Hội trà đá 8

Cover image for Triển vọng của dự án kênh đào Funan tại Campuchia
Polka-dot man
Polka-dot man

Posted on • Originally published at nghiencuuchienluoc.org

Triển vọng của dự án kênh đào Funan tại Campuchia

Ngay từ những năm trước đại dịch Covid-19, Campuchia đã có những bước chuyển mình nhằm phát triển nền kinh tế gắn với vai trò nổi bật của chiến lược Tứ giác do Đảng nhân dân Campuchia (CPP) lãnh đạo từ tháng 7/2018. Kết quả thực tế cho thấy chiến lược Tứ giác của Campuchia đã gặt hái được nhiều thành công mới sau đại dịch. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 ước tính đạt 5,6% so với năm 2022. Kế thừa và phát triển trên cơ sở chiến lược Tứ giác, chiến lược Ngũ giác được đề ra vào tháng 8/2023 bởi chính phủ khóa VII của tân Thủ tướng, Tiến sĩ Hun Manet với 5 trọng tâm chính: Phát triển nguồn nhân lực; Đa dạng hóa nền kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh; Phát triển khu vực kinh tế tư nhân và việc làm; Phát triển bao trùm, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; Phát triển kinh tế-xã hội số [1].

Với những mục tiêu trọng tâm như vậy, ngày 08/8/2023, Chính phủ Campuchia đã đề xuất với Ủy hội sông Mekong về việc thực hiện một dự án kênh đào trải dài từ sông Bassac – một trong hai phân lưu của sông Mekong đến cảng biển tỉnh Kampot, Kep gần với vịnh Thái Lan. Chính phủ Campuchia gọi công trình này là “Funan Techo Canal” – tức kênh đào Phù Nam [2]. Theo thông tin của chính phủ tân Thủ tướng Hun Manet, quá trình xây dựng kênh đào sẽ là sự hợp tác giữa Phnom Penh và Bắc Kinh, dự kiến sẽ có chi phí hơn 1,7 tỷ USD và thời gian hoàn thành trong vòng 4 năm. [3]

Nhìn vào tổng thể quy mô của công trình dài hơn 180km, dự án kênh đào Funan được dự đoán sẽ có nhiều tác động lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực của Campuchia nói riêng và các nước lân cận trong khu vực bán đảo Đông Dương nói chung. Tuy nhiên, do chưa có các công bố chính thức của các bên liên quan, vì vậy bài phân tích sẽ chỉ tập trung đánh giá một số lợi ích về kinh tế – xã hội tiềm năng đáng chú ý mà kênh đào Funan được kì vọng có thể đem lại trong tương lai cho Campuchia và khu vực.

Nền tảng để triển khai dự án kênh đào Funan của Campuchia

Địa hình của Campuchia nổi bật với các mặt bằng alluvium (bồi tích) do sự hoạt động mạnh mẽ của sông Mekong, những bồi tích này tạo thành các lòng sông, lòng suối với lượng nước dối dào. Với đặc trưng địa hình như vậy, nông nghiệp đã trở thành một điểm sáng đóng góp vào sự phát triển kinh tế với tỉ trọng lớn, đồng thời cũng là động lực để có thể nâng cao lĩnh vực công nghiệp của đất nước này. Xét tổng quan về cơ cấu của nền kinh tế Campuchia, khu vực thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal là trung tâm kinh tế của quốc gia này, nơi tập trung phát triển với các ngành công nghiệp, dịch vụ. Đa số ở các vùng khác nổi bật với ngành nông nghiệp, thủy sản, du lịch dựa trên đặc điểm riêng biệt địa hình của đất nước. Sự phân bố cơ cấu ngành chủ yếu là nông nghiệp, trong đó các kênh đào trên quốc gia này đóng vai trò nòng cốt để có thể khai thác thế mạnh nông nghiệp tối đa.

