Có một câu nói như thế này của một người lính viết về trải nghiệm trong Thế Chiến Thứ Nhất của anh: "chiến tranh là một quãng thời gian dài nhàm chán xen lẫn với những khoảnh khắc kinh hoàng". Tiếng Anh nguyên gốc: "‘war is long periods of boredom punctuated by moments of sheer terror".
Cuộc sống của người lớn cũng vậy, nó sẽ là: "một quãng thời gian dài nhàm chán xen lẫn với một vài ngày căng thẳng". Nhàm chán không phải là không có việc làm, thậm chí là rất bận rộn nhưng chúng ta không nên bị đánh lừa bởi sự bận rộn. Có những người cố gắng làm việc thật bận rộn bởi vì họ cảm thấy trống rỗng bên trong. Trong một xã hội mà con người bị ám ảnh với "năng suất" và đã được "huấn luyện" (conditioned) bằng Internet và mạng xã hội để quen với việc phải luôn có một thứ gì đó mới để xem, để đọc, hoặc là được tâng bốc, người ta không thể quen được với sự nhàm chán, với những suy nghĩ của riêng bản thân, chỉ dành cho riêng bản thân. Lúc nào chúng ta cũng có nhu cầu nói cho người lạ biết mình nghĩ gì, mong chờ sự ngợi khen, bình phẩm từ họ, hoặc phải làm một cái gì đó chứ không thể ngồi yên.
Chính xác hơn là chúng ta không quen với việc ở một mình yên bình với bản thân (at peace with ourselves) và cảm thấy thoải mái với sự yên tĩnh chúng ta đang có. Có nhiều người nói rằng họ cần ở một mình, nhưng đó là vì họ đã kiệt sức về thể chất và tinh thần và việc ở một mình đó là để nghỉ ngơi, chứ không phải là để tận hưởng sự bình thản một mình.
Chúng ta khi nói đến cuộc sống trưởng thành là nói đến tiền bạc, công việc, danh vọng, địa vị, gia đình, nhưng ít ai nói đến sự lặp đi lặp lại của mọi thứ trong cuộc sống. Trong hơn 12 năm đi học, chúng ta chưa bao giờ được chuẩn bị cho việc có nhiều tự do và cảm giác nhàm chán nhiều như thế. Có thể là cả cô đơn nữa.
Nhiều người thấy nhàm chán bởi vì công việc chúng ta háo hức làm đã kéo dài qua năm thứ 4, thứ 5, và dù chúng ta đã đổi công ty thì bản chất nó vẫn như vậy. Chúng ta cố gắng tìm kiếm ý nghĩa trong hành động của mình nhưng rồi chúng ta nhận thấy có thể chúng có ý nghĩa vì bản thân tự an ủi như vậy, và rằng ảnh hưởng của chúng không quá lớn như chúng ta nghĩ.
Có thể chúng ta thấy nhàm chán vì chúng ta không còn thời gian và năng lượng để khám phá những thứ mới, cho dù chúng thật đơn giản. Bắt đầu một thứ gì đó mới ở tuổi 25, 26 trở đi bỗng cảm thấy nặng nề, khó khăn trong trí tưởng tượng của chúng ta thì luôn cao hơn thực tế. Việc chạy bộ thì bắt đầu bằng hành động lựa mua giày chạy và chỉ hành động đó thôi đã khiến chúng ta phải cân nhắc về thời gian, về tiền bạc, công di chuyển và chỉ từng đó đã khiến nhiều người bỏ cuộc.
Đôi khi mình tự hỏi tại sao Elon Musk phải tweet nhiều như thế? Có phải vì ông ta thực sự cô độc và ông ta luôn cần nói chuyện với vô vàn người lạ ở trên mạng? Hẳn con người đầy những ý tưởng táo bạo, cực đoan như ông ta sẽ không chịu nổi việc giữ những suy nghĩ trong đầu và cứ phải chia sẻ chúng liên tục, bất chấp việc những thói quen đó khiến ông ta vướng vào nhiều vấn đề pháp lý. Chia sẻ liên tục trên mạng xã hội chỉ là một trong nhiều cách con người giải tỏa sự nhàm chán: mua sắm online, chơi crypto, mua cổ phiếu, xem tiktok cũng là các thói quen phổ biến.
Sự thật là chúng ta luôn đánh giá thấp các vấn đề chúng ta sẽ gặp phải khi lớn lên. Chúng ta khi trẻ nghe kể về thất bại từ người khác và luôn nghĩ rằng mình sẽ làm tốt hơn họ và sẽ không dính vào những chuyện ngu ngốc thế. Nhưng đến gần tuổi 30, bạn sẽ thấy rõ được hiệu ứng "quả bóng tuyết". Những vấn đề nhỏ nhặt của tuổi 18, 20, những thói quen, những suy nghĩ trong độ tuổi đó sẽ tích lũy và phình to ra theo cấp số nhân (exponential growth) và bỗng một ngày bạn thức dậy bạn sẽ thấy ngợp. Bạn sẽ cố gắng giải quyết những căng thẳng do chúng gây ra nhưng vẫn không hết, bạn bắt đầu thấy được những quyết định của bản thân 2,3 năm trước vẫn còn hậu quả lên bạn. Bạn sẽ cố gắng giải tỏa stress, nhưng nếu các nơ-ron thần kinh của bạn chưa bao giờ được rèn luyện để chống đỡ với lượng stress lớn này thì bạn sẽ làm gì?
