thiên Chúa Giáo họ hay nói là sau khi chết thì Linh Hồn về với chúa vậy đó.

Nôm na dễ hiểu cho khái niệm này là 2 chữ "Tự Do". Khi con người thoát khỏi vòng Sinh Tử Luân Hồi thì sẽ đạt tới Niết Bàn, nghĩa là Linh Hồn không còn nợ nần gì nữa, không còn vướng vào Luân Hồi nữa, lúc đó Linh Hồn sẽ được tự do. Tự Do là Niết Bàn và Niết Bàn cũng là Tự Do.

Collapse
 
dothanhlam profile image
Do Aslan Thanh Lam

cách diễn đạt này "mộc mạc" hơn. Có thể hiểu rộng hơn là sự tự do trong tư tưởng, không vướng bận, không còn lo lắng gì, có thể bình yên mà đón nhận cuộc sống cũng như cái chết. Dễ thấy có nhiều người dù mang thân thể bệnh tật mà họ vẫn vui vẻ, vẫn tận hưởng cuộc sống này trọn vẹn từng giờ từng phút - trong họ mọi trách nhiệm, mọi ràng buộc là không có gì
Nếu như vậy Niết Bàn không phải là cái gì đó cao siêu, hoặc chỉ dành cho những vị chân tu. Sự bình yên trong tư tưởng đối với tôi đó là sự giải phóng cho linh hồi rồi. Chả có gông cùm nào bẳng gông cùm trong tưn tưởng.
Tôi xem hết series "cuộc đời đức Phật" mới chợt hiểu ra rằng Ngài đã buông bỏ tất cả các ái dục, ham muốn. Tuy nhiên tôi cũng tự đặt ra cho mình câu hỏi rằng, để hiểu những nhứ là ái dục đó, chúng ta phải trải qua, phải trải nghiệm thực tế ?

Collapse
 
nhoc profile image
Nhoc • Edited

@dothanhlam Có chứ, phải trải qua, trải nghiệm mới đút kết được. Mọi lý thuyết hoặc kinh nghiệm của người khác cũng chỉ là lý thuyết của chính bản thân ta. Vì vậy cần phải thực hành để hiểu nó.

""Đầu tiên là tiếp xúc --> chiêm nghiệm --> đúc kết thành bài học "". Đây là một vòng lặp liên tục đến khi ta học hết các bài học đó thì vòng lặp kết thúc.

Thread Thread
 
anhngo profile image
Anh Ngô

Ông ngồi xuống tu tập luôn được rồi đấy!

Thread Thread
 
nhoc profile image
Nhoc

Giờ chưa phải là lúc, chưa đến thời điểm. Giờ còn phải hoàn thành nghĩa vụ của người làm cha. làm chồng đã 🤣

Collapse
 
anhngo profile image
Anh Ngô

Vâng, nên đa phần những người có cơ duyên đến Đạo, lại thường có các biến cố rất lớn trong cuộc đời để "đột nhiên"
họ nhận ra một điều gì đấy! Và thường ai đã được trải nghiệm nhiều sóng gió, ngọt ngào trong cuộc đời thì lại càng có cơ may nhìn được về ái dục!

Collapse
 
anhngo profile image
Anh Ngô

Chuẩn, không còn ràng buộc, vướng mắc, dính mắc gì nữa thì là Tự do.

Collapse
 
dothanhlam profile image
Do Aslan Thanh Lam

bàn về linh hồn, thường nói đến cái sau khi chúng ta chết, thân xác mục rữa thì còn lại linh hồn - linh hồn tự do. Tuy nhiên chưa có ai trải nghiệm được điều này. Vậy sao ta không diễn giải rằng linh hồn chính là tư tưởng của chúng ta, và sự tự do của tư tưởng bất chấp sự già cỗi theo thời gian của thân xác - nghĩa là tinh thần, tư tưởng luôn khoẻ mạnh, tự do tự tại bất chấp cái thể xác suy thoái theo thời gian

Collapse
 
nhoc profile image
Nhoc

@dothanhlam Nếu nói "Tuy nhiên chưa có ai trải nghiệm được điều này" là không đúng lắm. Vì trải nghiệm là của chính bản thân mình gặp hay tiếp xúc, trải nghiệm của người khác sau đó họ kể lại thì có mấy ai tin đâu đúng ko. Bằng chứng là nấy ngàn năm qua, lịch sử truyền đi truyền lại chuyện Tâm Linh nhưng có mấy ai nghe và hiểu.