Hiện nay, ở Campuchia đang có tổng cộng 7 kênh đào bao gồm: Stung Sen; Prek Phnov; Chrouy Changvar; Siem Reap; Pursat; Trapeang Thma; Krang Yov chủ yếu được tạo nên từ việc nối liền với hồ Tonle Sap, hồ nước nhiệt đới lớn nhất tại Đông Nam Á. Đây là một trong những hồ nước ngọt quan trọng và đặc biệt với của khu vực, có ý nghĩa lớn đối với Campuchia từ nhiều khía cạnh. Ngoài ra cũng kết nối với sông Mekong, một trong những dòng sông lớn và quan trọng nhất tại Đông Nam Á đã tạo điều kiện để hình thành các kênh đào. Các kênh đào này đóng vai trò thiết yếu trong các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ của vương quốc như: vận chuyển hàng hóa, cung cấp nước, phát triển thành các cảng biển, hình thành các cơ sở thủy điện, tạo việc làm bền vững cho người dân và tăng cường khả năng hợp tác quốc tế.

canal to Kampot e1698905942833
Bản đồ mô phỏng vị trí kênh đào Phù Nam. Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, chưa phải là vị trí chính thức của kênh đào (nếu được thực hiện trong tương lai)

Qua nghiên cứu tổng quan về các kênh đào trên, kênh đào Funan được thực thi cũng có thể thực hiện các chức năng như vậy. Tuy nhiên nếu quan sát kĩ bản đồ quy mô, vị trí của dự án có thể phát hiện một số điểm mới từ kênh đào này. Đầu tiên, kênh đào Funan vẫn chủ yếu được nối từ phân lưu của sông Mekong là sông Bassac, nhưng kênh đào Funan sẽ được đào sâu từ tỉnh Takeo – nơi cách thủ đô Phnom Penh khoảng 30 km; đi qua Kandal – tỉnh bao quanh thủ đô của Campuchia và giáp ranh với thành phố Cần Thơ của Việt Nam; tiếp theo, qua tỉnh Kampot – giáp ranh với vịnh Thái Lan và tỉnh Kiên Giang của Việt Nam. Cuối cùng, dự án xuyên qua tỉnh Kep – giáp ranh với vịnh Thái Lan rộng lớn. Do đó, khác với tất cả các kênh đào khác, Funan được nối dài ra khu vực biển và giáp ranh với một số tỉnh của Việt Nam, tạo một dải liên kết với thủ đô và các tỉnh có thế mạnh về kinh tế biển.

Với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc triển khai dự án sẽ đem lại nhiều lợi ích không chỉ riêng cho vương quốc Campuchia mà còn nhiều quốc gia khác, đặc biệt các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á lục địa. Vì vậy dự án sẽ có tiềm năng được nhiều quốc gia tham gia hợp tác, đầu tư, giúp cho Campuchia có vốn, cơ sở hạ tầng để thực hiện thi công kênh đào Funan.

Những tác động tích cực đối với thương mại của Vương quốc Campuchia

Đầu tiên, Kênh đào Funan giúp gia tăng năng lực vận chuyển hàng hóa. Tạo cơ hội phân phối sản phẩm từ các ngành nông nghiệp, thủy hải sản đến các khu vực cảng để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa như thủy sản, gạo, dệt may, giày dép, và nông sản đến các thị trường quốc tế. Tiếp nhận các mặt hàng nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, bao gồm máy móc; thiết bị; nhiên liệu, hàng tiêu dùng, đồng thời vận chuyển về các đơn vị hành chính khác phục vụ cho tiêu dùng và phát triển công nghiệp. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh như Kampot, Kep không chỉ tận dụng được từ nông nghiệp, du lịch để phát triển kinh tế mà hoàn toàn có thể đầy mạnh các ngành dịch vụ liên quan đến vận chuyển, phân phối.