Cách bạn trả lời cho đoạn "bạn sẽ làm gì" sẽ hình thành cuộc sống của bạn trong quãng thời gian làm người lớn. Những người từng chơi thuốc, từng nghiện rượu, nghiện mua sắm, nghiện trading, hẳn là họ chưa bao giờ tin là họ sẽ trở nên như thế. Nó luôn bắt đầu từ một khoảnh khắc buồn chán nào đó và họ sẽ luôn nghĩ rằng họ kiểm soát được hành vi của họ (sau khi đã làm thêm 1 điếu, mua thêm 1 món đồ). Thói quen lâu dài đó dẫn đến vấn đề "nghiện", chúng dễ thực hiện bởi chúng không tốn công sức (effortless) để làm mà kết quả thì đến tức thì. Chỉ cần có thẻ ngân hàng là sẽ có được.
Mình đã từng đọc câu chuyện về một chuyên gia tâm lý bên Mỹ vô thăm khám cho tù nhân, cô đã có kết luận rằng điểm chung của nhiều người này là: họ không bao giờ nghĩ có ngày họ đi tù. Chỉ đến khi họ bị bắt họ mới nhận ra "đi tù" nó không chỉ là một khái niệm, mà nó là một thực tế họ đang đối mặt. Và thường khoảnh khắc dẫn đến lúc họ đi tù nó rất bất ngờ: có thể chỉ là một khoảnh khắc căng thẳng trong cuộc sống khiến họ không kiểm soát được hành vi hay quyết định của mình.
Có một câu chuyện truyền thuyết của người Da đỏ Cherokee như thế này:
"Một người Cherokee già đang dạy cháu của ông ta về cuộc sống. "Một cuộc chiến đang diễn ra trong tâm hồn ta". Ông nói với cậu trai.
"Đó là một cuộc chiến khốc liệt diễn ra giữa hai con sói. Một con thì là ác quỷ - hắn đại diện cho sự tức giận, ganh tỵ, buồn khổ, hối hận, tham lam, kiêu ngạo, thương hại bản thân, tội lỗi, căm thù, bất an, dối trá, kiêu ngạo, và là cái tôi." Ông ấy tiếp tục, "con sói còn lại là cái thiện - là niềm vui, bình yên, tình yêu, hi vọng, hòa bình, nhân văn, tốt bụng, rộng lượng, thấu cảm, sự thật, đam mê và niềm tin. Cuộc chiến này cũng diễn ra trong lòng con và trong mọi con người khác."
Người ông để người cháu suy nghĩ một lúc rồi hỏi: "Theo con con sói nào sẽ thắng?"
Đứa cháu trả lời đơn giản: "Là con chúng ta nuôi".
Mình nhận ra những người có trạng thái hài lòng cao trong cuộc sống của họ mà mình đã gặp, họ đã "nuôi" những thói quen lành mạnh từ trẻ. Họ có những niềm vui nhỏ và nó giúp họ vượt qua sự nhàm chán trong cuộc sống một cách nhẹ nhàng hoặc những khoảnh khắc căng thẳng tột độ một cách thành công.
Có người mình biết từ thời đi học, khi rảnh rỗi anh ta ngồi đọc tin tức từ trang ycombinator. Nếu phải ăn trưa, ăn tối một mình không có ai thì anh ta sẽ mở ycombinator ra đọc, thói quen đó kéo dài nhiều năm trời. Tất nhiên anh ta vẫn coi phim, coi video, xài mạng xã hội, nhưng anh ta vẫn giữ thói quen đọc ycombinator hoặc các trang công nghệ tương tự. Anh đọc cho vui, vì anh thích chứ chẳng phải vì công việc gì cả. Những gì đọc trên đó giúp anh có một tư duy rất tốt về lập trình để anh thăng tiến trong công việc.
Hoặc có anh bạn mình biết thời gian rảnh thì anh đi tập thể dục, anh đã tập từ thời là học sinh trung học. Anh không phải vận động viên chuyên nghiệp, anh chỉ tập vì anh thích. Căng thẳng vì công việc anh đi kéo tạ, buồn bã vì thất tình thì anh đi đu xà, đu đỉnh "crypto" mất tiền thì anh đi đấm bốc.
Về bản thân mình, có lẽ điều mình thấy may mắn nhất là mình vẫn giữ thói quen đọc và viết từ hồi đi học đến giờ. Mình cũng bị cuốn đi bởi công việc trong cuộc sống và khiến mình ít đọc sách như thời đi học, nhưng mình vẫn duy trì thói quen đọc báo, đọc các báo cáo thị trường và rảnh rỗi thì viết, chủ yếu viết cho bản thân đọc. Và khi mình đọc hoặc viết sách mình vẫn thấy vui, đọc sách như là một bài tập giúp duy trì sự tập trung và kiên nhẫn. Một thời gian dài không đọc sách khiến mình thấy trống rỗng, mình nghĩ đó là điều tốt cho bản thân vì mình thà thấy khó chịu vì không đọc sách hơn là thấy khó chịu vì không uống rượu hay coi tivi hoặc đi đua xe.
Mình đồng ý với quan điểm rằng chúng ta cần phải dựa vào chính bản thân để vươn lên trong cuộc sống, nhưng chúng ta cũng cần phải hiểu rằng mình phải khiến bản thân mình trở thành đáng tin cậy. Bản thân chúng ta phải là thứ đáng tin cậy để chúng ta dựa vào, và để đạt được điều đó, chúng ta cần phải nuôi dưỡng đúng "con sói" trong tâm hồn mình.
Cám ơn các bạn đã đọc.
Top comments (0)