Tôi có một bé cháu năm nay thi đại học. Thời điểm phải chọn trường, nó cứ ngoắng lên hỏi tôi đủ câu hỏi: “Bác thấy thi khối này được không?... Trường này được không?... Học cái đó ra làm gì? … Có dễ kiếm việc không?... Lương lậu cao không?... Công việc vất vả không?...”. Tôi mới hỏi: “Thế cháu thích làm gì?”. Nó ngẩn ra một lúc rồi bảo : “Cháu cũng không biết”.
Tôi lại nhớ mình của nhiều năm về trước. Việc chọn ngành học đến rất tình cờ, nếu không muốn nói là vô tri kiểu mặc dòng đời xô đẩy: không được định hướng, không có nguồn tham khảo, không có tư vấn cũng chẳng có hình dung gì về cái mình sẽ làm sau khi học xong. Những người xung quanh tôi thì liên tục thốt ra những cảm khái kiểu: Sao lại học cái đó? Cái đó giờ ai học nữa? Ra trường thì làm gì được? Phải làm trái ngành mới sống được. Công việc ít lắm, không quen biết gì không xin được việc đâu, vân vân và mây mây. Lúc đó tôi thực sự rơi vào khủng hoảng khi các bạn cùng khoa, hoặc những tư vấn trên mạng cũng lan truyền những thông tin tương tự. Bủa vây tôi là cảm giác thất bại và thua kém. Tôi không hứng thú với cái mình đang học nữa, tôi cũng không thể quay lại vì điều kiện kinh tế và thời gian không cho phép. Dù mấy năm đại học của tôi không bết bát đến mức phải thi lại, học lại môn nào, nhưng tôi cũng không thể đạt bằng giỏi và lãng phí quá nhiều thời gian mà lẽ ra tôi nên dành để tập trung học hành, nâng cao kiến thức, kỹ năng, và tìm kiếm những cơ hội phát triển liên quan đến chuyên ngành của mình. Tôi chỉ lên giảng đường khi cần điểm danh và có mặt tại trường vào các kỳ thi giữa và cuối năm học.
Công việc đầu tiên của tôi khi ra trường là hợp đồng trong môi trường nhà nước với mức lương cực kỳ cơ bản. Gia đình cũng cố xoay sở cho tôi vào biên chế, nhưng mất tiền, mất công sức mà chẳng được gì. Tôi càng tin rằng cuộc đời mình chỉ toàn là xui xẻo và những lựa chọn sai lầm. Mỗi bước đường tôi đã đi qua chỉ đều là thất bại và đáng quên. Đến cuối kỳ hợp đồng, tôi vô tình bị cuốn vào một cái tuồng đấu đá giữa sếp và tổ trưởng, nó rùm beng đến mức được hẳn mấy tờ báo điện tử về đưa tin. Có người còn đến nhà hăm doạ gia đình tôi khiến bố tôi lúc đó chắc chỉ muốn tống cổ tôi ra ngoài đường. Tôi quyết định rời xa môi trường nhà nước và chuyển chỗ ở (không phải vì tôi sợ gì, mà tôi quá chán nản). Đó thật sự là bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Ở nơi làm việc mới, tôi dần được đánh giá cao vì chuyên môn của mình. Tôi miệt mài làm việc, rèn giũa bản thân, không ngại đi sớm về khuya, không từ chối bất kỳ nhiệm vụ gì. Tôi quan sát cách làm việc của đồng nghiệp, lãnh đạo, và luôn nghĩ cách khắc phục những điểm yếu chuyên môn của mình. Tôi không phải tấm gương của thành công – tôi chưa thành công, tôi chỉ thay đổi nhận thức và tìm lại được cảm giác vui vẻ, háo hức khi làm việc, có những mục tiêu để hướng đến và có động lực để gắn bó với chuyên ngành tôi đã chọn.
Thỉnh thoảng vào các hội nhóm, diễn đàn, tôi vẫn bắt gặp những câu họ khuyên nhau: lương thấp, cạnh tranh cao, đừng học; nhiều người học cái đó, thất nghiệp đầy, … Đừng khuyên những người trẻ như vậy. Lĩnh vực nào cũng có người giỏi, người lương cao. Cao đến mức nào thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như vận may, quan hệ, kỹ năng mềm… Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là hãy làm những gì mình thích, kiên định với lựa chọn của mình, luôn luôn nỗ lực để trở nên giỏi hơn. Vấn đề không nên nằm ở chỗ ngành nghề có “hot” hay không (có thể thời điểm chọn thì nó “hot”, khi ra trường thì nó lại “cold”), cạnh tranh có khốc liệt không, thu nhập có cao hay không mà nên là chúng ta có đủ giỏi để sống với nghề hay không.
