Hội trà đá 8

Cover image for Đánh giá toàn diện “Chiến tranh phức hợp” tại Ukraine - Phần đầu
Polka-dot man
Polka-dot man

Posted on • Originally published at nghiencuuchienluoc.org

Đánh giá toàn diện “Chiến tranh phức hợp” tại Ukraine - Phần đầu

Lý thuyết “Chiến tranh phức hợp” đã phá vỡ ranh giới quân sự một chiều của chiến tranh và xung đột, phản ánh đặc điểm đa chiều và đa lĩnh vực của chiến tranh hiện đại. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, phe phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã phát động một cuộc đối đầu “chiến tranh phức hợp” toàn diện với Nga. Phối hợp các biện pháp quân sự truyền thống, chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, chiến tranh kinh tế, huy động tổng hợp tất cả các nguồn lực sẵn có để thực hiện mục tiêu chiến lược của mình. Là xu hướng chính của hình thái chiến tranh hiện nay, “chiến tranh phức hợp” thể hiện xu thế phát triển mới mang tính thời đại công nghệ mạnh mẽ. Tính mơ hồ của hệ thống mạnh và tính phá hủy của quy tắc mạnh, là sự phản ánh quan trọng của cục diện thay đổi chưa từng có trong thế kỷ này trong lĩnh vực chiến tranh. Khi các phương thức “chiến tranh phức hợp” tiếp tục mở rộng, ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình dần bị phá vỡ. Phạm vi của chiến tranh và xung đột ngày càng trở nên mơ hồ. Các quy tắc chiến tranh hiện có cùng với hòa bình và phát triển của thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Sự không chắc chắn đối với trật tự hệ thống quốc tế ngày càng gia tăng.

Carl Von Clausewitz, trong cuốn “Bàn về chiến tranh” đã chỉ ra rằng chiến tranh là sự tiếp nối của chính trị, là hành động bạo lực có tổ chức của các thực thể chính trị như quốc gia nhằm thúc đẩy lợi ích và mục tiêu chính trị của mình bằng cách sử dụng sức mạnh để ép buộc kẻ thù tuân theo ý chí của họ. Chiến tranh thông thường có căn cứ vào điều này, thông qua sự đối đầu trực tiếp của lực lượng quân sự thông thường để làm suy yếu hoặc tiêu diệt đối thủ từ phương diện vật lý. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, việc phân phối quyền lực trong cộng đồng quốc tế trở nên phân tán. Cuộc cạnh tranh chính trị quốc tế trở nên tổng hợp hơn, sự đối đầu giữa quyền lực chính trị và quân sự đơn thuần ngày càng chuyển dịch theo hướng đa lĩnh vực, đa chiều. Hình thái chiến tranh cũng vì vậy mà đã có sự thay đổi to lớn. Lý thuyết “chiến tranh phức hợp” (hybrid warfare) cho rằng, chiến tranh hiện đại đã phá vỡ giới hạn quân sự truyền thống. Các phương thức chiến đấu phi quân sự như chiến tranh đặc biệt, chiến tranh chống khủng bố và các biện pháp phi quân sự như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng đều được phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân sự thông thường, hình thành các hình thức chiến tranh đa dạng, phức tạp.

Mỹ và Nga là những nước thực hành và đi đầu trong lý thuyết “Chiến tranh phức hợp”. Hai cuộc khủng hoảng ở Ukraine vào năm 2014 và 2022 là minh chứng cho việc Mỹ và Nga đã triển khai đối đầu trực tiếp thông qua “Chiến tranh phức hợp”. Mỹ sử dụng hỗn hợp các biện pháp răn đe quân sự, trừng phạt kinh tế, gây áp lực ngoại giao, chiến tranh thông tin để hạn chế và chèn ép Nga. Trong khi Nga cũng áp dụng các biện pháp đối xứng và phi đối xứng để đáp trả Mỹ. Bài viết này cố gắng phân tích và giải thích nội dung của “Chiến tranh phức hợp”, kết hợp với các biện pháp mà Mỹ và Nga đã sử dụng trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine lần này, tổng hợp xu hướng phát triển mới của lý thuyết “Chiến tranh phức hợp” và tác động của nó.

Nội dung của “chiến tranh phức hợp”

“Chiến tranh phức hợp” được nói đến là một dạng chiến tranh kiểu mới, trong đó trong bối cảnh xảy ra chiến tranh thông thường hoặc xung đột quân sự, các thực thể quốc gia hoặc phi quốc gia sử dụng kết hợp lực lượng quân sự thông thường và phi quân sự, cùng với các biện pháp chính trị, kinh tế, ngoại giao, thông tin và các phương tiện phi quân sự khác để đạt được mục tiêu quân sự và chính trị của họ. Sau vụ “11/9”, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như khủng bố quốc tế đã tăng mạnh. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã lần lượt phát động chiến tranh ở Afghanistan và Iraq lấy danh nghĩa chống khủng bố thúc đẩy xây dựng thế giới đơn cực dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Đối mặt với tình hình phức tạp ở Trung Đông, quân đội Mỹ nhận ra rằng chiến tranh thông thường không còn đủ hiệu quả để đối phó với các mối đe dọa kết hợp đến từ các đối thủ đa dạng. Từ đó, họ dần hình thành lý luận “chiến tranh phức hợp” trong thực tiễn chiến tranh của mình.

Sự hình thành ban đầu của lý thuyết “chiến tranh phức hợp”