Hiện nay, ngoài cảng Sihanoukville, ở các tỉnh Kep và Kampot cũng đã có các cảng biển. Tuy nhiên với kênh đào Funan, khoảng cách kết nối ở Kep và Kampot với các đơn vị hành chính khác có khả năng được rút ngắn hơn so với Sihanouklville. Từ đó sẽ tăng được năng lực, hiệu quả làm việc của các cảng biển với các hoạt động xuất nhập khẩu. Với sự phát triển của các cảng biển này, vịnh Thái Lan rộng lớn có khả năng được khai thác hiệu quả hơn trong ngư nghiệp, tạo điều kiện trong khả năng tiếp cận ra ngoài các thị trường quốc tế của Campuchia. Việc hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia láng giềng cũng sẽ có khả năng được nâng cao nhờ kênh đào, tạo sự liên kết thương mại quốc tế và tạo ra các cơ hội trong hợp tác các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác. Tỉnh Kep và Kampot khi có sự xuất hiện của kênh đào Funan sẽ có tiềm năng trở thành những đặc khu kinh tế như Sihanoukville với dự án Sihanoukville Special Economic Zone (SEZ). Tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, góp phần thu hút các nguồn FDI, nhà đầu tư nước ngoài, tạo động lực cho chuyển giao công nghệ và phát triển các ngành nghề kĩ thuật số cho các khu vực này nói riêng và cho Campuchia nói chung.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Chính phủ Campuchia, tỷ lệ thất nghiệp ở Campuchia đã giảm từ mức cao vào thập kỷ 2000 xuống còn khoảng 0,3% vào năm 2019. Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp thấp, tuy nhiên đa số người dân Campuchia phải dựa vào nông nghiệp, tức là những công việc thời vụ. Dự án kênh đào Funan có tiềm năng rất quan trọng là khả năng tạo ra việc làm bền vững cho người dân quanh khu vực mà kênh đào sẽ đi qua. Điển hình như các công việc liên quan đến thi công công trình; làm việc trong các khu công nghiệp, các cảng biển; vận hành kênh đào hoặc cũng có thể phát triển các dịch vụ liên quan đến du lịch; vận chuyển, cư dân có thể tiếp tục phát triển thêm về ngành nông nghiệp, thủy hải sản phục vụ cho xuất khẩu.

Việc triển khai dự án này sẽ gợi mở cho Campuchia có khả năng phát triển hơn về hệ sinh thái, môi trường sống. Kênh đào Funan sẽ giúp cho Campuchia duy trì thêm được tính đa dạng sinh học của động vật, thực vật. Từ đó có thể phát triển du lịch sinh thái, cung cấp cơ hội cho khám phá môi trường tự nhiên và kết nối với thiên nhiên. Cơ hội này sẽ giúp cho việc giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm cho các cư dân sống quanh khu vực kênh đào, tăng tính liên kết cho các dân tộc trong nước.

Ngoài ra, không chỉ liên quan đến sự phát triển kinh tế, việc triển khai dự án kênh đào Funan sẽ góp phần tăng cường an ninh cũng như sự chủ động trong khả năng di chuyển và vận chuyển của Campuchia. Campuchia và Việt Nam có đường biên giới tương đối dài và nhiều khu vực biên giới không được kiểm soát chặt chẽ. Một số tuyến đường thủy của Campuchia gắn kết với các tuyến sông của Đồng bằng Sông Cửu Long (Việt Nam). Việc hai nước thiết lập được các địa giới, công trình độc lập sẽ giúp giảm thiểu các hoạt động tội phạm từ cả 2 quốc gia. Hiệu quả trong việc cải thiện khả năng kiểm soát biên giới, hợp tác trong việc đảm bảo an ninh và xử lý vụ việc theo quy định sẽ được tăng cường. Quá trình này sẽ làm tăng thêm tính tự chủ, củng cố an ninh quốc phòng cũng như kiềm chế tội phạm xuyên biên giới ở cả hai quốc gia.

