Hội trà đá 8

Cover image for Trung Quốc công bố bản đồ mới 2023 nhằm gây áp lực cho các quốc gia trước các Hội nghị thượng đỉnh quan trọng
Polka-dot man
Polka-dot man

Posted on • Originally published at nghiencuuchienluoc.org

Trung Quốc công bố bản đồ mới 2023 nhằm gây áp lực cho các quốc gia trước các Hội nghị thượng đỉnh quan trọng

Ngày 28/8, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc đã công bố “bản đồ tiêu chuẩn” năm 2023. “Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” của Trung Quốc được công bố đúng vào thời điểm sắp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ ngày 5 đến 7/9 tại Jakarta, Indonesia, Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại New Delhi, Ấn Độ từ ngày 9 đến 10/9. Cả hai hội nghị đều có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ngay sau khi công bố xuất bản bản đồ trên, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng, dù đây là công việc mang tính thường niên, mỗi năm công bố một lần của Bắc Kinh. Bản đồ không chỉ thể hiện tham vọng đối với những phần lãnh thổ của các quốc gia Đông Nam Á, mà lần này, đã xuất hiện những “nạn nhân mới” trong tham vọng của Bắc Kinh.

Một số điểm đáng chú ý trong Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 của Trung Quốc

Thứ nhất, Trung Quốc lặp lại yêu sách chủ quyền đối với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á tại khu vực Biển Đông

Như thường lệ, Trung Quốc ngang nhiên đưa các phần lãnh thổ của Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á vào trong bản đồ của họ. Cụ thể, bản đồ mới vẫn tiếp tục đưa các phần của bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ – nơi Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền và Aksai Chin, khu vực phía Bắc Ladakh, vốn bị Trung Quốc chiếm đóng từ sau Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962. Arunachal Pradesh vốn là một bang giáp Tây Tạng, là một phần của Ấn Độ thuộc Anh vào năm 1913-1914 và chính thức được sáp nhập vào Ấn Độ năm 1938. Trung Quốc tiếp tục coi Arunachal Pradesh là một phần của Tây Tạng mà họ chiếm đóng vào năm 19511.

Đối với các nước Đông Nam Á, tham vọng của Trung Quốc tiếp tục thể hiện ở “đường đứt đoạn”. Theo đó, Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên đưa phần lớn Biển Đông vào trong bản đồ tiêu chuẩn mới của họ, trong đó bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng một số đảo mà các nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Indonesia.

Thứ hai, Trung Quốc chính thức nâng cấp “đường 9 đoạn” thành “đường 10 đoạn”

Một điểm mới đáng chú ý trong bản đồ lần này của Trung Quốc nằm ở việc, “đường đứt đoạn” đã phát triển từ “đường 9 đoạn” lên thành “đường 10 đoạn”. Trong đó, đoạn thứ 10 đã bao trùm toàn bộ đảo Đài Loan. Trên thực tế, ý tưởng về đoạn thứ 10 này đã có từ năm 2022 sau sự kiện Chủ tịch Hạ viện Mỹ (ở thời điểm đó là bà Nancy Pelosi) thăm đảo Đài Loan. Đoạn thứ 10 xuất hiện được coi là một biện pháp đáp trả hoạt động ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan.

Trung Quốc công bố bản đồ mới 2023 nhằm gây áp lực cho các quốc gia trước các Hội nghị thượng đỉnh quan trọng 3
Trung Quốc nâng cấp “đường chín đoạn” thành “đường 10 đoạn”

Thứ ba, Trung Quốc bổ sung thêm “nạn nhân mới” trong tham vọng lãnh thổ của mình.

Một điều bất ngờ trong bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 của Bắc Kinh là việc Nga trở thành nạn nhân mới khi bị Trung Quốc xóa bỏ đường biên giới giữa hai nước trên đảo Bolshoy Ussuriysky hay “Ussuri Lớn” (Trung Quốc gọi là Hắc Hạt Tử). Theo học giả Andrey Ostrovsky, Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga: năm 2008, việc phân định biên giới trên đảo Bolshoy Ussuriysky được thực hiện theo thỏa thuận năm 2004, Trung Quốc có một nửa hòn đảo và nửa còn lại thuộc về Nga, dọc theo đường nơi sông Ussuri chảy vào sông Amur2.