Dựa trên kinh nghiệm chiến đấu chống khủng bố, trong cuốn sách của mình mang tựa đề “Xung đột thế kỷ 21: Sự xuất hiện của chiến tranh phức hợp”, chuyên gia quân sự Mỹ Frank Hoffman đã chỉ ra rằng ưu thế quân sự của Mỹ đã đẩy đối thủ ra khỏi các hình thức chiến tranh truyền thống. Chiến tranh thông thường quy mô lớn và chiến tranh không quy tắc quy mô nhỏ đang dần hòa nhập, phát triển thành “chiến tranh phức hợp” với sự hiện diện của cấu trúc chính trị được phân cấp, phương tiện chiến đấu hỗn hợp và hình thức chiến tranh mờ nhạt. ① Báo cáo “Đánh giá Quốc phòng bốn năm một lần” của Mỹ năm 2010 đã chính thức và trình bày có hệ thống lý thuyết về “chiến tranh phức hợp”, đánh dấu sự chấp nhận của giới lãnh đạo quân sự Mỹ, trở thành tư tư tưởng chỉ đạo của Mỹ trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh đa dạng. Báo cáo chỉ ra rằng tình hình chiến tranh trong tương lai sẽ ngày càng phức tạp, các chủ thể tham chiến đa dạng hóa, ranh giới xung đột sẽ trở nên mơ hồ hơn, đối thủ ngày càng nghiêng về sử dụng phương pháp tác chiến tổng hợp tạo ra mối đe dọa hỗn hợp đối với Mỹ. Một mặt, các nước thù địch kiềm chế Mỹ thông qua tác chiến lâu dài, hỗ trợ đối tác xâm nhập và đe dọa Mỹ. Mặt khác, các thực thể phi quốc gia can thiệp vào xung đột, sử dụng các phương pháp tấn công khủng bố và các phương tiện phi truyền thống để đe dọa an ninh của Mỹ. ② Năm 2011, “Điều lệ lục quân Mỹ” được công bố đã mô tả thêm mối đe dọa hỗn hợp mà Mỹ đối mặt là “ sự kết hợp rộng rãi và đa dạng của lực lượng chính quy và không chính quy, lực lượng khủng bố và các phần tử tội phạm, hoặc tất cả các lực lượng này và tội phạm liên kết lại với nhau tạo thành một hiệu ứng bổ sung” (3).

Về mặt tổng thể sự nhận thức ban đầu của Mỹ về “chiến tranh phức hợp” liên quan đến việc làm thế nào vận dụng tổng hợp phương thức tác chiến thông thường và độc đáo để ứng phó với mô hình tác chiến hỗn hợp đến từ các thế lực thù địch. Cùng với đó, quân đội Mỹ bắt đầu triển khai mô hình huấn luyện “tác chiến bốn khu vực”, tức là thực hiện diễn tập chiến đấu thông thường với quân đội truyền thống tại một khu vực trong khi ở ba khu vực khác lần lượt diễn ra huấn luyện chống khủng bố, kiềm chế bạo loạn và cứu hộ. Có hai điểm cần lưu ý: thứ nhất, sự quan tâm của Mỹ đang dần được hướng vào các đối thủ không truyền thống và các thách thức không thông thường, chủ yếu từ các thực thể không phải là quốc gia; thứ hai, do cuộc chiến ở lĩnh vực phi quân sự không có điều kiện đối đầu trực tiếp, vì vậy đối đầu quân sự vẫn là trục chính của chiến tranh. Đặc trưng của “chiến tranh phức hợp” thể hiện rõ ở sự đa dạng hóa binh chủng thực hiện trên cơ sở chiến tranh thông thường. Chủ yếu bao gồm việc thực hiện chiến tranh thông thường quy mô lớn kết hợp với các phương thức chiến đấu không thông thường như chiến tranh du kích và chiến tranh chống khủng bố.

Trong giai đoạn này, Nga cũng chú ý đến xu hướng đa dạng hóa của chiến tranh hiện đại, lý thuyết “chiến tranh phức hợp” kiểu Nga cũng dần hình thành. Dựa trên thực tiễn chiến tranh can thiệp trong cuộc nội chiến Syria, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga Valery Gerasimov đã chỉ ra vào năm 2013 rằng “chiến tranh phức hợp” là đặc điểm điển hình của chiến tranh thế kỷ 21. Nó đòi hỏi quân đội phải sử dụng tổng hợp các phương tiện chính trị, kinh tế, thông tin, chủ nghĩa nhân đạo và các biện pháp phi quân sự khác. Phối hợp với tình trạng bạo loạn bất ổn và các hoạt động quân sự bí mật trong khu vực chiến sự để làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của đối thủ (4). Tương tự như học thuyết “chiến tranh phức hợp” theo kiểu Mỹ, sự nhận thức của Gerasimov về “chiến tranh phức hợp” cũng giới hạn trong việc quân sự chiếm ưu thế trong cuộc xung đột. Trong đó các lực lượng tác chiến phi thông thường như lực lượng đặc nhiệm đặc biệt quan trọng, chủ yếu thông qua việc tiến hành nhiệm vụ gián điệp và phá hoại quy mô lớn dưới vỏ bọc của các hoạt động gìn giữ hòa bình, chiến tranh thông tin và tiến hành xâm nhập từ bên trong ra ngoài vào các quốc gia đối địch. Từ đó đạt được mục tiêu chiến lược mà các biện pháp quân sự thông thường không thể đạt được.

Sự phát triển của lý thuyết “chiến tranh phức hợp”

Ngày 21/11/2013, Tổng thống Ukraine đương nhiệm Viktor Fedorovych Yanukovych tuyên bố ngừng ký kết thỏa thuận chính trị và thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Ngay sau đó, phe thân châu Âu của Ukraine bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chính phủ quy mô lớn, yêu cầu chính phủ tiếp tục ký kết thỏa thuận với Liên minh châu Âu, bãi nhiệm Yanukovych và tổ chức bầu cử Tổng thống trước thời hạn. Cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu từ đó. Trong thời gian này, các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã bí mật tài trợ cho phe đối lập Ukraine, khiến Tổng thống Viktor Yanukovych thân Nga từ chức bằng cách truyền bá thông tin sai lệch và dẫn dắt dư luận mạng. Đồng thời, Mỹ cũng tổ chức các cuộc tấn công mạng vào các phương tiện truyền thông chính thống của Nga, hạn chế kênh cung cấp thông tin, ngăn chặn và làm suy yếu sức ảnh hưởng của Nga ở Ukraine. Sau khi xảy ra cuộc xung đột ở Donbass vào tháng 2/2014, Mỹ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền mới của Ukraine chống lại Nga, thậm chí tăng cường lực lượng quân sự tới 3 nước vùng Baltic để thực hiện răn đe quân sự chống lại Nga.

Nga nhận định cuộc khủng hoảng Ukraine là một “cuộc cách mạng màu” do các nước phương Tây phát động, là một phần cốt lõi của “chiến tranh phức hợp” do Mỹ khởi xướng, và cần phải áp dụng các biện pháp tương ứng để đáp trả. Một mặt, quân đội Nga cùng với các lực lượng thân Nga tại Ukraine đã thúc đẩy việc quân sự hóa các hoạt động chống lại chính phủ, lật đổ các cơ quan chính phủ quan trọng của Ukraine từ bên trong ra ngoài. Mặt khác, Nga đã tập hợp các thành viên của lực lượng đặc biệt Ukraine “Berkut” chủ yếu là người gốc Nga, tiến hành tấn công bất ngờ vào căn cứ hải quân Ukraine tại Sevastopol, Crimea, nhanh chóng chiếm được ưu thế trên chiến trường. Ngoài ra, Nga cũng đã tạo ra sự hỗn loạn ở miền Đông Ukraine bằng cách nghe lén thông tin quân sự của Ukraine, thực hiện các biện pháp vô hiệu vô tuyến điện. Lợi dụng các phương tiện truyền thông như “Nước Nga ngày nay” (Today Russia), hãng thông tấn “Sputnik” và TASS để vạch trần sự thao túng của các nước phương Tây đối với tình hình chính trị ở Ukraine. Công bố các bê bối như đoạn ghi âm điện thoại của Thủ tướng Ukraine thân phương Tây Yulia Tymoshenko coi thường tính mạng của người dân Nga. Từ đó chi phối quan điểm của dư luận quốc tế, thúc đẩy Crimea thông qua cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga.