Chỉ có bản thân ta trực tiếp tiếp xúc, trực tiếp trải nghiệm thì lúc đó ta mới tin được. Sau đó ta đi kể cho người khác nghe, chắc gì người khác lại tin giống như ta. Chỉ có họ trải nghiệm thì họ mới tin. Và cứ như thế lại lặp đi lặp liên tục.

Collapse
 
dothanhlam profile image
Do Aslan Thanh Lam

Tôi vẫn còn thắc mắc như sau:

  1. khái niệm Niết Bàn đến từ đâu ? Liệu có cái khác tương tự như Niết Bàn ở các tôn giáo khác ?
  2. Vì sao người ta biết (có thể là qua sự truyền đạt của các đệ tử hoặc từ đức Phật) và muốn đạt được đến cõi Niết Bàn ?
  3. Đạt được dến cõi Niết Bàn liệu có phải là một mong muốn hay ham muốn ?
Collapse
 
anhngo profile image
Anh Ngô • Edited

Tôi mạn phép bàn theo thiển ý cá nhân
1. Theo tôi khái niệm Niết Bàn, là khái niệm của Phật Giáo, và ở trên trích lại theo những lời Đức Phật được ghi trong kinh (giả định những lời trong Kinh là lời Đức Phật đi, vì sau 500 năm mới chép Kinh thì có thể có ghi chép lại theo ý của người nhớ sai lạc đi với lời Đức Phật thuyết là bình thường).
Niết Bàn nó chỉ là một cái tên, chỉ ra trạng thái, "Niết Bàn là trạng thái chấm dứt các điều kiện sinh khởi, hết dục vọng, không còn tham ái, không ràng buộc, ... ", nó mô tả một trạng thái mà khi con người đã đạt được Đạo giải thoát, mà như trí tuệ Đức Phật đạt được đã chỉ ra, là đạt Thoát khỏi được vòng luân hồi sinh tử khổ đau.
Có thể các khái niệm Thiên Đường của Thiên Chúa, Hồi Giáo đều có thể được thế tục hiểu theo 1 khái niệm Niết Bàn... nhưng nếu chiếu theo quan điểm của Phật Giáo, các mô tả về Thiên Đường đấy nó tương đương với các cõi Trời thuộc cõi Dục hơn:
Theo Tăng Chi Bộ, chương 9 pháp, kinh 24, về 31 cõi luân hồi thuộc về 3 (nhóm) cõi:

  1. Cõi Dục: cái này ta hay nghe thấy, như Địa Ngục, Ngạ Quỷ, ... Người.... Trời (Tứ Đại Thiên Vương, Đao Lợi Thiên, Dạ-ma thiên, Đâu Suất-đà thiên ...)
  2. Cõi Sắc Tương ứng với SƠ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Từ thiền, ...
  3. Cõi Vô Sắc

Còn cõi Niết Bàn (Đại Bát Niết Bàn), cõi Diệt Thọ Tưởng Định, ở khắp mọi mơi không thuộc 31 cõi luân hồi.