Việc biến Nga trở thành nạn nhân của tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc là điều tương đối khó hiểu trong bối cảnh hai nước đang xây dựng mối quan hệ thân thiện, “không giới hạn” hiện nay.

02
Xuất hiện “nạn nhân mới” trong tham vọng xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc.

Nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc “vi phạm có chủ ý” chủ quyền các quốc gia

Đối với Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á, mặc dù các vi phạm của Trung Quốc tạo ra làn sóng phản đối dữ dội, nhưng về cơ bản, động thái của Bắc Kinh không gây bất ngờ. Bởi, tham vọng của nước này không phải bây giờ mới xuất hiện.

Trong trường hợp của Ấn Độ, những năm gần đây, Trung Quốc khó có thể hài lòng với chính sách đa phương của Ấn Độ. Đặc biệt là việc New Delhi tham gia vào các cơ chế liên kết an ninh do Mỹ giữ vai trò chủ đạo (trường hợp nhóm Bộ Tứ – QUAD). Cùng với những mâu thuẫn từ tranh chấp lãnh thổ hơn nửa thế kỷ qua, Bắc Kinh đang thể hiện một chính sách cứng rắn đối với cường quốc láng giềng. Việc duy trì mâu thuẫn với Ấn Độ ngoài những tác động đã được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra, một điểm mấu chốt có thể cần xem xét, đó là việc Bắc Kinh coi mâu thuẫn với một cường quốc như Ấn Độ như một “con bài tẩy” trong chiến lược toàn cầu của họ. Cụ thể hơn, trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ, việc Ấn Độ đổi chiều có thể làm đảo lộn cán cân quyền lực toàn cầu. Và khi cần thiết, Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp thỏa hiệp để đưa Ấn Độ xích lại gần họ.

Đối với các quốc gia Đông Nam Á, việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) đang bắt đầu với những vòng đầu tiên. Đây sẽ là một văn kiện có ảnh hưởng rất lớn đối với các bên có liên quan. Việc công bố bản đồ mới 2023 của Trung Quốc cho thấy một phần nước này muốn có nhiều thứ để có thể mặc cả hơn trong quá trình đàm phán. Mặt khác, Bắc Kinh cũng sẽ lấy nó làm cơ sở để chuẩn bị cho cuộc đua chiến lược với các siêu cường toàn cầu, đặc biệt là Mỹ.

Đối với Đài Loan, việc đưa ra “đường 10 đoạn” là một lời khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh đối với hòn đảo này. Đồng thời cũng cho thấy quyết tâm đưa Đài Loan trở về Đại Lục của họ. Rõ ràng từ sau sự kiện bà Nancy Pelosi đến Đài Loan, quyết tâm của Bắc Kinh đã được đẩy cao hơn bao giờ hết.