Sau khi cuộc khủng hoảng bùng phát, các quốc gia phương Tây đã công khai chỉ trích Nga tiến hành “chiến tranh phức hợp” tại Ukraine. Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Franklin D. Kramer, cho biết Nga đã sử dụng một loạt các biện pháp trong khủng hoảng, bao gồm xâm nhập trực tiếp, hỗ trợ các nhóm vũ trang nổi dậy, hỗ trợ bạo loạn, cắt nguồn cung cấp năng lượng và tiến hành tuyên truyền kích động. Ông cũng chỉ ra rằng chính sách phòng thủ chiến lược của Mỹ phải được cập nhật, không chỉ có khả năng dự đoán hành động của đối phương và nhanh chóng đối phó với các cuộc lật đổ và phá hủy các cơ quan chính phủ chủ chốt, mà còn cần phải có khả năng tiến hành tấn công hoặc phản công trực tiếp khi cần thiết. (5) Phía Nga cũng đánh giá cao việc tổng kết cuộc khủng hoảng, Gerasimov đã trình bày lần đầu tiên một cách hệ thống về lý thuyết “chiến tranh phức hợp” của quân đội Nga tại Hội nghị tổng kết công tác của Học viện Khoa học Quân sự Nga năm 2015. Ông chỉ ra rằng phương pháp đấu tranh để đối phó với xung đột hiện đại không còn là đối đầu quân sự thuần túy, mà chuyển sang sử dụng tổng hợp các biện pháp phi quân sự như chính trị, kinh tế, thông tin, dựa trên sức mạnh quân sự, thông qua việc thực hiện các cuộc tấn công vũ trang tối thiểu để đạt được các yêu cầu chính trị. Ông cũng nhấn mạnh rằng các phương tiện chính của “chiến tranh phức hợp” bao gồm “cách mạng màu”, tấn công mạng, tạo ra áp lực thông tin, tâm lý hỗ trợ phe đối lập (6). Trong đó “cách mạng màu” là phương thức cốt lõi để các nước phương Tây thực hiện “chiến tranh phức hợp”. Chủ yếu là thông qua việc tạo ra các sự kiện đám đông trong nội bộ các nước thù địch, thao túng truyền thông để thực hiện có hiệu quả sự thay đổi chính quyền quốc gia của họ mà không cần sử dụng bạo lực.

Trải qua thực tiễn của cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, nhận thức của Mỹ và Nga về “chiến tranh phức hợp” đều đã phá vỡ giới hạn quân sự một chiều, thể hiện tính đa chiều và tính đa lĩnh vực. Một mặt, “chiến tranh phức hợp” đã mở rộng ra các lĩnh vực mới phi quân sự như không gian mạng, vũ trụ, ngoại giao, công nghệ thông tin, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và các lĩnh vực khác, trở thành một hình thức mới của cuộc đối đầu toàn diện giữa các cường quốc. Mặt khác, tỷ trọng của các yếu tố được liên quan đến “chiến tranh phức hợp” đã thay đổi, trong đó vai trò của các biện pháp phi quân sự đã tăng lên, chiếm tỷ lệ lên đến 70-80%, trong khi tỷ trọng của các hoạt động quân sự đã giảm xuống, chỉ chiếm dưới 20%. (7) Tuy nhiên, sự chú ý đặc biệt của Mỹ và Nga đối với các biện pháp phi quân sự không có nghĩa là các hoạt động quân sự không còn quan trọng trong “chiến tranh phức hợp”. Chẳng hạn, mùa hè năm 2014, khi các biện pháp phi quân sự của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine gần như bị tiêu diệt, các nhóm chiến thuật trung đội của Nga (battalion tactical groups) đã tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến với quân đội Ukraine, triển khai đối kháng quân sự thông thường như lực lượng thiết giáp, chiến đấu bộ binh đô thị, pháo hạng nặng… Làm cho cuộc xung đột trở nên có đặc điểm của một cuộc chiến tranh thông thường có giới hạn. Ngày 04/3/2019, trong báo cáo tại Hội nghị tổng kết của Học viện Khoa học Quân sự Nga, Gerasimov chỉ ra rằng Nga đang đối mặt với các chủ thể xung đột ngày càng phức tạp, cần phải sử dụng tổng hợp các biện pháp phi quân sự như chính trị, ngoại giao, thông tin để đối phó một cách hiệu quả. Khi các biện pháp phi quân sự không thể đạt được mục tiêu đã đề ra, việc sử dụng lực lượng quân sự trở thành biện pháp cần phải áp dụng. (8) Trong khi đó, Mỹ từ lâu đã triển khai quân đội xung quanh khu vực biên giới của Nga để thực hiện sự răn đe quân sự, như tăng cường việc triển khai quân đội thông thường tại châu Âu, thúc đẩy quá trình triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa trên lục địa này. Đồng thời tăng cường năng lực tác chiến của quân đội Ukraine thông qua hỗ trợ tài chính, vũ khí và đào tạo quân đội. Do đó, có thể thấy rằng trong giai đoạn này, cả Mỹ và Nga đều thực hiện các nguyên tắc chiến đấu dựa trên sức mạnh vũ trang vẫn đóng vai trò quyết định. (9)

Thực tiễn lý thuyết “Chiến tranh phức hợp” trong cuộc khủng hoảng Ukraine

Ngày 24/02/2022, cuộc khủng hoảng Ukraine lại bùng phát khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại Ukraine. Mỹ công khai ủng hộ hành động đáp trả quân sự của Ukraine, cung cấp viện trợ quân sự, kinh tế và kỹ thuật cho Kiev, đồng thời áp đặt trừng phạt toàn diện đối với Nga. Mục tiêu chiến lược của Mỹ là làm suy yếu Nga về mọi mặt, thúc đẩy Nga thất bại chính trị, nó được thể hiện một cách toàn diện trong thực tiễn linh hoạt và đa dạng của “chiến tranh phức hợp”. Lý thuyết “chiến tranh phức hợp” cũng trở thành vũ khí lợi hại tiềm tàng để Nga ứng phó và chống lại các thách thức của phương Tây. Nga vận dụng tổng hợp phương thức tác chiến thông thường và không thông thường, các biện pháp quân sự và phi quân sự. Một mặt thực hiện sức ép quân sự và tấn công vũ lực vào Ukraine, mặt khác sử dụng chiến tranh kinh tế, chiến tranh thông tin, chiến tranh ngoại giao để cân bằng với các nước phương Tây. Ngoại giao ăn miếng trả miếng, tấn công mạng, cuộc chiến truyền thông, các biện pháp trừng phạt và phản trừng phạt giữa hai bên đã xuất hiện đầy đủ trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine lần này.