2. Vì sao người ta biết:
Lại nói về kinh Phật và Đức Phật.
Thứ nhất, Đức Phật phải khẳng định lại, là người thật trong cõi Ta Bà, kiếp này (kiếp chúng ta đang ở), được thừa nhận là vị Phật có thật.
Thứ 2, khi thành Đạo, Đức Phật mang giáo pháp đã được Ngài chứng nhận truyền bá, xưa kia truyền bá bằng hình thức Truyền miệng. Đức Phật truyền cho các đệ tử bằng lời, trong từng trường hợp, ... và các Đệ tử của ngài lại truyền cho các đệ tử kế tiếp, vẫn bằng lời, ...
500 năm sau khi Đức Phật tịch diệt, khi phát hiện ra, do truyền bằng lời nói có thể gây sai lạc, vì nhớ và trình bày lại bị ảnh hưởng bởi ý hiểu của người nói (như tôi đang viết lại, có rất nhiều cái viết theo ý hiểu của cá nhân mình), do vậy có lần quy tập lần đầu, để viết Kinh từ lời nói sang chữ Viết để lữu trữ lại.
Các nội dung liên quan tới Niết Bàn, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm xứ, ... đều là được ghi lại trong kinh.
Mặc dù vẫn phải nói lại, thực sự có phải toàn bộ các kinh đó đều là lời Đức Phật không thì không thể xác định được.
Ngay cả Đức Phật khi thuyết pháp, Ngài cũng có nói là, ngay cả những lời ta nói (văn), cũng không nên tin ngay, mà nên tư tự (tự) lại, kiểm nghiệm lại (tu) có thực sự là đúng không rồi hẵng tin, hẵng làm, đừng mù quáng, có lẽ Đức Phật cũng đã nhìn thấy những lời Ngài nói có thể bị nói sai lệch (mặc dù không cố tính) trong tương lai.

3. Đạt được đến cõi Niết Bàn có phải là ham muốn?

Lại nói về Thế tục và Đạo, trước nhất không nói cái gì thanh cao tốt đẹp ở đây, chỉ nói về việc nhìn nhận, đốn ngộ khác nhau.
Ví dụ, ngay cả hiểu về Tứ Diệu Đế, trong đó có con đường Diệt Khổ, từ Diệt đã có thể gây hiểu nhầm giữa Thế tục và Đạo. Từ Diệt ở đây có thể gây hiểu lầm, ở chỗ, nó là Diệt mà không phải Diệt theo Thế Tục. Diệt của thế Tục là: cái khổ sinh ra thì ta phải chấm dứt, diệt nó đi, ví dụ như có sâu hại mùa màng, thì cái hiểu của Thế Tục là cần Diệt sâu, bằng cách phun thuốc trừ sâu cho sâu nó chết (nó vẫn chỉ là xử lý phần ngọn, tạm gọi vậy). Vẫn ví dụ này, thì theo cái nhìn của Đạo, diệt, là nhìn nhận thực tế nguồn gốc thực sự của sâu bệnh, để ngắt thực sự được căn nguyên của sâu bệnh. Từ Thực sự ở đây là rất quan trọng.

Theo Đạo, đạt quả Niết Bàn ... vì người đó, đã có cơ duyên nhìn thấy được khổ đau sinh già bệnh chết, các điều bất như ý, ... và vì có cơ duyên được gặp Đạo Phật, và nhìn ra con đường sáng để đi. Nên bản thân tôi cũng rất tránh nói Niết Bàn là mục tiêu (vì dễ nhầm theo Mục tiêu của Thế tục,mà mục tiêu của thế tục đương nhiên xây lên bằng ái dục), nhưng tạm dùng từ Mục tiêu để dễ thông hiểu. ..

Câu hỏi này rất hay, thực sự để trao đổi một cách rõ ràng quả thực là trình độ của tôi chưa đủ để sử dụng ngôn từ giải thích, vì nó thuộc một cái gì đấy, như ngộ, hoặc hiểu bằng tàng thức, ... hiểu nhưng cơ bản không thể giải thích bằng lời. Có lẽ hẹn một dịp có sự hiểu biết, thực tập sâu sắc hơn tôi sẽ lại trao đổi về vấn đề này một lần nữa.
Rất cảm ơn và mong mỏi các quý vị có những câu hỏi khác để chúng ta cùng nhau tham khảo, thảo luận.

Collapse
 
polkadotman profile image
Polka-dot man

Rất thú vị!! 👏