Những tác động tích cực trong khu vực Đông Nam Á – Trung Quốc

Tháng 11/2020, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ký kết tại Hà Nội (Việt Nam) bởi các nước ASEAN, ASEAN+3 và ASEAN+6 (trừ Ấn Độ) trở thành một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất tại Đông Nam Á và toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiệp định đã mở ra cơ hội hợp tác kinh tế toàn diện, mạnh mẽ ở khu vực này. Vai trò tuyến đường sắt xuyên Á (TAR) trong khu vực này càng đóng vai trò to lớn hơn trong việc thúc đẩy giao thương, hợp tác kinh tế của các nước trong khu vực này.

Phần lớn các tuyến đường chính sẽ nằm ở trên Trung Quốc, chủ yếu di chuyển từ phía Tây Bắc của Trung Quốc (các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc). Sau khi vượt qua biên giới phía Nam, tuyến đường này sẽ đi qua các nước Đông Nam Á như kết nối với Lào (Viêng Chăn), sau đó vượt qua biên giới Lào-Thái Lan, cuối cùng kết thúc ở cảng Sihanoukville, tạo ra một liên kết đặc biệt trong khu vực.

Kể từ khi bắt đầu triển khai dự án từ năm 2001, tuyến đường sắt xuyên Á đã có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa các quốc gia. Sau khi RCEP được kí kết, vai trò đó càng được thể hiện một cách sâu sắc hơn.

Tăng cường thương mại và hợp tác kinh tế: Tuyến đường sắt xuyên Á có thể cung cấp phương tiện vận chuyển hiệu quả để di chuyển hàng hóa từ một quốc gia thành viên RCEP đến một quốc gia khác trên tuyến đường. RCEP giúp loại bỏ hoặc giảm thuế quan và các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Tăng cường tính hợp tác đa phương: việc vận dụng RCEP vào TAR đòi hỏi sự thỏa thuận, kết hợp sâu sắc của các nước thành viên. Sự hợp tác sẽ thúc đẩy họ phải tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống đường sắt của mình để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa linh hoạt hơn.

Thúc đẩy giá trị chuỗi cung ứng, hàng hóa sẽ được vận chuyển qua lại liên tục tới nhiều quốc gia khác nhau, đáp ứng được việc xuất nhập khẩu của các nước thành viên.

b334b996dd8cf3540c86b89a7c924f13
Kênh đào Phù Nam có nhiều tiềm năng phát triển khi được kết nối với hệ thống đường sắt xuyên Á

Việc xuất hiện dự án kênh đào Funan tại Campuchia đem cơ hội tích hợp được với những hoạt động của tuyến đường sắt xuyên Á và đem lại những phương thức đa dạng và hiệu quả hơn trong quá trình hợp tác phát triển giữa Campuchia và các nước khác chung tuyến đường nói riêng và giữa Đông Nam Á với Trung Quốc nói chung. Tích hợp ở đây có nghĩa là việc kết hợp hoạt động, chức năng của kênh đào Funan cùng với những chức năng đã nêu trên của TAR. Theo mạng lưới đường sắt, ở Campuchia đang có khu vực cảng biển Sihanoukville có tuyến đường sắt xuyên Á đi qua từ Thái Lan.

Các bên có thể hợp tác và đề nghị Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (UNESCAP) thông qua ý tưởng, đảm bảo về các quy định trong quá trình đàm phán, bao gồm quy định về an toàn, môi trường và quy định thương mại cho khả năng mở rộng tuyến đường ra tỉnh Kem và Kampot nơi mà dự án kênh đào Funan sẽ đi qua. Ngoài ra, để xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á, cơ sở hạ tầng sẵn có như đường sắt cũng như hệ thống giao thông phải được kiểm tra và cải thiện. Điều này đảm bảo rằng hệ thống đường sắt mới có thể được tích hợp một cách hiệu quả vào hạ tầng sẵn có.

Khi các quá trình xây dựng hoàn tất, việc tích hợp kênh đào Funan với TAR sẽ có tiềm năng lớn đem về các lợi ích thương mại lớn cho Campuchia và các nước láng giềng.