Chiến tranh ngoại giao

Từ năm 2014, Mỹ và các đồng minh từng bước thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược với Ukraine về mặt ngoại giao trong nỗ lực đưa nước này vào phe phương Tây. Tháng 6 năm 2021, các thành viên của NATO đã cùng nhau phát hành Tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh Brussels, công khai ủng hộ tư cách thành viên NATO của Ukraine, nhấn mạnh việc phát huy vai trò của Ủy ban NATO-Ukraine. Tiếp tục mở rộng hợp tác an ninh với Ukraine dựa trên các sáng kiến hợp tác quân sự và tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa hỗn hợp từ bên ngoài. ⑩Ngày 10 tháng 11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã ký kết phiên bản mới của “Hiến chương Đối tác Chiến lược Mỹ-Ukraine”, cho thấy Washington sẽ hỗ trợ toàn diện cho Ukraine chống lại cuộc tấn công vũ trang, phá hoại năng lượng và kinh tế cũng như các hoạt động tấn công mạng từ Nga. Tôn trọng ý chí gia nhập NATO của Ukraine và thúc đẩy sự hội nhập toàn diện của Kiev vào châu Âu; Đồng thời, Nga phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế như việc sáp nhập Crimea, kiểm soát xung đột vũ trang ở Donetsk và Luhansk. Nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cho đến khi lãnh thổ của Ukraine được phục hồi về biên giới được quốc tế công nhận. (11) Đáp lại, tại Hội nghị mở rộng Ủy ban Bộ Ngoại giao Nga, ông Putin chính thức đề xuất sáng kiến “bảo đảm an ninh”, đề xuất thảo luận với các quốc gia phương Tây về các vấn đề quan trọng liên quan đến việc mở rộng NATO về phía Đông và tình hình an ninh của Ukraine. Ngày 15/12, Nga đã gửi hai bản dự thảo về “Hiệp ước bảo đảm an ninh Nga-Mỹ” và “Thỏa thuận về các biện pháp bảo đảm an ninh giữa Nga và các nước thành viên NATO” cho Mỹ, yêu cầu NATO loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập, dừng việc mở rộng về phía Đông và từ bỏ mọi hoạt động quân sự tại Ukraine, Đông Âu, Kavkaz và Đông Á, nhưng không được Mỹ và các đồng minh coi trọng. (12)

Đối mặt với việc NATO không ngừng mở rộng về phía Đông và các hành động chống Nga nhằm thúc đẩy Ukraine hội nhập vào phương Tây, Nga đã tăng tốc chiến lược “xoay trục về phía Đông” và sử dụng các biện pháp ngoại giao để chia rẽ phe phương Tây, từng bước phá bỏ sự phong tỏa ngoại giao của phương Tây đối với mình. Trước hết, Nga không ngừng làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Ngay từ ngày 20/5/2014, hai quốc gia đã ra tuyên bố chung, đưa quan hệ Nga-Trung lên mức độ “hợp tác chiến lược toàn diện” mới. Ngày 5/6/2019, hai bên đã tiến thêm một bước nữa bằng việc nâng cao mối quan hệ thành “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thời kỳ mới”. Ngày 21/3/2023, nguyên thủ của hai quốc gia nhấn mạnh rằng mối quan hệ Nga-Trung đã đạt đến mức cao nhất trong lịch sử và sẽ tiếp tục phát triển, tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thời kỳ mới giữa hai bên. Thứ hai, mối quan hệ của Nga với các nước BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ngày càng chặt chẽ. Một mặt, Moscow tích cực tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo các nước BRICS, triển khai hợp tác nhóm “BRICS +” và các cuộc đối thoại ngoại vi với các nước BRICS. Mặt khác, đẩy mạnh cải thiện cơ chế hiện tại của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, thúc đẩy xây dựng nền tảng hợp tác khu vực chặt chẽ và năng động hơn, mở rộng hợp tác chính trị và kinh tế với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Hơn nữa, Nga đã khéo léo sử dụng các biện pháp ngoại giao để chia rẽ NATO, điều chỉnh quan hệ song phương với Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác, đồng thời phá vỡ sự phong tỏa ngoại giao của phương Tây đối với Nga theo từng lớp. Do Hungary phụ thuộc vào năng lượng từ Nga khá cao, quan hệ kinh tế-chính trị giữa Nga và Hungary đã được duy trì chặt chẽ trong thời gian dài. Ngày 30/3/2023, Hungary dưới sức ép của EU đã buộc phải ký kết kế hoạch trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga, nhưng Nga vẫn kiên trì tiến hành tương tác mang tính xây dựng với Hungary, duy trì kênh đối thoại mở và thúc đẩy thỏa thuận hợp tác khí đốt song phương, tích cực thu hút “đối tác” đáng tin cậy trong phe phương Tây. Ngày 27/5/2023, Bộ Ngoại giao Nga công khai tuyên bố tăng cường quan hệ hợp tác cùng Thổ Nhĩ Kỳ, cố gắng khai thác việc cải thiện quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ để mở rộng khoảng trống ở cánh Nam của NATO, đảm bảo Hải quân Nga có thể tự do ra vào Biển Đen và Địa Trung Hải. Ngoài ra, đối mặt với cáo buộc “xâm lược Ukraine” từ các quốc gia phương Tây như Mỹ, Tổng thống Nga Putin, Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov và các quan chức cao cấp khác đã thường xuyên thông qua các kênh ngoại giao nhấn mạnh mục tiêu chiến lược của hành động này là bảo vệ an ninh quốc gia Nga. Đồng thời tích cực hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc hòa giải, thể hiện bản chất phòng thủ của hành động này nhằm tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi hơn của quốc tế.