Đối với trường hợp của Nga, việc Trung Quốc đưa phần lãnh thổ trên đảo Bolshoy Ussuriysky vào bản đồ có vẻ là phi logic bởi quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Thậm chí trong nhiều lĩnh vực, quan hệ của hai bên được coi như một liên minh. Trung Quốc rõ ràng không có nhiều động lực để vi phạm chủ quyền lãnh thổ với Nga ở thời điểm hiện tại. Những phản ứng mờ nhạt của Nga trong những ngày qua cũng đang cho thấy những khúc mắc khó hiểu này. Vậy, có thể giải thích như thế nào về động thái vi phạm của Trung Quốc đối với Nga? Theo nhận định của một số chuyên gia, có ba khả năng: Thứ nhất, có thể là sự nhầm lẫn vô tình hay một sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên, khả năng này không cao do năng lực của các cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc đã được chứng minh. Một “nhầm lẫn” nghiêm trọng như vậy khó có thể bị bỏ sót. Thứ hai, có khả năng nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu của Trung Quốc đã có tác động tới tấm “bản đồ tiêu chuẩn 2023”. Quan điểm của nhóm này cho rằng Nga đã chiếm các vùng đất này từ tay nhà Thanh năm 1858 theo Hiệp ước Aigun và năm 1860 theo Hiệp ước Bắc Kinh. Học giả Andrey Ostrovsky, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã đề cập đến vấn đề này trong một bài phỏng vấn ngày 31/8/20233. Thứ ba, khả năng Trung Quốc đưa ra một quyết định có chủ ý, thống nhất từ thượng tầng chính trị. Thông qua động thái này, Bắc Kinh muốn “kiểm tra” phản ứng của đối tác trong mối quan hệ “không giới hạn” của họ. Sau “bài kiểm tra”, Trung Quốc có thể có những tính toán xa hơn trong quan hệ với Nga. Trường hợp Nga phản ứng ôn hòa, Bắc Kinh hoàn toàn có thể yên tâm ở phía Bắc, tập trung toàn bộ mối quan tâm của họ vào phía Đông. Trong các khả năng nói trên, khả năng thứ nhất khó xảy ra nhất, hai khả năng còn lại đều có thể là nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc đưa đảo Bolshoy Ussuriysky vào Bản đồ tiêu chuẩn 2023 của Trung Quốc.

Một số phản ứng của các quốc gia có liên quan đến vi phạm chủ quyền của Trung Quốc

Sau khi Trung Quốc công bố bản đồ tiêu chuẩn 2023, hầu hết các bên liên quan đều lên tiếng phản đối gay gắt. Riêng trường hợp của Nga có phản ứng một cách ôn hòa, không có động thái phản đối rõ ràng như Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.

Cụ thể, ngày 29/8, Ngoại trưởng S. Jaishankar của Ấn Độ đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về lãnh thổ tranh chấp và khẳng định những khu vực này thuộc về Ấn Độ. Ông nêu rõ: “Việc (Bắc Kinh) đưa ra tuyên bố vô lý về lãnh thổ của Ấn Độ không khiến lãnh thổ đó trở thành của Trung Quốc”4. Trước đó, New Delhi cũng đã nhiều lần tuyên bố với Bắc Kinh rằng “Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ”5.

Với Philippines, Bộ Ngoại giao nước này đã bác bỏ bản đồ thể hiện sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. “Nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”. Đồng thời, Philippines cũng khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 đã vô hiệu hóa các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông và “đường chín đoạn” của Bắc Kinh “không có hiệu lực pháp lý”6. Lực lượng vũ trang Philippines và Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của nước này cũng đã lần lượt lên tiếng phản đối bản đồ của Trung Quốc. Trợ lý Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jonathan Malaya cho biết: “Nếu bản đồ được chính thức xác nhận là do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ban hành, thì NSC sẽ đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) trao công hàm phản đối mạnh mẽ đối với việc ban hành bản đồ này, vì điều đó xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines”7. Ngoài ra, Manila cũng đang có động thái nhằm thúc đẩy ASEAN đưa ra một tuyên bố chung về “bản đồ tiêu chuẩn 2023” cũng như các hành động khác ở biển Đông của Trung Quốc.

Đối với Malaysia, Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh: “Malaysia không công nhận các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, như được nêu trong “Bản đồ tiêu chuẩn Trung Quốc 2023”. Bản đồ này không có thẩm quyền ràng buộc đối với Malaysia. Kuala Lumpur lưu ý rằng bản đồ mới cho thấy “các yêu sách biển đơn phương” của Trung Quốc và chúng xâm phạm chủ quyền của Malaysia ở Sabah và Sarawak8.

Với Việt Nam, ngày 31/8/2023, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cũng đã khẳng định: Việc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Trung Quốc công bố cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”, trong đó bao gồm Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như thể hiện yêu sách đường đứt đoạn là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Do đó, yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Một lần nữa Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn9.