Đầu tiên, tại Campuchia, tích hợp kênh đào và tuyến đường sắt xuyên Á có thể tạo ra một hệ thống vận chuyển đa dạng, mạnh mẽ. Hàng hóa có thể được vận chuyển từ cảng biển đến mọi nơi thông qua đường sắt, giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển. Ngoài ra, khi trước kia việc nhận hàng hóa ở Sihanoukville chỉ có thể vận chuyển cho các tỉnh phía Tây Nam Campuchia, giờ đây tại Kep và Kampot sẽ có sự chủ động để vận chuyển cho các tỉnh phía trung tâm và phía Đông Nam nhanh hơn Sihanoukville nhờ sự rút ngắn của kênh đào Funan. Việc này đồng thời sẽ giúp cho các hàng hóa, nguyên nhiên liệu ở cảng biển được vận chuyển về các trung tâm kinh tế và các trung tâm sản xuất một cách nhanh chóng. Giúp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất làm việc cho đất nước.

Khi đảm bảo được quỹ thời gian, khả năng vận chuyển hàng hóa, Campuchia có khả năng tăng cường thêm các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt tại những nơi gần với khu vực đặt cảng biển và có tuyến đường sắt đi qua. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy thêm vào quá trình công nghiệp hóa của đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp và dịch vụ nhiều hơn.

Việc phát triển du lịch và kinh tế ở địa phương cũng sẽ được hưởng lợi từ việc tích hợp của kênh đào Funan với tuyến đường sắt xuyên Á. Đây sẽ là điểm thu hút các khách du lịch tham quan bởi các tỉnh Kep và Kampot có vị trí giáp biển, có điểm nổi bật là kênh đào Funan – dự án thúc đẩy thương mại tại các vùng này; tạo điểu kiện cho người dân địa phương kinh doanh dịch vụ du lịch, các đặc sản của vùng; tiếp tục đóng góp và cơ cấu ngành của đất nước, tăng tỉ lệ đóng góp của ngành du lịch vào GDP đất nước.

Đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng như Trung Quốc, đây là cơ hội giúp cho các quốc gia này giảm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa. Dự án tạo điều kiện cho các nước tham gia vào đầu tư hợp tác giúp cho hội nhập kinh tế khu vực phát triển bền vững. Từ đó, kênh đào cũng sẽ tác động, tạo cơ sở để hợp tác chính trị trong khu vực bởi tính liên kết chặt chẽ. Các nước cũng có thể thực hiện phân công lao động xã hội khi có thể thúc đẩy nhân lực tham gia vào quá trình xây dựng dự án và vận hành dự án, cải thiện thu nhập của xã hội.

Những tác động tích cực đối với thương mại Campuchia – Việt Nam

Việt Nam và Campuchia vốn là những đối tác thương mại thân thiết trong khu vực: “về thương mại, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Campuchia tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tích cực. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 9,3 tỷ USD, tăng 84% so với năm 2020, trong đó Việt Nam xuất sang Campuchia đạt 4,7 tỷ USD, nhập khẩu từ Campuchia đạt 4,6 tỷ USD” [5].

Ngoài ra, 2 nước luôn có sự đầu tư cho những dự án của nhau, cụ thể: “Việt Nam hiện có 188 dự án đầu tư sang Campuchia còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,846 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài; Campuchia có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 64 triệu USD, đứng thứ 54 trong 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.”[5].

Điều đó cho thấy rằng, trong những năm gần đây, 2 nước đã đạt được kết quả tích cực trong hợp tác song phương. Cũng trong những năm 2019 – 2020, Campuchia và Việt nam đã thực hiện kí kết: Biên bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại. Đây là nền tảng vững chắc cho quan hệ thương mại song phương của hai nước.