Chiến tranh quân sự

Chiến tranh quân sự là một trong những biểu hiện quan trọng của cuộc khủng hoảng Ukraine lần này. Trong đó Mỹ và Nga triển khai “chiến tranh phức hợp” đầy quyết liệt, đặc trưng bởi công nghệ cao và sự hợp tác cao. Sau khi hành động quân sự đặc biệt bắt đầu, quân đội Nga tiến vào từ miền nam, miền đông, miền bắc Ukraine. Dựa vào thực lực quân sự mạnh mẽ triển khai tấn công tầm xa, tấn công nhiều binh chủng đối với Quân đội Ukraine và các cơ sở của họ. Tìm cách thông qua “chiến tranh chớp nhoáng” nhanh chóng thực hiện áp chế vũ lực trên chiến trường trực diện. Đầu tiên, họ sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình và các loại vũ khí dẫn đường chính xác khác để tấn công các căn cứ không quân, cơ sở phòng không và cơ sở chỉ huy ở miền đông Ukraine, nhanh chóng chiếm ưu thế trên không rồi tiến hành pháo kích quy mô lớn vào đường sắt, hệ thống điện, các trạm biến áp và cơ sở hạ tầng khác ở miền trung và miền tây Ukraine, cắt đứt các tuyến tiếp tế quân sự của nước này. Thứ hai, họ sử dụng nhiều phương pháp tác chiến như tấn công đô thị, chiến đấu trên biển, tác chiến máy bay không người lái, tác chiến điện tử để tấn công quân đội Ukraine, phá hủy toàn bộ hệ thống công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Thứ ba, quân đội Nga cùng với các nhóm quân không chính thống như nhóm quân chữ “O”, lực lượng vũ trang ủng hộ Nga ở miền Đông Ukraine, các lực lượng vũ trang Chechnya, các đội quân tình nguyện và các nhóm lính đánh thuê như “Wagner” hợp tác để tiến hành các trận phục kích và tấn công bất ngờ vào các nhóm binh chủng đặc biệt của quân đội Ukraine, loại bỏ các chướng ngại cho lực lượng mặt đất chủ lực của Nga tiến vào. (13).

Mỹ tiếp tục tăng cường hỗ trợ quân sự, trang bị vũ khí và kỹ thuật cho quân đội Ukraine, làm gia tăng thêm tình hình khủng hoảng. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2022, Mỹ đã thông qua một loạt các văn kiện như “Đạo luật Cho thuê Quốc phòng Dân chủ Ukraine năm 2022”, “Đạo luật Bổ sung Ngân sách Dành cho Ukraine năm 2022”, phê duyệt tổng cộng 54,6 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine. Với vũ khí được hỗ trợ từ trang bị phòng thủ như thiết bị xử lý chất nổ đã được nâng cấp thành vũ khí mang tính tấn công như hệ thống tên lửa chống thiết giáp Javelin, súng phóng lựu, súng cối, hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon trên bờ và những loại vũ khí tấn công khác. Ngoài ra, do Ukraine tương đối bất lợi trong các hoạt động quân sự trên bộ, Mỹ cũng cung cấp công nghệ trí tuệ nhân tạo và hỗ trợ tình báo cho quân đội Ukraine, nhằm nhận diện thông tin binh sĩ Nga, nâng cao năng lực tác chiến của Quân đội Ukraine. Công ty công nghệ Clearview AI của Mỹ đã cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho Bộ Quốc phòng Ukraine, mở cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt AI và công cụ tìm kiếm cho quân đội Ukraine. Theo thống kê, cơ sở dữ liệu này đã thu thập hơn 10 tỷ hình ảnh khuôn mặt và 2 tỷ bức ảnh. Phối hợp với các thiết bị công nghệ cao như máy bay trinh sát điện tử và tình báo, máy bay không người lái TB2 và tên lửa hành trình “Switchblade” do NATO cung cấp. Quân đội Ukraine đã có khả năng tiêu diệt một cách chính xác với chuỗi “tình báo – nhận dạng – định vị – bắn tỉa” đối với mục tiêu. Đến tháng 5/2022, Quân đội Nga có thể có ít nhất 10 tướng lĩnh thiệt mạng, ảnh hưởng tương đối lớn đến khả năng chỉ huy trên chiến trường.

Chiến tranh mạng

Ngoài việc hỗ trợ quân sự cho quân đội Ukraine, Mỹ còn phát động chiến tranh mạng quy mô lớn chống lại Nga nhằm làm suy yếu năng lực tác chiến tổng thể của quân đội nước này. Vào tháng 6/2022, Paul Nakasone, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian mạng Hoa Kỳ, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, thừa nhận rằng quân đội Mỹ đã ở lại Ukraine gần ba tháng, cùng với quân đội Ukraine tham gia “săn lùng tin tặc”. “Hunting Hacker” là một phần quan trọng của Chiến lược “Tiến ra trước” (Hunt Forward) được Mỹ triển khai từ năm 2018, mục tiêu là triển khai lực lượng tác chiến mạng tinh nhuệ ra nước ngoài để chủ động xác định và săn lùng những kẻ tấn công tiềm ẩn, đồng thời tiết lộ công khai thông tin về cuộc tấn công mạng của đối phương trong quá trình củng cố hệ thống phòng thủ mục tiêu. Chiến lược “Tiến ra trước” đã giúp Mỹ thu thập thông tin tình báo liên quan đến các hoạt động của quân đội Nga và công khai kế hoạch hành động của họ. Từ đó tạo ra một làn sóng chỉ trích Nga trong cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, Mỹ cũng giữ trong tay danh sách các phương án tấn công mạng đối với Nga như cắt đứt mạng internet, làm tê liệt lưới điện, can thiệp vào hoạt động của các tuyến đường sắt nhằm làm tê liệt nhanh chóng và chính xác các dịch vụ xã hội và công cộng của Nga. Ngày 29/3/2022, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mỹ và “các quốc gia đồng minh” đã sử dụng cấu trúc mạng của Ukraine để can thiệp vào cuộc xung đột. Sử dụng vũ khí kỹ thuật số mới để phát động các cuộc tấn công của hacker vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga, dẫn đến việc hạn chế truy cập mạng công cộng của Nga. Bí mật quân sự và thông tin cá nhân của công dân bị rò rỉ trên diện rộng.