Riêng với trường hợp của Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga đã nói rằng: “Việc phân định biên giới chung của hai nước đã được hoàn thành dọc theo toàn bộ chiều dài của nó (gần 4.300 km), bao gồm cả đảo Bolshoy Ussuriysky vào năm 2008. Nga và Trung Quốc đã nhiều lần xác nhận không có yêu sách lãnh thổ chung”. Đồng thời một nguồn tin kết luận rằng: “tấm bản đồ không ảnh hưởng đến kết quả phân định biên giới đã có trước đó, và nó liên quan đến vấn đề kỹ thuật hơn là vấn đề chính trị”10.

Có thể thấy, phản ứng của Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á không quá khác biệt so với những lần Trung Quốc có hành động vi phạm tương tự. Trong khi đó, lần đầu tiên sau 15 năm ký hiệp định phân chia ranh giới trên đảo Bolshoy Ussuriysky, Nga bị “đối tác” quan trọng nhất của họ xâm phạm. Đó cũng là lý do khiến Nga có những phản ứng mang tính thận trọng hơn.

Đâu là mục đích đằng sau việc Trung Quốc công bố Bản đồ tiêu chuẩn 2023?

Việc công bố tấm bản đồ nằm trong hoạt động thường niên của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc, mặc dù thời điểm không mang tính đột xuất, nhưng sự việc vẫn chứa nhiều ẩn ý có tác động không nhỏ tới chính sách đối ngoại của nước này.

Trước tiên, đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc, có thể thấy Trung Quốc có thể thu được nhiều kết quả tích cực từ những “vi phạm có chủ ý” này. Sự việc có thể giúp Bắc Kinh hiểu rõ hơn phản ứng của các bên có liên quan, đặc biệt là Nga. Nếu đây được coi là một cuộc thử nghiệm, Trung Quốc sẽ thu về được nhiều thông tin, từ đó giả lập được nhiều tình huống phục vụ cho tham vọng trong tương lai của họ. Và điểm mấu chốt, bằng cách đẩy mâu thuẫn với xung quanh lên một nấc thang mới, Bắc Kinh sẽ có thêm nhiều thứ để có thể mặc cả hơn trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

Nhìn chung, đã xuất hiện nhiều điểm mới trong những tính toán của Trung Quốc thông qua việc công bố bản đồ tiêu chuẩn năm 2023. Phản ứng của các nước như Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á là điều hoàn toàn có thể dự đoán được. Bên cạnh đó, có hai điểm mới sẽ cần quan tâm trong thời gian tới: Một là, Trung Quốc sẽ có nhận định ra sao đối với phản ứng của Nga. Và liệu rằng họ có điều chỉnh lại bản đồ theo hướng coi đó là một “sự cố kỹ thuật” để thể hiện sự coi trọng đối với mối quan hệ “không giới hạn” của mình hay không. Hai là, việc thay đổi “đường chín đoạn” thành “đường mười đoạn” đã thể hiện quyết tâm cao hơn của Bắc Kinh đối với vấn đề Đài Loan. Hòn đảo này có lý do để lo lắng hơn cho tương lai của mình. Loạt sự việc gần đây cũng sẽ kéo theo mối lo ngại về tình hình an ninh eo biển Đài Loan và Biển Đông trong tương lai.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, việc Trung Quốc công bố Bản đồ tiêu chuẩn 2023 vào thời điểm này có thể tạo ra nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực. Ở góc độ tiêu cực, bản đồ mới của Trung Quốc sẽ làm giảm uy tín đáng kể đối với chiến lược toàn cầu mới của họ. Tham vọng xây dựng cộng đồng chung vận mệnh sẽ chỉ là một khẩu hiệu sáo rỗng nếu như vấn đề chủ quyền không được tôn trọng. Các Sáng kiến Phát triển Toàn cầu cũng như Sáng kiến An ninh Toàn cầu sẽ gặp thách thức lớn khi chính người khởi xướng đi ngược lại với tinh thần mà họ đã đề ra.