Chúc cả nhà có những lựa chọn sáng suốt và mỗi ngày lao động là một ngày hạnh phúc.
(Hôm nay em thử đăng bằng máy tính thì thấy đăng được ảnh và chọn được hashtag, nhưng ít quá :) )
Oldest comments (5)
Cũng tương tự mình hồi xưa, thích vẽ điên cuồng từ bé. Cứ nghĩ vẽ thì chỉ có làm họa sĩ thôi, rồi ông cậu xịn xò của mình thì thấy suốt ngày vẽ thật lại còn hay làm những tượng và mô hình rất hay - mê chết đi được. Thấy bảo, cậu là làm kiến trúc, hừm, kiến trúc mình cũng không hiểu nó bản chất là làm gì nhưng chỉ biết là suốt ngày được làm mấy thứ hay ho kia nên đăng ký đi học vẽ ròng rã từ năm lóp 10 thi thử với các anh chị để vào trường Kiến trúc các kiểu. Mẹ cũng bảo làm họa sĩ nghèo lắm nên sớm từ bỏ ý định vào Mỹ Thuật Yết Kiêu. Đến lúc đặt bút đăng ký thi ngành gì thì lại chọn khối A CNTT vì trót mê lập trình game máy tính quá. Chả là từ hồi lớp 10 bắt đầu có máy tính và vì máy tính mua lại của bà dì nên nó yếu và hỏng mất ổ CD nên chẳng chơi nổi StarCraft thế là dở hơi thế nào quay sang tự mua sách học lập trình Pascal để mong làm một con tương tự. Tất nhiên cuôi cùng thì chỉ làm được con game phi thuyền bắn nhau trên DOS thôi cơ mà lúc ý lún sâu trót yêu lập trình rồi. Thế là bỏ không thi vào kiến trúc nữa. Cho đến mãi về sau mới biết kiến trúc là thiết kế nhà cửa công trình =))). Và Mỹ thuật Yết Kiêu thì ngoài hội họa còn có thiết kế đồ họa, làm hoạt hình, thiết kế thời trang, thiết kế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế nội thất,… =))))))))))))
Suy cho cùng tôi nghĩ thằng quái nào cũng thế thôi, tất cả đều dựa trên duyên nó tới, cái gì va vào ta trước, cách chúng ta đương đầu, cách ta mày mò tìm cách vượt qua và cách ta ra quyết định chuyển hướng hay đi tiếp. Đầy cảm hứng và dấu vết định nghĩa nên bản thân. Hiểu rõ ta đang làm gì cũng có cái hay, nhưng chắc gì đã ngon. Đến uống rượu say tè bậy trước cổng nhà người ta còn biến thành cơ hội gặp vợ tương lai cơ mà. Hi hi!
Vậy là bây giờ bác có thể theo đuổi 2 đam mê mà không cần mất gấp 2 thời gian và công sức rồi còn gì. Em ngày xưa cũng mê viết và thích vẽ lắm, nhưng không có điều kiện để theo. Chắc đến tuổi hưu nếu còn khoẻ mạnh sẽ viết truyện ngôn tình =))
rồi sẽ thấy tất cả cũng chỉ là hư vô... :'(
Tôi chọn nghề IT với 1 lý do duy nhất là hồi lớp 10 nhà cậu bạn có cái máy tính điện tử chơi StarCraft, và thế là tôi nhất định sẽ thi CNTT.
Sau đấy học 1 năm tôi phát hiện ra có lẽ mình chọn nhầm nghề nhưng tôi vẫn nghĩ kiên trì học nốt. Sau đấy làm IT, rồi học Master lại học IT tiếp thế rồi cuộc đời xô đẩy cho tôi làm IT tiếp, dù vẫn thuộc top IT của công ty nhưng tôi vẫn biết đó vẫn không phải là nghề của mình. Sau này tôi phát hiện ra, phát triển hay không không phải do nghề, mà là do tư duy đối mặt với cuộc sống này, có khả năng tư duy thì làm nghề quái gì cũng được, dù là chạy xe ôm cũng phải là xe ôm hạng nhất.
Ủa, bác làm IT mà sao IT lại không phải "nghề" của bác? Nhưng em đồng ý với câu cuối của bác. Làm gì cũng được, nhưng không nên dễ dãi và tạm bợ.