Nga cũng thực hiện các cuộc tấn công mạng có tổ chức và có kế hoạch chống lại Ukraine. Ngày 14/01/2022, hơn 70 trang web của chính phủ Ukraine, bao gồm các trang web chính thức của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và Bộ Năng lượng, đã bị đánh sập hoàn toàn do các cuộc tấn công liên tục (APT) nâng cao. Trung tâm Tình báo Mối đe dọa của Microsoft (MSTIC) cho biết họ đã phát hiện dấu vết hoạt động của phần mềm xóa dữ liệu Whisper Gate, phần mềm độc hại phá hoại và xác nhận rằng các tổ chức hacker có liên quan chủ yếu được tài trợ hoặc liên kết với Nga. (14) Sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu, các trang web của chính phủ và quân đội Ukraine tiếp tục bị tấn công. Theo thống kê của Đội ứng phó khẩn cấp máy tính Ukraine (CERT-UA), cơ sở hạ tầng mạng chính của Ukraine đã hứng chịu tổng cộng 802 cuộc tấn công mạng và hàng chục vụ tấn công gián điệp trong quý 1 năm 2022. Trong đó hơn 32% tấn công trực tiếp nhắm vào các tổ chức chính phủ cấp quốc gia, địa phương và thành phố của Ukraine, phá hủy vĩnh viễn hàng trăm tài liệu mật, khiến các dịch vụ công cộng trên internet của Ukraine gần như bị tê liệt.

Chiến tranh thông tin và dư luận

Chiến tranh thông tin và chiến tranh dư luận là lĩnh vực then chốt của cuộc đối đầu “chiến tranh phức hợp” giữa Mỹ và Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine lần này. Mỹ đã hợp lực với các đồng minh của mình để phát động một cuộc chiến dư luận được vũ khí hóa và chính trị hóa cao độ chống lại Nga, cạnh tranh gay gắt để giành quyền lên tiếng và giải thích quá trình xung đột.

Thứ nhất, truyền thông phương Tây đi đầu trong việc mô tả cuộc khủng hoảng Ukraine là “cuộc xâm lược” của Nga vào lãnh thổ Ukraine, nhấn mạnh tính bất công và bất hợp pháp của hành động quân sự của Nga.

Thứ hai, lợi dụng quyền bá chủ truyền thông của mình để phong tỏa các kênh truyền bá tin tức ở nước ngoài của Nga, sửa đổi thuật toán, kiểm duyệt và áp quy tắc sử dụng các nền tảng xã hội, tước đoạt “quyền phát ngôn” của Nga trên các phương tiện truyền thông xã hội. Trong đó một là thực hiện phong tỏa toàn diện các phương tiện truyền thông chính thống của Nga như Russia Today, bao gồm cấm phát sóng và cấm tài khoản mạng xã hội. Hai là thực hiện các hạn chế thuật toán trên các phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu như Facebook, Twitter, YouTube để giảm tốc độ và phạm vi phổ biến tin tức Nga, dẫn đến sai lệch thông tin nghiêm trọng trong dư luận quốc tế, hình thành tình trạng tuyên truyền bị chi phối bởi truyền thông phương Tây.

Thứ ba, Mỹ và các đồng minh có tinh thần hợp tác cao, thống nhất tiếng nói và lập trường trong các dịp đa phương và trên các phương tiện truyền thông quốc tế lớn. Độc quyền tường thuật và tạo ra bầu không khí dư luận coi trọng sự phản đối, trong đó “các nước phương Tây là chính nghĩa còn Nga là xấu xa”. Mỹ yêu cầu Đại hội đồng Liên hợp quốc đình chỉ ghế của Nga trong Hội đồng Nhân quyền với lý do “tội ác chiến tranh” và thúc đẩy Liên hợp quốc bỏ phiếu về các vấn đề như lên án việc Nga xâm lược Ukraine, phủ nhận kết quả của 4 cuộc trưng cầu dân ý ở Ukraine đã bỏ phiếu cho Nga. Ngoài việc chỉ trích tính chính đáng trong các hành động quân sự của Nga, truyền thông phương Tây còn cố tình bôi nhọ các nhà lãnh đạo Nga và hệ thống chính trị nước này. Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, truyền thông phương Tây cho rằng các hoạt động quân sự đặc biệt của Nga là do “tham vọng cá nhân” của Putin, công khai mô tả ông là “nhà độc tài Nga”, “kẻ điên cuồng chiến tranh” và “kẻ thù công khai của nhân loại”. Mỹ cũng thúc đẩy Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã Putin nhằm mục đích làm lung lay niềm tin của người dân Nga vào các hoạt động quân sự đặc biệt. Xúi giục họ “ủng hộ Ukraine và Mỹ” cũng như “chống chiến tranh và chống Nga”.

Đối mặt với sự công kích và chỉ trích trắng trợn của truyền thông phương Tây, chính phủ Nga đã phối hợp chặt chẽ với các phương tiện truyền thông chính thống để bảo vệ tính hợp pháp và chính đáng của hành động quân sự đặc biệt của mình.

Thứ nhất, họ nhấn mạnh mục đích của hành động quân sự đặc biệt này là đảm bảo an ninh quốc gia của Nga và bảo vệ công dân Nga và người dân gốc Nga ở Ukraine khỏi cuộc đàn áp “diệt chủng”. Đồng thời tiết lộ hành vi tàn bạo của các phần tử dân tộc cực đoan ở Donbass, mô tả hành động quân sự đặc biệt là một hành động chính đáng khi đáp lại lời kêu gọi cứu trợ từ Lugansk và Donetsk. Nga phủ nhận tính “xâm lược” và “tấn công” của hành động quân sự đặc biệt này, nhấn mạnh tính “phòng thủ” và “tự vệ” của việc bảo vệ người dân và tự vệ an ninh của chính mình. Ở một mức độ nhất định đã cung cấp lý do chính đáng để khởi xướng hành động quân sự lần này.

Thứ hai, củng cố câu chuyện dân tộc cho rằng Nga và Ukraine là một dân tộc, có lịch sử chung. Hạ thấp và né tránh các yếu tố chính trị của cuộc xung đột và chuyển tầm nhìn phổ biến từ tranh chấp quốc gia sang các vấn đề dân tộc. Putin nhiều lần nhấn mạnh rằng Ukraine hiện đại được tạo ra bởi Nga, việc khôi phục lãnh thổ lịch sử của Nga là mong muốn của người dân và chỉ trích các nước phương Tây đã lợi dụng vấn đề dân tộc để gây chia rẽ mối quan hệ giữa Nga và Ukraine, phá hoại hòa bình khu vực. Điều này làm cho hành động quân sự đặc biệt của họ ít nhất là có cơ sở hợp pháp chính đáng ở trong nước Nga, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ từ các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và các nước Nhóm BRICS. Ngoài ra, Nga cũng rầm rộ tuyên truyền về thành tích chiến trường của mình và viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine. Nga đã thông tin ngay trong ngày bắt đầu chiến dịch “Quân đội Nga vào Kiev chỉ sau 1 giờ 22 phút”, “Lực lượng Nga đã đổ bộ vào Odessa” và sau đó tập trung vào việc báo cáo về việc mở các kênh nhân đạo, cung cấp thực phẩm, y tế và trợ giúp cho người dân Ukraina, nhằm thu hút sự ủng hộ của dư luận trong và ngoài Ukraine. Đồng thời, các phương tiện truyền thông Nga cũng thường xuyên vạch trần tội ác của Mỹ, các quốc gia phương Tây và Ukraine. Ví dụ, chỉ trích việc Mỹ thành lập các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học, hóa học ở Ukraine, vi phạm Công ước cấm vũ khí sinh học, phơi bày việc Mỹ viện trợ vũ khí cho Ukraine lọt vào “thị trường chợ đen” tăng cường khủng bố và sự phổ biến vũ khí. Chỉ trích quân đội Ukraine tuyển dụng lính đánh thuê nước ngoài và làm bị thương dân thường, tù binh chiến tranh không vũ trang.