Cũng cần lưu ý rằng, các mâu thuẫn với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á vẫn là điều đã tồn tại từ lâu. Điểm mới chủ yếu của tấm bản đồ liên quan tới vấn đề Đài Loan và “nạn nhân mới” là Nga. Động thái của Trung Quốc có thể đã đặt ra một dấu hỏi lớn đối với Nga trong quan hệ song phương từ sự việc lần này. Nga có thể sẽ đặt ra câu hỏi, liệu Trung Quốc có thực sự tôn trọng mối quan hệ mà họ coi là “không giới hạn”? Điều đó ít nhiều có thể gợi lại những thời khắc đen tối trong quan hệ giữa hai nước trong thế kỷ XX.

Trong thời gian tiếp theo, Hội nghị Thượng đỉnh G-20 sẽ được tổ chức, BRICS mở rộng hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vẫn còn nhiều việc cần làm và Trung Quốc vẫn là một nhân tố quan trọng. Tuy nhiên, sự việc liên quan tới tấm Bản đồ tiêu chuẩn 2023 có thể sẽ khiến quan hệ của Trung Quốc với nhiều đối tác trong các cơ chế đa phương này trở nên xấu đi. Điều đó sẽ khiến các tham vọng lớn của Trung Quốc có thể bị hoài nghi và chững lại.

Tác giả: Hoàng Hải

Tài liệu tham khảo

  1. National Herald (2020), China includes Arunachal in its updated map, https://www.nationalheraldindia.com/national/china-includes-arunachal-in-its-updated-map

  2. Павел Воробьев, Дмитрий Новиков (2023), “Китай «забрал» себе часть Хабаровского края. Почему молчит Москва?”, News, 31/8/2023, https://news.ru/asia/kitaj-zabral-sebe-chast-habarovskogo-kraya-pochemu-molchit-moskva/

  3. Елена Стафеева (2023), “Почему Китай присвоил на картах российский остров”, LIFE, https://life.ru/p/1604005

  4. Kadambini Sharma (2023), “After India Calls China Map Move “Absurd”, Beijing Says “Routine Exercise””, NDTV, 30/8/2023, https://www.ndtv.com/india-news/china-map-arunachal-pradesh-aksai-chin-s-jaishankar-after-india-calls-china-map-move-absurd-beijing-says-routine-exercise-4342935

  5. NDTV (2023), Arunachal Pradesh An Integral Part Of India: US After China ‘Renames’ 11 Places, 05/4/2023, https://www.ndtv.com/india-news/arunachal-pradesh-an-integral-part-of-india-us-after-china-renames-11-places-3921259

  6. Philstar (2023), Act responsibly: Philippines rejects China’s ‘2023’ map showing 10-dash line, 31/8/2023, https://www.philstar.com/headlines/2023/08/31/2292801/act-responsibly-philippines-rejects-chinas-2023-map-showing-10-dash-line

  7. GMA Integrated News (2023), China’s new ’10-dash line’ map shows extended claims in SCS, 30/8/2023, https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/880601/china-s-new-10-dash-line-map-shows-extended-claims-in-scs-carpio/story/

  8. Aljazeera (2023), Malaysia rejects new China map claiming entire South China Sea, 31/8/2023, https://www.aljazeera.com/news/2023/8/31/malaysia-rejects-new-china-map-claiming-entire-south-china-sea

  9. TTXVN (2023), Việt Nam phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc dựa trên đường đứt đoạn, 31/8/2023, https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-phan-doi-moi-yeu-sach-cua-trung-quoc-dua-tren-duong-dut-doan/891912.vnp

  10. Кирилл Соколов, Анастасия Куницына, Екатерина Костина (2023), “Захарова прокомментировала карту Китая с российскими территориями”, РБК, 31 авг, https://www.rbc.ru/politics/31/08/2023/64f0b5659a79472ca25564d3?from=newsfeed

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược, mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]

Latest comments (0)