Việc tích hợp kênh đào Funan với tuyến đường sắt xuyên Á có khả năng thúc đẩy Việt Nam thực hiện hoàn thiện các cơ sở vật chất, đảm bảo các quy định để xem xét mở một tuyến sang Việt Nam ở các tỉnh phía Nam. Tiêu biểu là thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm tài chính của miền Nam. Khi thực hiện được sự liên kết này, quá trình vận chuyển hàng hóa sẽ được giảm thời gian và chi phí hơn, tạo điều kiện cho sự hợp tác ở biên giới giữa 2 quốc gia được nâng cao.

Khi thực hiện dự án kênh đào Funan, điều này sẽ giúp cho việc cảng biển của 2 nước phát triển và hoạt động mạnh mẽ hơn. Không chỉ cảng Sihanoukville mà rất có thể Kep và Kampot cũng sẽ phát triển hệ thống cảng để thực hiện vận chuyển sang các cảng phía Nam miền Nam, giúp cho năng suất vận chuyển hàng hóa được nâng cao. Ngoài ra, không chỉ phát triển về hệ thống vận chuyển, sự hợp tác cũng sẽ thúc đẩu hai nước hoạt động mạnh mẽ hơn về ngư nghiệp, khai thác khoáng sản. Việc phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ đến từ cả 2 nước sẽ tạo điều kiện cho người dân, nguồn lao động của hai quốc gia có những cơ hội việc làm đa dạng và tốt hơn. Từ những điểm sáng này, 2 nước sẽ có khả năng nhận được đầu tư từ các nước khác trong khu vực, tăng cường hợp tác quốc tế sâu rộng hơn.

Kết luận

Việc thực hiện dự án kênh đào Funan trong Chiến lược Ngũ giác của Vương quốc Campuchia là một điểm sáng mới trong quá trình hội nhập, hợp tác khu vực. Funan có thể sẽ đem lại một số tiềm năng lớn cho bản thân quốc gia này và cả khu vực Đông Nam Á – Trung Quốc nói. Những cơ sở lý luận về dự án dựa trên nền tảng địa lý, cũng như các đơn vị hành chính của Campuchia. Về cơ bản, những tác động tích cực của dự án sẽ đem lại lợi ích chủ yếu về mặt thương mại, giúp tăng năng suất, tiết kiệm quỹ thời gian lao động. Đồng thời, kênh đào có tiềm năng đóng góp cho xã hội khi có thể tạo ra công việc ổn định, bền vững cho người dân xung quanh khu vực này. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa được triển khai chính thức, vẫn cần tiếp tục phải nghiên cứu về tính bền vững lâu dài của nó dựa trên các quy định về môi trường, sinh thái cũng như các vấn đề khác, phù hợp với lợi ích chính đáng của toàn khu vực./.

Tác giả: Trần Khoa

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ: [email protected]

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Hiệp, Sơn Xinh (2023), “Campuchia triển khai Chiến lược Ngũ giác để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”, Báo Nhân dân, https://nhandan.vn/campuchia-trien-khai-chien-luoc-ngu-giac-giai-doan-1-post768947.html

[2] Ry Sochan (2023), “Bassac-Kep waterway link named ‘Funan Techo Canal’”, The Phnom Penh Post; https://www.phnompenhpost.com/national/bassac-kep-waterway-link-named-funan-techo-canal

[3] Kang Sothear (2023), “Cabinet approves $1.7B Tonle Bassac Project”, Khmer Times; https://www.khmertimeskh.com/501294139/cabinet-approves-1-7b-tonle-bassac-project/

[4] Thạch Thông, Duy Hưng (2023), “Campuchia không xây thủy điện trên dòng chính sông Mekong”, VTV, https://vtv.vn/the-gioi/campuchia-khong-xay-thuy-dien-tren-dong-chinh-song-mekong-20230912184916842.htm

[5] Báo Nhân dân (đặc biệt), “Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Campuchia đạt kết quả nổi bật nào?”, https://special.nhandan.vn/kinhte\_vietnam\_canpuchia/index.html

Top comments (0)