Sau đó, giữa Nga và Ukraina đã xảy ra nhiều lần xung đột dư luận liên tiếp, như vụ “sự kiện nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye”, trong đó mỗi bên đều đổ lỗi cho nhau về việc pháo kích nhà máy điện hạt nhân và đe dọa an ninh hạt nhân. Ukraine cáo buộc quân đội Nga tàn sát dân thường trong vụ “sự kiện Bucha”. Về vấn đề này, trang web của Bộ Ngoại giao Nga đã đặc biệt thiết lập mục “Tin tức giả”(Fake News) để bác bỏ nội dung tin tức sai sự thật do Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây khác đăng tải. Từ đó, có thể thấy rõ ràng rằng cuộc chiến thông tin trong cuộc khủng hoảng Ukraine lần này có tính chất quân sự rõ ràng, được tổ chức và lập kế hoạch bởi Văn phòng Tổng thống và đồng nhất từ trên xuống dưới, với các phát ngôn chính thức được đồng bộ hóa với các phương tiện truyền thông chính thống. Mạng internet, các phương tiện truyền thông và lượng khán giả công chúng rộng lớn của họ đều trở thành các chủ thể và đối tượng ẩn dấu của cuộc “chiến tranh phức hợp”, tham gia và tác động một cách tích cực hoặc thụ động vào hướng đi của cuộc chiến.

Chiến tranh kinh tế

Kể từ năm 2014, Mỹ đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt kinh tế đối với Nga. Sau khi các hoạt động quân sự đặc biệt bắt đầu, các phương thức chiến tranh kinh tế giữa Mỹ và Nga trở nên toàn diện hơn, cường độ cũng tăng mạnh. Về tài chính, Mỹ đã áp đặt đầy đủ các biện pháp trừng phạt bao gồm trừng phạt các tổ chức tài chính, hạn chế tài sản dự trữ và thiết lập các rào cản tài chính. Trong đó có hai biện pháp ảnh hưởng lớn nhất là cắt đứt Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và hạn chế việc sử dụng dự trữ ngoại hối của Nga. Ngày 02/3/2022, SWIFT đã tuyên bố cấm 7 ngân hàng Nga và các công ty con của họ sử dụng hệ thống này. Chặn các kênh thu và thanh toán xuyên biên giới của họ, đồng thời áp dụng các khoản tiền phạt, thu hồi giấy phép và các hình phạt khác đối với các tổ chức tài chính vi phạm kế hoạch trừng phạt, nhằm đảm bảo hiệu quả của các biện pháp này. Ngoài ra, Mỹ còn hạn chế Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng dự trữ ngoại hối hơn 600 tỷ USD để không thể cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết cho thị trường. Về thương mại, Mỹ đã áp đặt các biện pháp phong tỏa và kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao chưa từng có đối với Nga. Đến tháng 6 năm 2022, Mỹ đã áp đặt tổng cộng 15 đợt trừng phạt kiểm soát xuất khẩu đối với nước này, tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt và công nghệ cao như quốc phòng, hàng không vũ trụ, hàng hải của Nga. Là một trong những ngành công nghiệp trụ cột quốc gia, ngành công nghiệp năng lượng cũng đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Tất cả các lĩnh vực khai thác, vận chuyển, xuất khẩu sản phẩm đều phải chịu lệnh trừng phạt nghiêm ngặt. Mỹ cũng phối hợp với các đồng minh để hủy bỏ quy chế tối huệ quốc đối với Nga. Áp thuế cao đối với hàng xuất khẩu của nước này, chặn các kênh vận chuyển và dựng lên các rào cản thương mại mà không để lại bất kỳ khe hẹp nào.

Đối mặt với mạng lưới trừng phạt toàn diện mà Mỹ và các đồng minh đã xây dựng, Nga đã triển khai các biện pháp ổn định khẩn cấp cùng với các biện pháp đối phó dài hạn. Ngày 28/02/2022, Ngân hàng Trung ương Nga đã tuyên bố tăng lãi suất cơ bản từ 9.5% lên 20%, nhằm ổn định tỷ giá đồng Rup và kiềm chế lạm phát trong nước. Bộ Tài chính cũng đã tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát vốn tạm thời, hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài. Để đối phó với các hạn chế của các nước phương Tây trong việc sử dụng hệ thống SWIFT, thẻ Visa và MasterCard, Nga đã đẩy mạnh phát triển hệ thống truyền tải thông tin tài chính (SPFS), Hệ thống thẻ thanh toán quốc gia (NSPK) hoặc chuyển sang sử dụng Nhân dân tệ cho các giao dịch xuyên biên giới (CIPS) để thanh toán. Ngoài việc thực hiện các biện pháp ổn định khẩn cấp như trên, Nga còn sử dụng ưu thế về năng lượng để triển khai “Chính sách thanh toán bằng đồng Rup”, triển khai cuộc chiến đối phó dài hạn với các nước phương Tây. Hành động này của Nga nhằm lợi dụng mức độ phụ thuộc cao của các nước châu Âu vào năng lượng của Nga để cưỡng chế thi hành hệ thống thanh toán bằng đồng nội tệ, duy trì sự ổn định của đồng Rup. Phá vỡ âm mưu của Mỹ trong việc loại bỏ Nga khỏi hệ thống tài chính thương mại quốc tế thông qua các biện pháp trừng phạt toàn diện.

Tổng quan các trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào Nga

Lĩnh vực Biện pháp trừng phạt Phương thức thực thi Tài chính Cơ cấu tài chính Cắt đứt ngân hàng Nga và các chi nhánh khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm các tổ chức tài chính Nga sử dụng USD trong các hoạt động giao dịch, thanh toán bao gồm cả những công dân Nga những người thuộc danh sách đen. Cấm các công ty thực hiện giao dịch với các tổ chức hoặc cá nhân trong danh sách đóng băng tài sản, tài chính của các ngân hàng Nga tại Mỹ v.v.. Tài sản dự trữ hạn chế hạn chế Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng dự trữ ngoại hối hơn 600 tỷ USD và phong tỏa 300 tỷ USD trong số đó. Áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với dự trữ vàng của Nga và cấm mọi giao dịch vàng với Nga Thiết lập tài chính Cấm mua trái phiếu chính phủ Nga, hạn chế tài trợ cho các khoản nợ mới có thời hạn trên 14 ngày. Hạn chế phát hành cổ phiếu mới của các tổ chức tài chính, cấm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các công ty Nga với hơn 50% cổ phần nhà nước ở các sàn giao dịch châu Âu. Rút các công ty tư nhân phương Tây rời khỏi Nga hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh của họ ở Nga Thương mại Lĩnh vực công nghệ cao chủ chốt Cấm xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm sang các lĩnh vực công nghệ cao chủ chốt của Nga như quốc phòng, hàng không vũ trụ, hàng hải, năng lượng và công nghiệp. Cấm xuất khẩu sang Nga các công nghệ và thiết bị liên quan đến vật liệu hạt nhân, vật liệu hóa học vi sinh, chất bán dẫn, máy tính hiệu suất cao, lĩnh vực viễn thông, thông tin…Các sản phẩm công nghệ cao như thiết bị an toàn, thiết bị dẫn đường, điện tử, hàng không cũng như các thiết bị quan trọng trong ngành năng lượng như máy khoan, cáp mỏ dầu khí và thiết bị tách khí tự nhiên; hạn chế xuất khẩu công nghệ phần mềm của Mỹ sang Nga. Đóng hoặc tạm dừng chứng khoán nợ của các công ty công nghệ như Google, Apple, Amazon Business, v.v. Hạn chế thương mại “Hủy bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga; áp thuế cao đối với hàng xuất khẩu của Nga; cấm tàu Nga vào cảng, cắt đứt các kênh vận chuyển của Nga, v.v. Trừng phạt năng lượng Thực hiện lệnh cấm xuất khẩu các công nghệ và thiết bị liên quan đến vùng biển sâu, thềm lục địa Bắc Cực cũng như hoạt động thăm dò và phát triển tài nguyên của Nga. Đình chỉ dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên “Nord Stream 2” và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty điều hành và giám đốc điều hành của dự án này cùng với châu Âu; Liên minh áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu, khí đốt tự nhiên của Nga, Thực hiện các lệnh cấm vận và giới hạn giá đối với than và các sản phẩm năng lượng khác để giảm tiêu thụ năng lượng, v.v.

Còn tiếp…

Biên dịch: Nguyễn Phượng

Bài viết gốc được đăng tải trên tạp chí Hòa bình và Phát triển (Trung Quốc), trang mạng Aisixiang dẫn lại.

Tài liệu tham khảo:

(1) Frank Hoffman,Conflict in the 21st Century:The Rise of Hybrid Wars,Arlington:Potomac Institute for Policy Studies,2007,pp.25-29.

(2) U.S.Department of Defense,”Quadrennial Defense Review Report,” February 2010,p.8.

(3) U.S.Army,”Field Manual 3-0 Operations C-1,” February 2011,pp.1-5.

(4) Valery Gerasimov,”The ‘Gerasimov Doctrine’ and Russian Non-Linear War,” translated by Mark Galeotti,July 2014,pp.2-3,https://inmoscowsshadows.wordpress.com/2014/07/06/the-gerasimov-doctrine-and-russian-non-linear-war.

(5) Franklin D.Kramer,Hans Binnendijk and Dan Hamilton,”Defend the Arteries of Society:Countries need new strategies to protect critical networks and infrastructure,” U.S.News,June 9,2015,https://www.usnews.com/opinion/blogs/world-report/2015/06/09/russia-ukraine-and-the-rise-of-hybrid-warfare.

(6) [俄]瓦列里·格拉西莫夫:《科学的价值在于预见——新挑战下对作战行动的重新思考》,罗伯特·考尔森、知远译,载《国外坦克》2017年第2期,第20—24页。

(7) Калистратов А.Война и Современность——Современные войны:разберемся с классификацией.转引自马建光、李元斌:《”混合战争”及其特点:俄罗斯学者视角的解析》,载《俄罗斯东欧中亚研究》2020年第5期,第26页。

(8) Герасимов В.Векторы развития военной стратегии ‘Красная звезда’//URL:http://redstar.ru/vektoryrazvitiya-voennoj-strategii/.

(9) 郭金峰:《俄罗斯对”混合战争”理论的研究与实践》,载《俄罗斯学刊》2022年第6期,第79页。

(10) NATO,”Brussels Summit Communiqué,” June 14,2021,https://www.nato.int/cps/en/natohq/news\_185000.htm.

(11) U.S.Department of State,”U.S.-Ukraine Charter on Strategic Partnership,” November 10,2021,https://www.state.gov/u-s-ukraine-charter-on-strategic-partnership/.

(12)张建:《俄乌冲突背景下的俄美关系及其前景》,载《和平与发展》2022年第3期,第34页。

(13)陈翔:《”混合战争”与俄乌冲突》,载《外交评论》2023年第2期,第121—122页。

(14) Digital Security Unit,Microsoft,”Special report:Ukraine——An overview of Russia’s cyberattack activity in Ukraine,” April 27,2022,https://query.prod.cms.rt.microsoft.com/cms/api/am/binary/RE4Vwwd.

(15) 荆学民、宁志垚:《”俄乌冲突”映现的国际政治传播新特征和新趋势》,载《山西师大学报(社会科学版)》2023年第1期,第48页。

(16) 郎平:《从乌克兰危机看网络空间武器化倾向及其影响》,载《中国信息安全》2022年第6期,第67页。

(17) 侯东合、舒彤、李海军:《从乌克兰危机看舆论战新动向》,载《中国广播电视学刊》2022年第12期,第33—34页。

(18) 郑卫国、戴传植:《战争:向着”模糊化”迈进》,载《中国国防报》2006年10月12日。

(19) 区分原则指从法律上将军人与平民、战斗员与非战斗员、军用物体与民用物体等加以区分的战争原则。冲突双方负有义务对不同对象加以不同对待,在武装冲突中保护平民及民用目标。

Top comments (0)